77 tạp chí đang bị CSVN ‘theo dõi chặt’ để trị tội ‘báo hóa’





HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tuy cũng đều thông tin tuyên truyền cho chế độ CSVN, hàng chục trang mạng thuộc tổ chức hay doanh nghiệp đang bị “theo dõi chặt” để trừng phạt tội “báo hóa,” có nghĩa là tạp chí chuyên ngành nhưng lại thực hiện chức năng báo chí.

Không thấy Việt Nam nêu ra tên của 77 tạp chí điện tử trực thuộc “tổ chức” hoặc “doanh nghiệp” nào. Chỉ thấy Bộ Thông Tin và Truyền Thông Việt Nam dọa trị tội những tạp chí đó và đang theo dõi chặt chẽ. Cái tội của họ là “báo hóa,” theo Vietnamnet ngày Thứ Bảy, 13 Tháng Năm.



Báo bầy bán trên lề đường Hà Nội đưa tin Nga xâm lăng Ukraine hồi Tháng Hai, 2022. (Hình minh họa: Nam Nguyen/AFP/Getty Images)

Bộ Thông Tin và Truyền Thông ở Việt Nam thường được gọi nôm na là “Bộ 4 T,” vì có bốn chữ “T.”

Nói khác, một tạp chí chỉ được viết bài, đưa tin theo chuyên ngành của loại giấy phép của cơ quan chuyên môn nào đó, không được “lấn sân” sang các lãnh vực thông tin khác, nhất là thông tin thời sự hàng ngày, giống như hoạt động của một tờ nhật báo. Tạp chí của một hiệp hội xây dựng chỉ được đưa tin về xây dựng không được phép đưa tin về một tai nạn xe cộ vừa xảy ra.


Tháng Tư, 2019, Việt Nam quyết định “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.” Mục đích rõ rệt là để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa hệ thống báo chí từ báo giấy đến báo điện tử. Báo nào cũng có cái vòng kim cô trên đầu là “Cơ quan chủ quản.” Những người đóng góp bài vở, tin tức trong các cơ quan truyền thông này nhiều khi bị cáo buộc “lách” qua những kẽ hở để đưa tin, bài viết “không đúng theo tôn chỉ mục đích” khi xin phép ra báo.

Tạp chí không được hoạt động lấn sân sang chuyện thời sự nhiều mặt của xã hội nên thời gian qua, Bộ 4 T nhiều lần đe nẹt là không được phép “báo hóa” tạp chí. Vietnamnet nói rằng, cho đến nay, bộ này đã “xử phạt hành chính 100 trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 1.5 tỷ đồng đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; tước quyền sử dụng giấy phép đối với ba trường hợp; tạm dừng 70 tên miền, ngăn chặn hơn 45 trường hợp tên miền vi phạm trong lĩnh vực thông tin điện tử.”


Đồng thời, Bộ 4 T đang “rà soát, đánh giá, lập danh sách 77 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội có dấu hiệu ‘báo hóa’ để theo dõi chặt chẽ, chấn chỉnh, xử lý.” Vietnamnet còn khoe rằng nhà cầm quyền hai thành phố lớn nhất nước, Hà Nội và Sài Gòn, đã “mời 34 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và 43 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội thuộc nhóm đối tượng có dấu hiệu ‘báo hóa’ đến làm việc.”

Giữa Tháng Mười Một năm ngoái, Vietnamnet đưa tin “Bộ 4 T rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động hậu kiểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.” Trong năm 2023 thì “tập trung giải quyết cơ bản và chấn chỉnh tình trạng ‘báo hóa’ tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp.”



Ba thành viên của Hột Nhà Báo Độc Lập bị CSVN bỏ tù ngày 5 Tháng Giêng, 2021 với các bản án nặng nề. (Hình minh họa: VNA/AFP/Getty Images)

Ngày 15 Tháng Tư, 2022, Vietnamnet nói rằng tại Việt Nam hiện có “816 cơ quan báo chí in và điện tử, trong đó có 137 báo, 370 tạp chí, 309 tạp chí khoa học; 125/137 báo thực hiện loại hình điện tử, 191/679 tạp chí thực hiện loại hình điện tử.”

Báo chí tư nhân bị cấm tuyệt đối. Một số người cầm đầu thành lập Hội Nhà Báo Độc Lập đã bị bắt và bỏ tù đầu năm 2021 với những bản án hết sức nặng nề dù hiến pháp công nhận người dân có quyền tự do báo chí. Ông Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù. Hai ông Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người 11 năm tù. Tất cả đều bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước.”


Ngày 3 Tháng Năm vừa qua, tổ chức quốc tế Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) công bố bảng xếp hạng tự do báo chí thế giới hàng năm. Việt Nam xếp hạng 178 trên tổng số 180 nước được khảo sát, cùng nhóm cuối bảng với Trung Quốc và Bắc Hàn, đều là các nước cộng sản độc tài. (TN)