Tiền căn bản không phải do kiếm mà có





Nhiều người cho rằng tiền là do bản thân kiếm được. Trên thực tế, trong đó có 3 phần là nhờ vào nỗ lực bản thân, và 7 phần là phúc báo (Ảnh: pexels)

Tiền không phải kiếm là có được. Người càng muốn kiếm nhiều tiền thì có khi lại càng không kiếm được tiền.

Tiền là hồi báo dành cho bạn khi giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề. Khi nào hiểu câu này, bạn sẽ bắt đầu kiếm được tiền.

Như người xưa thường nói, tiền có tám chân, còn con người có hai chân. Con người có hai chân, điều này là dễ hiểu; còn tiền có tám chân, thì có thể nhìn thấy qua ký tự chữ “tiền” (錢) trong chữ Hán phồn thể.

Con người có hai chân, muốn theo đuổi tiền sẽ rất khó. Tiền có tám chân, muốn đuổi theo người thì dễ lắm. Khi bạn được có phúc báo, tiền sẽ đến với bạn.

Vậy rốt cuộc của cải đến từ đâu?

Phật gia nói: Của cải đến từ phúc báo, và phúc báo đến từ lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Nhiều người cho rằng, tiền là do bản thân kiếm được. Trên thực tế, trong đó có 3 phần là nhờ vào nỗ lực bản thân, và 7 phần là phúc báo.

Cổ nhân nói: Người có phúc không cần bận rộn, người vô phúc chạy đứt ruột.

Người có đủ phúc đức, thì cuộc sống sẽ thuận buồm xuôi gió, được như ý, giàu sang sẽ tự nhiên tìm đến; nhưng nếu thiếu phúc đức thì làm các việc sẽ không được như ý muốn, dù vất vả kiếm tiền nhưng thu nhập vẫn ít ỏi.

Ngày xưa, có một người đàn ông do kiếp trước đã tích được rất nhiều phúc, nên kiếp này chuyển sinh làm Thái tử, có địa vị cao quý và được người khác kính trọng. Một người khác thì kiếp trước tham lam bủn xỉn, kiếp này làm kẻ ăn mày, suốt ngày ăn xin trên đường phố.

Thái tử đời này vẫn rộng lượng, đem hết tiền bạc châu báu trong cung bố thí cho người dân nghèo khổ. Nhưng điều này làm đức vua không chịu nổi, nên trong cơn thịnh nộ đã đuổi Thái tử ra khỏi cung.

Thái tử lưu lạc khắp nơi trên đường phố và gặp một người ăn xin, hai người trở thành bạn tốt và cùng nhau đi ăn xin.

Ở một quốc gia gần đó, nhà vua đột ngột qua đời, không để lại người nối dõi nào có thể kế thừa ngai vàng. Vì vậy, các đại thần quyết định tìm một người có phúc đức lớn để kế vị ngai vàng.

Một hôm, Thái tử và người ăn mày lưu lạc đến đất nước này, Thái tử mệt quá bèn nằm nghỉ dưới gốc cây còn người hành khất đi ra ngoài xin ăn.

Tình cờ, thị vệ trong cung đi qua nhìn thấy Thái tử đang ngủ say dưới gốc cây thì phát hiện một điều kỳ lạ, bất kể mặt trời di chuyển như thế nào, bóng của cây đại thụ luôn che nắng cho Thái tử.

Mọi người vô cùng kinh ngạc, cảm thấy rằng Thái tử là người có phúc dày. Vì vậy, họ đánh thức Thái tử và mời anh lên làm quốc vương.

Sau khi Thái tử lên làm vua, trong lòng luôn nghĩ đến người bạn ăn mày nên đã sai người làm mấy chiếc bánh, trong đó có một chiếc nhồi đầy vàng bên trong, rồi gửi cho người ăn mày.

Người ăn mày nhận được bánh, cầm lên ước lượng từng cái một. Anh ta cho rằng cái nặng là bánh chưa chín nên ném đi.

Thái tử có phúc lớn, tuy mất ngôi ở nước mình nhưng lại kế thừa ngôi vua của nước láng giềng. Còn người ăn xin, kiếp trước không tích phúc đức, nên kiếp này dù có cầm được vàng trên tay mà vẫn không có phúc được hưởng.

Của cải đến từ sự bố thí, và nghèo đói đến từ sự keo kiệt. Một người phú quý, sở dĩ phú quý là vì có một trái tim giàu có.

Cái nghèo lớn nhất của con người chính là sự nghèo nàn nội tâm. Nghèo nội tâm tức là không muốn cho mà chỉ muốn đòi hỏi, người như vậy khó mà giàu được.



Thái tử có phúc lớn, tuy mất ngôi ở nước mình nhưng lại kế thừa ngôi vua của nước láng giềng. (Tranh NTDVN - Bình Minh)

Trong “Liêu Trai chí dị” ghi lại một câu chuyện về Vương Thành.

Vương Thành là một thanh niên nghèo túng, đã không chăm chỉ lại không giỏi quản lý nên gia cảnh nghèo khó xác xơ. Theo đạo lý, một người như vậy sẽ không thể phát đạt nếu không có sự dìu dắt của bậc bề trên, và sự giúp đỡ của họ hàng, bạn bè. Nhưng số phận chỉ thay đổi trong một ý nghĩ.

Vương Thành vốn có thói quen lang thang trong một khu vườn bỏ hoang trong làng. Một hôm, anh tới khu vườn này và vô tình nhặt được một chiếc trâm cài bằng vàng trong bụi cỏ. Không lâu sau, một bà lão đến tìm chiếc trâm.

Vương Thành gia cảnh mặc dù nghèo khó, nhưng là người lương thiện, sau khi trao đổi vài câu, anh liền trả lại chiếc trâm vàng cho người đánh mất.

Lão phu nhân cảm động trước sự chính trực của Vương Thành, muốn báo đáp anh, sau khi biết hoàn cảnh gia đình anh, bà mua gạo rau cho anh, thậm chí còn bỏ ra bốn mươi lạng bạc để anh làm ăn.

Với cơ hội như vậy, mặc dù Vương Thành từng trải qua những trắc trở, nhưng cuối cùng anh đã gây dựng được 300 mẫu đất đai màu mỡ, có một cuộc sống sung túc và gia nghiệp hưng thịnh.

Bạn ra sức tìm kiếm tiền bên ngoài, nhưng bên trong nội tâm bạn lại thiếu thốn, năng lượng tiêu cực này sẽ khiến tiền bạc rời xa bạn.

Khi bạn có một trái tim chân thành, phúc hậu, nội tâm của bạn sẽ ở trạng thái hoàn hảo, và năng lượng tích cực này sẽ tự nhiên thu hút tiền bạc cùng quý nhân tới.

Có thể thấy, sở dĩ bạn cầu mong có tiền mà không được, là do bạn chưa đủ đức. Bản chất đã có đầy đủ rồi, sao cần phải cầu ở bên ngoài.

Tất cả những phiền não của việc kiếm tiền đều quy về một vấn đề: Bạn có thể giúp đỡ người khác điều gì?

Tiền không phải là kiếm mà có được, mà là sự hồi báo bạn nhận được sau khi bạn giải quyết vấn đề giúp người khác. Bạn có thể giúp đỡ bao nhiêu người, bạn sẽ nhận được bấy nhiêu tài phú.

Vì vậy, đằng sau đồng tiền là cái tâm, và đằng sau cái tâm chính là đức.

Khi bạn không có tiền, trước tiên hãy cho đi sự siêng năng, nỗ lực; rồi cơ hội sẽ đến. Đây chính là “Thiên Đạo thù cần” (Trời ban thưởng cho người cần cù).

Khi cơ hội của bạn tới, hãy cho đi sự thành tín, và tiền sẽ đến. Đây chính là lấy sự chân thành làm gốc.

Khi bạn có tiền, hãy cho đi sự hào phóng, thì người sẽ đến. Đây chính là ‘tán tài tụ nhân’.

Khi có người rồi, thì hãy cho đi tình yêu thương, sự nghiệp sẽ tới. Đây chính là đức dày tải vật.

Khi sự nghiệp đến, hãy cho đi trí huệ thì hạnh phúc đến. Đây chính là đức hành thiên hạ.

Tiền cũng có linh tính, và sự xuất hiện của nó đều có nhân duyên.

Phúc đức của bạn sâu dày bao nhiêu, bạn có thể nhận được bấy nhiêu tài phú.

Theo Triệu Lệ - Aboluowang

Minh An biên dịch