Thầy giáo mắng học trò “đầu trâu, đầu chó”: Lỗi do đâu?





Ảnh cắt từ clip lớp học của thầy giáo T.Đ.K

Một video clip lan truyền trên mạng xã hội cả tuần qua cho thấy một giáo viên đập bàn mắng học sinh: “Học dốt. Viết đoạn văn 150 chữ, thi làm bài không được, bây giờ tôi hướng dẫn không nghe. Đầu trâu, đầu chó gì đó, không phải đầu người. Không muốn vào lớp, nói thẳng ra là vậy...”

Đến tối ngày 9 tháng 7 năm 2023, ông Phan Văn Lil - hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Hồng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau xác nhận sự việc xảy ra trong giờ ôn tập ngữ văn của thầy T.Đ.K tại một lớp 10 của trường này cách nay gần một năm. Một ngày sau đó, ngày 10 tháng 7, qua truyền thông Nhà nước, thầy K. thừa nhận bản thân đã có những lời lẽ chưa chuẩn mực với tác phong của người làm thầy, đồng thời xin lỗi học sinh.

Câu chuyện giáo dục nó xuống cấp một cách toàn diện thì khó mà giải quyết từng vấn đề. Từ việc học, việc dạy học nó phức tạp trong hệ thống giáo dục hiện nay. Cả về đạo đức cũng như chuyên môn của một số nhà quản lý, từ giám đốc sở cho đến trưởng phòng, cho đến hiệu trưởng đều xuống cấp. Họ không còn cái đạo đức của một nhà giáo mà đi đến chỗ nhóm lợi ích để kiếm lời. - GS. Mạc văn Trang

Sự việc một lần nữa báo động về tác phong người thầy trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam hiện nay. Bà Quyên, một phụ huynh ở TP.HCM có con mới học hết lớp 8, cho rằng, những chuyện như thế chỉ xảy ra ở miền quê hoặc những tỉnh nhỏ chứ ở TP.HCM thì rất ít. Bà nói:

“Tâm lý của phụ huynh và học sinh ở dưới quê là cái gì họ cũng sợ. Báo đài không chính thống thì họ không xem nên họ không biết là cái quyền của mình ra sao. Ở Sài Gòn mà như thế là phụ huynh họ kéo lên trường họ nói, họ kiện cáo cho biết.”

Giáo sư Mạc Văn Trang nêu quan điểm của ông với RFA sáng 11 tháng 7:

“Câu chuyện giáo dục nó xuống cấp một cách toàn diện thì khó mà giải quyết từng vấn đề. Từ việc học, việc dạy học nó phức tạp trong hệ thống giáo dục hiện nay. Cả về đạo đức cũng như chuyên môn của một số nhà quản lý, từ giám đốc sở cho đến trưởng phòng, cho đến hiệu trưởng đều xuống cấp. Họ không còn cái đạo đức của một nhà giáo mà đi đến chỗ nhóm lợi ích để kiếm lời.

Khi mà giáo viên đã căng thẳng thi đua, phải dạy thêm lập thành tích để kiếm thêm tiền lo cho cuộc sống, thì chính giáo viên cũng căng thẳng với học sinh. Tất cả những người đó (học sinh và giáo viên - NV) đều không làm đúng chức năng của mình. Đặc biệt trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam không có các nhà tâm lý học đường để giải tỏa những bức xúc của học sinh cũng như giáo viên nên sự việc ngày càng tệ.”


Tại Hội thảo “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho giáo viên hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc” được Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào tháng 12 năm ngoái, một khảo sát tình trạng sức khỏe tâm thần của giáo viên THCS tại Quảng Trị, Huế và TP.HCM cho thấy, có 41,1% số giáo viên bắt đầu có những dấu hiệu đáng lưu ý, 22% giáo viên có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần cao và khoảng 6,1% giáo viên có sức khỏe tâm thần không tốt.

Ngoài chuyện giáo viên chửi mắng học trò của mình bằng những từ ngữ được cho là không phù hợp trong môi trường giáo dục, xúc phạm người khác như giáo viên tên K. kể trên, nhiều vụ thầy giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp đã diễn ra từ nhiều năm qua.

Chẳng hạn vụ thầy giáo Đoàn Văn Tám ở tỉnh Thái Bình bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” vào tháng 5 năm 2022, do có hành vi dâm ô một nữ sinh lớp 11; hay vụ thầy giáo dâm ô bốn nam sinh ở Tây Ninh bị tuyên án 8 năm tù giam năm 2021; thầy giáo dâm ô bốn học sinh tiểu học ở tỉnh Thái Nguyên năm 2022…

Thầy cô bây giờ nói thẳng là dạy cho xong, trò cũng học cho có. Bây giờ mà tìm một người giáo viên có lương tâm, có đạo đức như ngày xưa thì không còn nữa. Phải nói tổng quan về tất cả những gì xảy ra trong xã hội Việt Nam hiện nay đều là kết quả của một nền giáo dục coi trọng đồng tiền hơn đạo đức. - Cô Thu Hương

Cô Thu Hương, giáo viên một trường trung học ở TPHCM cho rằng, tất cả là do nền giáo dục mà ra:

“Lỗi là do hệ thống giáo dục của Việt Nam. Tôi chỉ nói đơn cử như trường tôi, hiện tượng giáo viên đánh học trò, chửi học trò là có. Nó có nền móng từ việc không thể đào tạo ra một người giáo viên gương mẫu.

Thầy cô bây giờ nói thẳng là dạy cho xong, trò cũng học cho có. Bây giờ mà tìm một người giáo viên có lương tâm, có đạo đức như ngày xưa thì không còn nữa. Phải nói tổng quan về tất cả những gì xảy ra trong xã hội Việt Nam hiện nay đều là kết quả của một nền giáo dục coi trọng đồng tiền hơn đạo đức.”


Tiến sĩ tâm lý Phạm Quỳnh Hương thì cho rằng, trong một xã hội có quá nhiều bất công dẫn đến mọi cá nhân trong xã hội đều có những áp lực. Áp lực lâu ngày dẫn đến tâm lý khó kiềm chế và họ bộc phát bằng lời nói hay cách cư xử thô lỗ. Với trường hợp thấy giáo P.Đ.K mắng học trò ‘đầu trâu, đầu chó” ở trên, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nói với RFA:

“Tôi nghĩ rằng ông thầy này thiếu kiềm chế, chứ còn thật ra ai đã đi làm nghề giáo thì đều biết rằng, trong một lớp không thể nào tất cả học sinh đều giỏi đều chăm, đều ngoan. Lớp nào cũng có đứa nọ đứa kia khiến cho người thầy bị áp lực. Và nó ức chế từ ngày này qua ngày khác dễ khiến cho người ta không kiềm chế được. Tôi nghĩ cũng có thể thông cảm được chuyện đấy.

Còn một lý do nữa là bây giờ điều kiện sống tốt hơn rất nhiều. Trẻ con tất cả đều được đến trường. Cha mẹ thì chạy theo thành tích, xã hội cũng chạy theo thành tích và thầy giáo cũng chạy theo thành tích. Tất cả đều chạy theo thành tích nó khiến cho học sinh và thầy cô vào lớp với tinh thần rất là kém và chán nản. Đây thực sự là một điều đáng quan tâm!”


Bà Hương nói thêm, nhiều học sinh quá áp lực đã phải tự tử. Báo Nhà nước từng dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam rằng, những em học sinh tự tử là do đang bị bế tắc, suy nghĩ không được giải phóng, không có những người bạn thân để tâm sự, giãi bày, không có kỹ năng tìm hiểu, tìm ra người có thể giúp đỡ mình nên mới dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực. Vị tiến sĩ này kết luận, mấu chốt của vấn đề nằm ở những hạn chế còn tồn đọng trong nền giáo dục Việt Nam.



RFA