Bị loạn thần do ngộ độc nước nấu từ cây Mú Từn




Uống nước đun từ cây Mú Từn tươi để chữa đau khớp, rạng sáng người đàn ông bỗng nhiên bật dậy nói nhảm, quấy phá, lên cơn loạn thần phải nhập viện.



Phần cây của cây Mú Từn. (Ảnh: truyenhinhnghean.vn)

Ngày 14/7, ông Lô Thanh Quý – Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) xác nhận thông tin trung tâm vừa tiếp nhận cấp cứu ban đầu cho một bệnh nhân Lim Văn X. (SN 1984, trú tại bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An).


Bệnh nhân X. được nhập viện trong tình trạng kích thích vật vã, nóng nảy, tay chân khua lung tung.

Theo thông tin khai thác từ người nhà, anh X. bị đau xương khớp đã lâu, một tuần qua đun cây Mú Từn tươi uống. Mỗi ngày anh X. uống khoảng 1,5 lít, thấy đỡ đau.

Khoảng 1h20 sáng ngày 14/7, anh X. đang ngủ liền bật dậy nói lảm nhảm lung tung, sau đó quấy phá, lên cơn loạn thần, kích thích vật vã, nóng nảy, nói nhảm không đúng chủ đề.

Anh X. được gia đình đưa vào Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu cấp cứu. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị ngộ độc do uống nước nấu từ cây Mú Từn. Sau khi cấp cứu ban đầu, bệnh nhân được chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An điều trị.

Cũng theo Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu, trước đó tại huyện Quỳ Châu đã xảy ra một vụ ngộ độc do uống nước nấu từ cây Mú Từn với các biểu hiện tương tự. Hai bệnh nhân là anh Vi Văn T. và vợ là chị Vi Thị X. (trú bản Xăng Cọc, xã Châu Bính).

Ngày 25/6, hai vợ chồng anh T. lấy rễ Mú Từn từ rừng về phơi khô đem đun nước uống. Hơn 10 tiếng đồng hồ sau khi uống, cả hai đều có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, bước đi loạng choạng… Sau khi được cấp cứu, anh T. được giải độc thành công còn chị X. bị nặng hơn phải điều trị loạn thần tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An.



Hình ảnh phim chụp não bị tổn thương của bệnh nhân ngộ độc Salicylate, tháng 5/2022. (Ảnh: bachmai.gov.vn)

Mú Từn (còn gọi là cây Cù boong nậu) thuộc họ dây leo thân gỗ, dài 6 – 20m. Cành non có nhiều lông mềm, cao 0,5 – 1mm. Lá kép, có 7 – 19 lá phụ phiến xoan, mọc gần đối, cỡ 4 – 10 x 2 – 5 cm, chóp lá tà, mũi lõm, đáy bất xứng. Mặt dưới có nhiều lông, gân phụ 3 – 4 cặp. Hoa mọc ở nách lá, cụm hoa cao 2 – 7cm, ít hoa.

Cây Mú Từn được tìm thấy tại vùng rừng núi Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… Rễ cây, thân cây là bộ phận được sử dụng để đun nước uống, ngâm rượu để chữa xương khớp, tăng cường sinh lý theo công dụng truyền miệng.

Ngoài 3 trường hợp bị loạn thần do ngộ độc nước cây Mú Từn kể trên, Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai hồi tháng 5/2022 từng ghi nhận 2 ca bị tổn thương não do ngộ độc rượu ngâm cây Mú Từn.

Bệnh nhân Trương Văn Đ. (SN 1962, ngụ tỉnh Nghệ An) và bệnh nhân Lê Bá T (SN 1972, cũng ngụ tỉnh Nghệ An) cùng có có tiền sử uống rượu nhiều năm, uống rượu ngâm rễ cây Mú Từn để chữa bệnh đau xương khớp.

Ông Đ. uống khoảng 50ml/ngày. Sau 10 ngày uống, ông Đ. xuất hiện tình trạng chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, huyết áp tăng cao. Bệnh nhân được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu nhưng tình trạng càng tăng nặng, xuất hiện cơn co quắp chân tay khoảng 30 phút nên được chuyển lên tuyến cao hơn, và tiếp tục được chuyển đến Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai ngày 1/5.



Mẫu rượu ngâm rễ cây Mú Từn mà bệnh nhân Trương Văn Đ. đã uống. (Ảnh: bachmai.gov.vn)

Còn ông T. uống được 3 ngày, mỗi ngày khoảng 150ml/ngày thì bị chóng mặt, đau bụng thượng vị, buồn nôn nhưng vẫn đi biển. Trên tàu, ông T. bị đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn nhiều nên được đưa đi cấp cứu và chuyển đến Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai ngày 6/5.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết cả hai bệnh nhân trên được nhập viện trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, hôn mê, có tổn thương não, xác định bị ngộ độc Salicylate có nguồn gốc từ rễ cây. Đây là một loại thuốc giảm đau có trong nhiều loại cây cỏ tự nhiên, có thể được dùng để chữa giảm đau, tuy nhiên nó có độc tính nhất định nếu việc kiểm soát không đảm bảo về liều lượng, cách dùng.

Ngộ độc Salicylate có thể gây nên tình trạng chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, hôn mê, tụt huyết áp, có tổn thương não và tổn thương thận, rất dễ bị tử vong.

Sơn Nguyên