'Cò bệnh viện' bủa vây người bệnh cả ngoài đời lẫn online






'Cò bệnh viện' bủa vây người bệnh cả ngoài đời lẫn online. (Ảnh: chinhphu.vn)

Tại nhiều cổng bệnh viện, luôn có một nhóm người, hễ thấy ai đến thăm khám là họ chạy lại hỏi thăm mời mọc, tỉ tê ra các phòng khám tư nhân để khám bệnh. Hay để có được số thứ tự khám nhanh, nhiều bệnh nhân phải chấp nhận và bất lực đưa cho “cò dịch vụ” từ 50.000 – 200.000 đồng.

"Cò mồi" lộng hành tại bệnh viện

Việc người dân xếp hàng chờ khám bệnh là một hình ảnh rất quen thuộc tại các bệnh viện. Tâm lý đi viện ai cũng mong được khám sớm, điều trị kịp thời để an tâm ra về, nhưng thực tế muốn sớm cũng phải xếp lần lượt theo quy định. Vì vậy, bệnh nhân sẽ phải lấy số thứ tự để đợi đến lượt mình. Lợi dụng điều đó, nhiều dịch vụ khám nhanh cũng đã nở rộ, thậm chí công khai chèo kéo trước cổng bệnh viện.

Bởi tồn tại những chiếc vé "lậu" nên nhiều người đành phải đi sớm. Có cầu ắt có cung, đường dây "cò mồi" xuất hiện từ đây.

Đầu tiên là tiền đâu? Không quan trọng là người đến trước hay đến sau, chỉ cần có tiền thì số nào cũng có. Mọi mức giá được đưa ra khiến người bệnh khó có thể chối từ để đánh đổi lấy sự ưu tiên. Khi con người cố ý can thiệp, đảo lộn quy trình thì công nghệ cũng phải chào thua.

Lộng hành cả trong lẫn ngoài. Không chỉ giúp "khách hàng" được "đặc cách" để lấy "số ưu tiên", "cò" còn hứa hẹn "chen chân" vào bất cứ khu vực nào ở bệnh viện, thậm chí mời chào rất chuyên nghiệp.

Thu lợi cao và dễ dàng nên những "đường dây cò mồi" thu hút nhiều người tham gia. Thiệt thòi lại thuộc về những bệnh nhân tuân theo thứ tự, không thỏa hiệp với việc chen ngang. Bệnh tật đã khổ, còn thêm khổ với đủ kiểu thủ đoạn đang chực chờ ở bệnh viện mỗi ngày.

Muôn kiểu "mồi chài" người bệnh


Thật đáng buồn khi những tấm "vé đen" đó không chỉ xuất phát từ bọn "cò" mà còn có sự tiếp tay đắc lực từ các nhân viên y tế. Cụ thể, hiện có hai loại “cò” bệnh viện: “cò ngoại” và “cò nội”. “Cò ngoại” là môi giới ở ngoài bệnh viện. Cò nội là ở bên trong phối hợp với "cò" ngoại hoặc với các nhân viên y tế để giới thiệu đến phòng khám riêng hoặc bệnh viện tư nhân. Thậm chí có cả trường hợp nhân viên bệnh viện mới nghỉ hưu đã “biến thành cò”, đưa hết người này đến người khác vào gặp các bác sĩ “nhờ” khám nhanh, lấy kết quả sớm.

Mặc dù tại các cổng bệnh viện, loa thông báo phát cả ngày để tránh lừa đảo nhưng "cò bệnh viện" vẫn hoạt động rất lộng hành, do vậy nhiều người đến khám bệnh vẫn bị "dính bẫy" của các đối tượng này.

Tất cả những thông tin của "cò" đều không chính xác, bệnh viện vẫn làm việc, thăm khám bình thường và không yêu cầu làm xét nghiệm, chỉ thực hiện khai báo y tế đối với người đến khám. Do vậy, khi đến viện thăm khám người dân cần tỉnh táo, không nghe lời dụ dỗ của các đối tượng.

"Cò" là cách gọi những người chuyên môi giới, mời chào, dẫn dụ bệnh nhân không điều trị tại cơ sở y tế chính quy mà đến phòng khám tư, phòng khám chui. Họ thường lảng vảng ở trước hoặc trong các bệnh viện, cơ sở y tế lớn để tìm kiếm nạn nhân. Tình trạng này dẫn đến nhiều bệnh nhân bị lừa đảo, mất tiền, tốn kém, không điều trị hết bệnh, chẩn đoán sai, mất thời gian vàng điều trị... Đây là những hoạt động vi phạm pháp luật.

Thực tế, nạn "cò" hoạt động ở các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố tồn tại nhiều năm nay. Những địa điểm thường có tình trạng này là các bệnh viện Mắt, Da liễu, Ung bướu cơ sở 1, phòng khám Medic... Ba năm dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện khám và điều trị giảm nên những hoạt động mời chào, chèo kéo cũng giảm mạnh.

"Hiện số bệnh nhân đến bệnh viện khám chữa bệnh tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát ổn định, là thời điểm để nạn môi giới tái diễn hoạt động", đại diện Sở Y tế nhận định.

Sở Y tế cho rằng ngành y tế và ngành công an phối hợp ngăn chặn tình trạng này nhưng vẫn chưa đủ sức để răn đe. Do đó, Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh củng cố hoạt động của đội bảo vệ, phối hợp công an địa phương đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu vực đông người, nhất là khu vực đăng ký khám bệnh. Các bệnh viện cũng cần triển khai ứng dụng đăng ký khám bệnh từ xa, truyền thông để người bệnh cảnh giác.

"Cò bệnh viện" online thời 4.0

Không chỉ nỗi lo bị “cò” bủa vây ngoài đời mà hiện nay còn xuất hiện cả “cò online” khiến người dân như rơi vào ma trận vì không biết đâu là thật, là giả.

Cụ thể, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều fanpage, trang mạng xã hội mạo danh, sử dụng tên các bệnh viện lớn để lừa đảo tư vấn, khám bệnh trực tuyến, bán thuốc nhằm trục lợi từ người bệnh.

Những trang này thường mạo danh các bệnh viện lớn có tên tuổi như Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện 198…, sao chép và đăng tải lại những bài đăng, dùng logo, ảnh bìa trang của các bệnh viện khiến nhiều người dân nhầm lẫn. Sau đó đăng các bài viết nhằm mục đích kê đơn, bán thuốc cho người bệnh.

Kẻ xấu còn cắt ghép hình ảnh, video về bệnh viện lồng tiếng quảng cáo cho sản phẩm, khám chữa bệnh online, bán các loại thuốc giả, kém chất lượng. Các bệnh viện khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, bệnh viện chỉ khám bệnh trực tiếp, không kê đơn hay bán thuốc online.



Hàng chục fanpage giả Bác sĩ Lê Vũ Tân. (Chụp màn hình)

Như trường hợp của bác sĩ Lê Vũ Tân, Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM liên tục đăng bài cảnh báo về việc bị giả mạo tên tuổi. Là bác sĩ nổi tiếng, tài khoản Facebook có tích xanh và thường chia sẻ nhiều kiến thức về nam khoa, anh bị cắt ghép hình và gắn với quảng cáo cắt bao quy đầu giá 120.000 đồng. Tình trạng này đã kéo dài suốt nhiều năm qua.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cũng là người thường xuyên bị mượn tên tuổi, hình ảnh để kẻ gian bán thuốc và thực phẩm chức năng. Là bác sĩ chuyên khoa Nhi nhưng hình ảnh ông được gắn vào các trang bán thuốc tiểu đường, thuốc sinh lý rất rầm rộ.

Tuyết Nhi (tổng hợp)