Hít bóng cười thành nghiện, cô gái 26 tuổi tổn thương tủy sống cổ




Hai ngày hít 6-7 quả bóng cười (khí N2O) như “giọt nước tràn ly” khiến cô gái 26 tuổi hít bóng cười tới 5 năm qua bị tổn thương tủy sống, sau 2 tuần điều trị mới tự đẩy xe khung đi được dưới 10m.



Cảnh hít khí bóng cười trong một quán bar tại Hà Nội, bị Công an quận Hoàn Kiếm phát hiện hồi tháng 7/2022. (Ảnh minh họa: Công an thành phố Hà Nội/Facebook)

Ngày 23/7, theo thông tin từ Bệnh viện Quân Y 7A (TP.HCM), bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhân 26 tuổi (ngụ TP.HCM) bị tổn thương tủy sống do ngộ độc bóng cười (chứa khí N2O).

Theo bệnh sử, trước khi nhập viện, cô gái sử dụng 6-7 quả bóng cười trong 2 ngày. Sau đó, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện cảm giác tê chi dưới tăng dân, cảm giác như kim châm, đi lại khó khăn. Tuy nhiên, người bệnh không đi khám mà tự mua thuốc uống.

Sau 15 ngày, các biểu hiện trên tăng dần kèm theo rối loạn chức năng cơ vòng. Lúc này, bệnh nhân mới đến Bệnh viện 7A để khám.

Trước khi tình trạng trên xảy ra, bệnh nhân này thường xuyên sử dụng bóng cười, 1 tuần 2 – 3 lần trong 5 năm qua, mỗi lần 5 – 7 quả.

Tại bệnh viện, sau khi thăm khám vận động, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có thể trạng béo phì, dáng đi không sức, sức cơ yếu; phản xạ gân xương giảm tứ chi, không có phản xạ bệnh lý tháp. Các cơ quan khác chưa ghi nhận bất thường. Tình trạng bệnh tiến triển nặng do bệnh nhân không đi thăm khám sớm.

Bệnh nhân được xác định tổn thương tủy cổ đoạn dài từ C1 đến C6, liệt không đi lại được, BS.CKII Kiều Mạnh Hà, Chủ nhiệm khoa Thần Kinh, Bệnh viện Quân y 7A cho biết.

Sau đó, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Sau 2 tuần, bệnh nhân giảm cảm giác tê bì, phục hồi một phần cảm giác sâu, bệnh nhân tự đẩy xe khung đi được dưới 10m.

Bác sĩ Hà cho biết N2O được sử dụng trong y học từ hơn 150 năm trước để gây mê toàn thân. Tuy nhiên, do tác dụng yếu nên hiện nay trong y học chất này ít được sử dụng đơn độc mà thường được sử dụng phối hợp với các thuốc gây mê khác.

Hít khí N20 gây ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác dẫn đến kích thích, hưng cảm thời gian ngắn, sau đó an thần, nặng có thể mất ý thức, loạn nhịp tim, tụt huyết áp… Việc sử dụng N2O kéo dài hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên- phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin.

Nhiều người cho rằng chỉ sử dụng bóng cười cho vui, nghĩ rằng vô hại vì hết cười lại bình thường. Tuy nhiên, xu hướng là sẽ tăng liều dần và sẽ gây nguy cơ ngộ độc. Trong trường hợp cười do hít bóng cười, việc cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt do thiếu oxy. Nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp.

“Việc sử dụng N2O kéo dài hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong. Những người đang lái xe dùng bóng cười sẽ rất nguy hiểm”, bác sĩ Nguyên cảnh báo.

Theo quy định của Bộ Y tế, khí N2O chỉ được phép để mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp, không được cấp phép để mua bán, sản xuất với mục đích sử dụng cho người.

Sơn Nguyên