Vừa chào đời đã biết nói chuyện, mang theo cả ký ức chuyển sinh






Vừa chào đời đã biết nói chuyện, mang theo cả ký ức chuyển sinh. (Ảnh minh họa: Pexels)

Khi con dâu nhà họ Trương vừa mới sinh hạ một bé trai, bà đỡ còn đang cuống cuồng không biết cái kéo cắt dây rốn ở đâu, bất ngờ nghe thấy đứa bé mới sinh nói: “Cái kéo không phải đang treo trên tường ddos sao?” Mọi người trong nhà sợ quá đều đứng ngây ra, không nói nên lời! Lúc này trong nhà yên ắng không một tiếng động, lại nghe đứa bé nói: “Ối trời ơi! Sao tay tôi lại bé tẹo như thế này?”

Trương Sinh Hữu nhớ rõ lần đầu thai kiếp này của mình diễn ra trên cao nguyên Hoàng Thổ của Trung Quốc, đó cũng là nơi mà kiếp trước anh đã tử vong. Cấp trên của anh, Vĩ Đức Mậu tiên sinh, đã xác nhận chuyện này với mọi người. Vĩ Đức Mậu tiên sinh từ Trung Quốc sang Đài Loan từng nhậm chức đại biểu Trung Hoa Dân Quốc, ông cũng là cựu Phó Tổng thư ký của Ủy ban Tư vấn Sĩ quan và Quân đội.

Câu chuyện luân hồi có một không hai của Trương Sinh Hữu, cấp dưới của ông, cũng truyền tụng khắp Đài Loan. Trương Sinh Hữu đã đầu thai khi mà kiếp trước không biết rằng mình vừa chết, hơn nữa lúc mới sinh ra đã có thể nói chuyện, và thân xác vẫn bảo lưu tâm trí trong tiền kiếp của mình.

Trương Sinh Hữu sinh ra ở huyện Mân, giáp huyện Vĩnh Thọ, trên cao nguyên Hoàng Thổ. Kiến ​​thức và năng lực của anh chỉ ở mức bình thường, ngày thường cũng không thấy anh triển hiện trí tuệ cao siêu gì, nhưng anh lại có thể nhớ rất chi tiết tất cả các sự việc của kiếp trước. Trương không nói cười tùy tiện, không giống kiểu người lấy việc “nhớ chuyện kiếp trước” ra nói đùa, hoặc để tạo dựng tên tuổi cho bản thân. Đồng nghiệp và người nhà đời trước của anh đều xác thực đã kiểm chứng ​ký ức đời trước của anh, hơn nữa còn không sai chệch chút nào.

Vừa chào đời đã biết nói chuyện như người lớn

Năm Trương Sinh Hữu lên 7 tuổi cậu bắt đầu kể một cách cặn kẽ về tiền kiếp của mình. Cậu nói với ông nội rằng kiếp trước mình tên là Điền Tam Ngưu, sinh ra ở một ngôi làng cách huyện huyện Mân 30 dặm về phía Tây nam, sống ở nhà hang (*), gia đình nhiều đời làm nông, gia cảnh bình bình, vợ con đều có đủ cả. Sau khi điều tra, quả thực có một hộ gia đình như vậy, khi đó Điền Tam Ngưu cũng đã chết được 7 năm rồi. Ký ức về kiếp trước của Trương Sinh Hữu được truyền khắp huyện Mân và huyện Vĩnh Thọ kế bên. Rất nhiều người đã nghe kể về điều này, rằng Trương Sinh Hữu ngay khi vừa chào đời đã có thể nói chuyện.

(*) (Vùng cao nguyên Hoàng Thổ gồm núi đất, người dân đào vách núi làm nhà, gọi là nhà hang)



Nhà hang ở cao nguyên Hoàng Thổ. (Shutterstock)

Người nhà họ Trương đều nhớ rất rõ, khi con dâu nhà này vừa mới sinh hạ một bé trai (chính là Trương Sinh Hữu), bà đỡ cuống cuồng không biết cái kéo cắt dây rốn ở đâu, bất ngờ nghe thấy đứa bé mới sinh nói: “Cái kéo không phải đang treo trên tường sao?”

Nhất thời mọi người trong nhà sợ quá đều đứng ngây ra, không nói nên lời! Lúc này trong nhà yên ắng không một tiếng động, lại nghe đứa bé nói: “Ối trời ơi! Sao tay tôi lại bé tẹo như thế này?”.

Ngay lập tức, mọi người trong nhà nhốn nháo cả lên, có người nói: “Thằng nhỏ này chắc là yêu quái đầu thai rồi! Mau mau ném nó xuống hầm phân dìm chết nó đi thôi!”.

Lời mọi người nói, cậu bé đều nghe được hết, trong lúc hoảng sợ, cậu lại phát hiện thân thể đang ở tuổi tráng niên của mình lại biến thành tấm thân của đứa bé vừa mới lọt lòng, nhất thời sợ hãi quá không biết làm sao cho phải. Lúc này, cậu nghe thấy mẹ cậu lên tiếng rằng, dù có chết cô cũng quyết không hại đến cốt nhục của mình. Sau khi dây rốn của đứa trẻ được cắt bỏ, người ta lấy máu của sản phụ bôi khắp người cậu, nói là để trừ ma đuổi tà.

Sau sự tình đó, cậu bé không còn dám mở miệng nói năng gì. Đặc biệt là vào khoảng thời gian sau, có một lần xảy ra việc ngoài ý muốn, khiến Trương Sinh Hữu từ đó chỉ khóc chứ không dám nói chuyện nữa. Hôm đó, cả nhà cậu đều ra ngoài bận việc đồng áng, mẹ cậu lấy một tấm chăn bông quấn lấy cậu và đặt cậu ngồi trên cái ghế. Cậu thấy đàn gà nuôi trong nhà tranh nhau ăn đống lúa mì đang phơi ngoài sân, không cầm lòng nổi, cậu bèn khua tay lia lịa, lớn tiếng quát đuổi mấy con gà.

Vừa khéo có người về nhà hang, bắt gặp đứa bé với bộ dạng, quát tháo trông như người lớn, bèn ôm lấy “yêu nghiệt” này chuẩn bị ném vào hầm phân. Lúc này, mẹ cậu vì ở ngoài đồng mà lòng lại thấp thỏm không yên, vội vàng chạy về nhà xem con thế nào, may thay đã kịp cứu mạng cậu!

Điều đó có nghĩa là, tuy kiếp này cậu tên là Trương Sinh Hữu, nhưng trong thân thể vẫn giữ tâm trí của “Điền Tam Ngưu”. Nhưng kể từ hôm xảy ra sự cố suýt bị người nhà hại chết, Trương Sinh Hữu không dám mở miệng nói nữa, cho đến khi cậu gần được 7 tuổi, người nhà đều cho rằng cậu bị câm.

Bí mật dần hé lộ

Một ngày nọ, ông nội lòng nặng trĩu dắt tay Trương Sinh Hữu ra ngoài đồng, buồn bã hỏi: “Cháu ngay từ lúc mới sinh ra là đã biết nói chuyện, sao đến giờ đã gần 7 tuổi rồi mà trái lại vẫn là đứa trẻ câm vậy?”.

Ông nội nghi hoặc: Phải chăng là do tổ tiên họ Trương thất đức nên con cháu mới bị tật nguyền? Hay là đứa cháu lo sợ bị người ta xem như quái vật mà giết hại, nên mới giả câm?

Ông nội lại nói với cậu: “Nhà chúng ta neo người, sau này còn sẽ phải dựa vào cháu mà chèo chống cái nhà này. Dù có nói gì đi nữa, chúng ta cũng tuyệt đối sẽ không làm hại cốt nhục của mình đâu!”.

Ông nội bảo Trương Sinh Hữu cứ yên tâm mà nói rõ ràng đầu đuôi mọi chuyện.

Trương Sinh Hữu cuối cùng cũng dám lớn mật mở miệng, và lần lượt kể cho ông nội nghe về quá trình từ Điền Tam Ngưu ở kiếp trước chuyển sinh thành đứa trẻ nhà họ Trương trong kiếp này.

Chết đi sống lại, không biết mình đã chuyển sinh

Huyện Mân, nơi mà Điền Tam Ngưu sinh sống, nằm ở một cao nguyên, hơn một nửa dân làng sống trong nhà hang, họ đào một cái hang ở vách núi thì có thể cả đời sinh sống trong đó, lúc cần thiết còn có thể mở rộng. Nhà của Điền Tam Ngưu cũng không ngoại lệ.

Khi anh gần 30 tuổi, có một năm huyện Mân mưa lâu thành họa, phía dưới cửa đều là đất bùn. Ngay khi trời quang mây tạnh, anh ra ngoài dọn sạch đất bùn, khơi thông con đường để đi lại. Không ngờ, vận đen ập đến, mưa lớn kéo dài khiến chỗ đất mềm bị sạt lở, trong phút chốc đất bùn đổ xuống rợp trời dậy đất chôn vùi toàn thân anh, cướp đi mạng sống của anh.

Điều kỳ lạ là Điền Tam Ngưu khi đó không nhận ra rằng mình đã chết, cũng không biết rằng trong phút chốc mình đã đi vào cõi âm. Anh chỉ nhớ mình đã dốc hết toàn lực, cố gắng bò từ trong đất bùn ra bên ngoài, cuối cùng đã bò ra được. Anh vui mừng quá đỗi, một mạch chạy thẳng về nhà, nhìn thấy vợ, anh mừng rỡ nói với cô ấy rằng: “Hôm nay nguy hiểm quá, tôi suýt nữa đã bị đống bùn đất đè chết, khó khăn lắm tôi mới thoát ra được đó!”.

Tuy nhiên, vợ anh lại làm như nhìn mà không thấy, nghe mà chẳng lọt tai, không thèm nhìn anh lấy một cái, trên mặt không có chút phản ứng gì, anh thấy vậy cả giận. Quay mặt lại thì thấy cậu con trai bên cạnh, anh lại kể cho nó nghe một chập về trải nghiệm kinh hoàng của mình: “Vừa rồi có một đống đất bùn đổ ào xuống giống như núi lở vậy đè lên người bố! Thật may là bố lại có thể từ trong đống bùn bò ra ngoài được đó”.

Nhưng mà, cậu con trai trước mặt cũng không hề ngẩng đầu lớn tiếng hoan hô chúc mừng anh, mà tựa hồ như không có nghe thấy một lời nào cả. Thấy vợ và con trai không chút ngó ngàng gì đến mình, Điền Tam Ngưu rất tức giận, anh giậm mạnh chân một cái rồi quay người bỏ đi, không muốn ở cái gia đình này nữa!

Điền Tam Ngư tức tối, lững thững đi đến Mân Thành, sau đó đến “Minh Ngọc Trì”, khu danh thắng nổi tiếng ở ngoại ô phía đông, cách thành phố 8 dặm. Khi anh sắp đến mép hồ, bỗng một cánh cửa nhỏ xuất hiện trước mặt chặn ngay anh lại. Khi đó anh đã dùng hết sức để chen ra bên ngoài, cũng không biết đã chen chúc bao lâu, bỗng nhiên lách người ra được, lập tức cảm giác đầu óc choáng váng, chẳng còn biết gì nữa cả.

Một lúc sau, mở mắt nhìn một cái, thật là quái lạ! Anh thấy mình đang khóc oa oa. Đây chính là quá trình Điền Tam Ngưu từ sống đến chết, rồi lại từ cõi chết chuyển sinh thành Trương Sinh Hữu.

Tuy nhiên, kể từ lúc lên 7, Trương Sinh Hữu lại không thích chơi với bọn trẻ con, thay vào đó cậu chỉ thích hàn huyên và cười đùa thoải mái với những người trung niên khoảng ba mươi, bốn mươi tuổi. Ngoài dáng vẻ và thể lực ra, Trương Sinh Hữu 7 tuổi quả thật giống như một người đàn ông trung niên khoảng ba chục tuổi, giống như Điền Tam Ngưu ngự trong cơ thể đứa trẻ này vậy.

“Vật cất giấu bí mật” từ đời trước liên quan đến đời này

Sau khi Điền Tam Ngưu chết, thi thể anh bị chôn vùi dưới hàng tấn đất đã được đào lên và an táng trong mộ phần, vợ con đã tổ chức lễ an táng cho anh. Sáu bảy năm sau, câu chuyện Điền Tam Ngưu chuyển sinh truyền khắp huyện lân cận, nhưng vợ con anh không chấp nhận câu chuyện chồng và cha mình đầu thai, nên hai bên vẫn chưa bao giờ gặp mặt.

Không lâu sau, xảy ra vụ kiện đất đai giữa nhà họ Điền và người hàng xóm vì ranh giới đất đai không rõ ràng. Bởi khế ước đất là Điền Tam Ngưu giữ khi còn sống, nhưng anh đột ngột qua đời, thế nên nơi cất giữ khế ước cũng không ai biết được. Em rể của Điền Tam Ngưu kiến nghị với con trai cả nhà họ Điền rằng: “Mọi người ở huyện Mân đều nói rằng đứa bé trai vừa mới chào đời đã biết nói chuyện của nhà họ Trương ở Minh Ngọc Trì chính là bố cháu chuyển sinh… Nếu thật là bố cháu chuyển sinh, thế thì, cậu ta hẳn sẽ biết khế ước đất cất ở chỗ nào! Còn như cậu ta không nói ra được, thì lời đồn sẽ tự sụp đổ ngay”.



Từ xa Em rể của Điền Tam Ngưu đã nghe thấy tiếng cậu bé reo lên: “Chú không phải là em rể tôi sao? (Ảnh minh họa: Pexels)

Em rể của Điền Tam Ngưu đến nhà họ Trương, thấy một đứa trẻ bảy tám tuổi đang đứng một mình ngoài cửa, từ xa đã nghe thấy tiếng cậu bé reo lên: “Chú không phải là em rể tôi sao? Sao nay rảnh rỗi đến đây vậy?”

Trương Sinh Hữu mặt mày rạng rỡ vẫy tay chào hỏi người đến.

Người đến giật mình sửng sốt, câu chuyện luân hồi ông nghe kể từ lâu nay dần dần vén lên tấm màn bí mật ngay trước mắt ông. Sau khi nói rõ ý định đến đây của mình, Trương Sinh Hữu trầm ngâm đáp: “Chú hỏi khế ước đất nhà chúng tôi ư? Có! Có! Có đấy! Ngày trước tôi giấu nó trong khe đá ở một góc kín đáo của nhà hang. Nhưng giờ đã bảy tám năm rồi, không biết có còn ở đó nữa không?”.

Người nhà họ Điền làm theo hướng dẫn quả nhiên đã tìm được khế ước đất, cả nhà vừa kinh ngạc vừa vui mừng, nhớ lại việc Tam Ngưu đã chết, giờ nghĩ lại thấy giống như một giấc mơ, rốt cuộc chẳng biết đâu là thật, đâu là giả nữa!

Sau đó, gia đình họ Điền đến nhà họ Trương ở Minh Ngọc Trì, “trùng phùng” với cậu bé Trương Sinh Hữu 8 tuổi, dù nói thế nào cũng muốn đưa cậu về nhà họ Điền để làm tròn chữ hiếu. Trương Sinh Hữu được sự đồng ý của ông nội và cha mẹ, đã đến sống ở nhà họ Điền.

Lúc này, các con của Điền Tam Ngưu đều đã ngoài 20 tuổi, còn vợ anh đã ở tuổi trung niên, Trương Sinh Hữu trong thân xác của đứa bé 8 tuổi làm chồng làm cha, qua thời gian lâu vẫn không thể hòa nhập được, hơn nữa gia cảnh nhà họ Trương vẫn tốt hơn nhà họ Điền. Cuối cùng cậu đã chọn quay lại Minh Ngọc Trì làm con cháu của nhà họ Trương, đến trường như bao đứa trẻ khác. Đôi khi, cậu cũng đi đi về về giữa hai nơi và đều được chào đón nồng nhiệt.

Ghi chú


Vĩ Đức Mậu tiên sinh sau khi nghỉ hưu đảm nhận chức Chủ tịch Trung tâm Văn hóa Hoa Hân, đồng thời giảng dạy ở khoa Văn học Trung Quốc, Đại học Văn hóa. Tháng 9 năm 1967, cư sĩ Vương Thành Thánh nghe được câu chuyện chân thực “Điền Tam Ngưu chuyển sinh” do Phó Giám đốc Sở Xã Hội tỉnh Đài Loan khi đó là Mâu Nãi Hoằng kể lại, và được cựu Bộ trưởng Bộ Kinh tế Vương Phủ Châu chứng thực, và cũng được Vĩ Đức Mậu tiên sinh xác nhận.

Năm 1942, Vĩ Đức Mậu làm Huyện trưởng huyện Vĩnh Thọ, Thiểm Tây, Trương Sinh Hữu là một viên chức trong Binh đoàn Quốc dân của huyện.

Nguồn tư liệu: “Điền Tam Ngưu nhớ được kiếp trước” của Vương Thành Thánh, được thu lục trong sách “Ghi chép luân hồi trong thời đại khoa học” của cư sĩ Dương Đại Tỉnh, xuất bản năm 1969 tại NXB Chính Nhất Thiện Thư, Đài Bắc.

Hoài Nhẫn Nhẫn - Epoch Times
Đường Phong biên tập và tổng hợp
[Nguồn tư liệu tham khảo từ DKN và Epoch Times].