Ông Biden ban bố tình trạng Khẩn cấp Quốc gia, ký lệnh hạn chế đầu tư vào Trung Quốc






Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Arcosa Wind Towers ở Belen, bang New Mexico, ngày 09/08/2023. (Ảnh: Jim Watson/AFP qua Getty Images)

Thứ 4 (09/08), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp, bắt đầu quá trình hạn chế các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và chất bán dẫn.

Theo các quan chức cấp cao, lệnh hành pháp, có khả năng có hiệu lực vào năm tới, sẽ cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ điều phối các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công nghệ Trung Quốc được cho là gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ.

Tổng thống Biden đã tuyên bố tình trạng Khẩn cấp Quốc gia liên quan đến "mối đe dọa bất thường và đặc biệt" gây ra bởi "các quốc gia đáng lo ngại" khi họ sử dụng công nghệ nhạy cảm để nâng cao năng lực quân sự và tình báo của họ. Ông Biden nói thêm rằng các khoản đầu tư của Hoa Kỳ "có nguy cơ làm trầm trọng thêm mối đe dọa này".

“Chính quyền Biden cam kết giữ an toàn và bảo vệ an ninh quốc gia của nước Mỹ", một quan chức chính quyền cho biết trong cuộc họp báo ngày 09/08. “Điều đó bao gồm việc bảo vệ một cách thích hợp các công nghệ quan trọng cho quá trình cải tiến quân sự lần tiếp theo”.

“[Trung Quốc] đã đặt mục tiêu là nắm được và sản xuất các công nghệ nhạy cảm quan trọng, có thể trực tiếp hỗ trợ các hoạt động liên quan đến hiện đại hóa quân đội [của họ] như phát triển vũ khí. Họ đã tận dụng các khoản đầu tư của Hoa Kỳ để phát triển năng lực tình báo và quân sự trong nước”.

Quan chức chính quyền Biden nói thêm rằng sắc lệnh hành pháp mới sẽ nhắm vào một “tập hợp con hẹp” các khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin lượng tử, chất bán dẫn và vi điện tử để xử lý “khoảng trống tối quan trọng” trong an ninh quốc gia.

“Đây là hành động vì an ninh quốc gia, không phải hành động kinh tế", vị quan chức này nói.

“Sắc lệnh hành pháp này bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta [Mỹ] theo cách nhắm mục tiêu hẹp, đồng thời duy trì cam kết lâu dài của chúng ta đối với đầu tư mở".

Phối hợp với sắc lệnh của tổng thống, Bộ Tài chính Mỹ sẽ đưa ra thông báo trước về các quy tắc mới trong việc cấm đầu tư vào các thực thể mà tham gia các hoạt động liên quan đến 3 lĩnh vực nêu trong lệnh; Bộ cũng yêu cầu được thông báo về các vụ đầu tư vào các công nghệ có liên quan.

Tới đây, Bộ Tài chính sẽ phải trải qua một quy trình xây dựng quy tắc dài ngày. Chính quyền Biden hy vọng rằng mong muốn mạnh mẽ của lưỡng đảng trong Quốc hội về việc “điều chỉnh một cách có ý nghĩa các khoản đầu tư ra nước ngoài” sẽ giúp tạo ra bộ quy tắc mạnh mẽ nhất có thể.

Vị quan chức lưu ý rằng Hoa Kỳ sẽ không theo đuổi bất kỳ hình thức nào để tách rời Trung Quốc, thay vào đó, chính quyền Biden muốn "giảm thiểu rủi ro".

“Chúng ta đang theo đuổi chính sách giảm thiểu rủi ro liên quan đến Trung Quốc, bằng cách thực hiện các hành động an ninh quốc gia có mục tiêu", vị quan chức cho hay. “[Chúng ta] không tách rời các nền kinh tế và chính sách này phản ánh cách tiếp cận đó".

Ngăn dòng tiền chảy vào quân đội Trung Quốc

Các quy tắc mới sẽ tập trung một phần vào việc cung cấp cho chính quyền Mỹ công cụ tốt hơn để ngăn chặn vốn cổ phần tư nhân và vốn mạo hiểm của Hoa Kỳ chảy vào các thực thể Trung Quốc - dòng vốn mà có thể mang lại “lợi thế” cho quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Các công ty công nghệ và công ty đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ từ lâu đã đầu tư vào các tổ chức có liên quan đến cánh quân sự của ĐCSTQ, với rất ít sự can thiệp từ chính phủ liên bang.

Ủy ban Chọn lọc lưỡng đảng về ĐCSTQ tại Hạ viện Mỹ đang mở các cuộc điều tra đối với một số công ty đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ; những công ty này đang rót tiền cho sự nghiệp phát triển AI và quá trình hiện đại hóa quân đội của Bắc Kinh.

Trong một bức thư thông báo về các cuộc điều tra, chủ tịch ủy ban Mike Gallagher (Cộng hòa - Wisconsin) và thành viên Raja
Krishnamoorthi (Dân chủ - Illinois) cho biết ĐCSTQ đang lợi dụng thành quả nghiên cứu và dòng vốn đầu tư của Hoa Kỳ để làm mạnh thêm lợi thế quân sự của họ.

“[Trung Quốc] đang tích cực tìm kiếm và sử dụng những tiến bộ trong AI để thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền và tăng cường khả năng quân sự của họ", trích bức thư. “Tương tự như vậy, họ đang sử dụng những tiến bộ trong điện toán lượng tử và sản xuất chất bán dẫn để hỗ trợ Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA)".

Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns, Bắc Kinh cũng đang đánh cắp các công nghệ quan trọng bao gồm AI và hệ thống mật mã lượng tử - những thứ có ảnh hưởng to lớn đến sức mạnh quân sự trong những năm tới.

“Công nghệ, trên nhiều phương diện, là trung tâm của cuộc cạnh tranh", ông Burns cho biết tại cuộc họp tháng 6 của Liên minh Lãnh đạo Toàn cầu. “Tất cả những công nghệ đó sẽ được quân sự hóa".

Ông Burns nói thêm rằng ĐCSTQ đang “đánh cắp tài sản trí tuệ một cách nhất quán và liên tục” để đẩy nhanh “việc chuyển giao công nghệ cưỡng bức” từ Hoa Kỳ.

Mỹ tìm cách răn đe phi quân sự

Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden được đưa ra khi ngày càng nhiều nhà phân tích và chuyên gia thúc giục Quốc hội và cơ quan hành pháp phải tăng cường tốt hơn khả năng ngăn chặn xung đột với Trung Quốc bằng các biện pháp phi quân sự.

Để ngăn chặn một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc, theo Chuẩn đô đốc đã nghỉ hưu Mike Studeman, Hoa Kỳ sẽ không thể chỉ dựa vào quân đội, mà còn cần tận dụng mọi phương tiện của sức mạnh quốc gia.

“Chúng ta cần xem xét tất cả các công cụ có thể ngăn chặn chiến tranh hay một cuộc khủng hoảng mà trên thực tế sẽ tàn phá toàn cầu", ông Studeman phát biểu trong buổi nói chuyện ngày 08/08 tại Viện Hudson - một tổ chức tư vấn khuynh hướng bảo thủ.

Sắc lệnh này cũng được ban hành trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng. Tuần trước, các tàu chiến của Trung Quốc và Nga đã tiến hành hoạt động Hải quân chung lớn nhất từ trước đến nay gần bờ biển Alaska.

Để đảm bảo rằng 11 tàu của Bắc Kinh và Moscow ở vùng biển quốc tế gần bờ biển Alaska không đi vào lãnh hải Hoa Kỳ, 4 tàu khu trục Mỹ đã được điều động.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch