5 vấn đề chính khiến nền kinh tế Trung Quốc chìm vào nguy cơ





Nền kinh tế Trung Quốc đang rơi vào suy thoái, tổng hợp những phân tích cho thấy 5 vấn đề quan trọng gây ra.



Truy Bác, Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 8/2/2023. Vào một ngày đầy sương mù, một chiếc xe ba bánh đi qua các trụ của Cầu đường cao tốc sông Hiếu Phụ (Xiaofu) đang được xây dựng (Ảnh: a little snail / Shutterstock).

Kinh tế Trung Quốc suy thoái đã gây nhiều lo ngại trong giới đầu tư và chính giới quốc tế, chỉ số Hang Seng Hong Kong vào thứ Sáu tuần trước (18/8) giảm hơn 20% so với mức mức đỉnh hồi tháng 1. Tuần trước, đồng RMB (nhân dân tệ) đã giảm xuống mức yếu nhất trong 16 năm, khiến Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải thực hiện biện pháp phòng vệ tiền tệ lớn nhất được ghi nhận, khiến tỉ giá đồng USD có giá trị cao hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường Trung Quốc.

Những dữ liệu quá xấu về nền kinh tế đến mức chính phủ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải đình chỉ công bố dữ liệu. Dấu hiệu tệ hơn nữa khi công ty xây dựng nhà lớn Country Garden và một công ty đầu tư nổi tiếng trong những tuần gần đây đã không trả tiền cho các nhà đầu tư, làm dấy lên lo ngại rằng thị trường bất động sản tiếp tục suy thoái khiến bất ổn tài chính Trung Quốc thêm tín hiệu xấu.

Việc nhà chức trách ĐCSTQ thiếu các biện pháp hiệu quả để kích thích nhu cầu trong nước và những lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 đã kéo theo đợt hạ bậc xếp hạng tăng trưởng mới, theo đó một số ngân hàng đầu tư lớn hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc xuống dưới 5%.

Sau đây là 5 yếu tố sâu xa dẫn đến khủng hoảng nền kinh tế Trung Quốc dựa trên các nguồn tin của CNN và Bloomberg: khủng hoảng bất động sản, nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm, nợ địa phương, suy giảm dân số, và xu thế tách rời với Mỹ và phương Tây.

1. Khủng hoảng bất động sản

Nền kinh tế Trung Quốc đã rơi vào tình trạng ảm đạm kể từ tháng 4 năm nay, nhưng những lo ngại gia tăng trong tháng này khi xảy ra vấn đề vỡ nợ của Country Garden (từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc) và công ty tín thác hàng đầu Trung Quốc Zhongrong Xintuo (Zritc).

Các nguồn tin cho thấy Country Garden nợ thanh toán lãi đối với 2 loại trái phiếu bằng USD đã khiến các nhà đầu tư lo lắng, làm sống lại những ký ức về Evergrande – công ty đã vỡ nợ vào năm 2021 báo hiệu bắt đầu cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc.

Trong khi Evergrande vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc nợ thì lại dấy lên những lo ngại mới về nền kinh tế Trung Quốc liên quan Country Garden.

Bất chấp việc nhà chức trách Trung Quốc triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ để vực dậy thị trường bất động sản, nhưng ngay cả những công ty từng hùng mạnh cũng mấp mé bên bờ vực vỡ nợ, cho thấy thách thức mà ĐCSTQ phải đối mặt trong việc ngăn chặn khủng hoảng thị trường này.

Đồng thời, tình trạng vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản dường như đã lan sang ngành ủy thác đầu tư trị giá 2,9 nghìn tỷ USD của Trung Quốc. Theo một tuyên bố vào đầu tháng này của công ty Zhongrong – công ty quản lý quỹ trị giá 87 tỷ USD cho các khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân giàu có – cho thấy họ đã không thể hoàn trả một loạt các sản phẩm đầu tư cho ít nhất 4 công ty.

Theo CNN, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics là Julian Evans-Pritchard cho biết: “Những thiệt hại tiếp theo trong lĩnh vực bất động sản có thể lan rộng đến sự bất ổn tài chính rộng lớn hơn”.

Ông nói thêm: “Khi các quỹ trong nước ngày càng chạy sang trái phiếu chính phủ và tiền gửi ngân hàng an toàn hơn, hệ quả càng nhiều tổ chức tài chính phi ngân hàng có thể phải đối mặt với các vấn đề về thanh khoản”.

2. Nhu cầu tiêu dùng trong nước kém

Tỷ lệ đóng góp của tiêu dùng hộ gia đình vào GDP của Trung Quốc trong một thời gian dài vừa qua chỉ ở mức rất thấp khoảng 40% (mức trung bình toàn cầu khoảng 60% GDP). Hơn nữa, nhu cầu về bất động sản hoặc nhà ở của các hộ gia đình Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm, theo môi trường chính sách hiện tại ngay cả khi chính phủ cung cấp các gói kích thích cho các hộ gia đình thì họ cũng không nhất thiết phải có động cơ chi tiêu.

Theo Bloomberg, nhà nghiên cứu về kinh tế chính trị quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) là Liu Zongyuan phân tích rằng: thứ nhất là tác động tiêu cực của lòng tin, thứ hai là môi trường chính sách giảm phát. Người ta có thể quan sát theo kinh nghiệm rằng, giá trị ngôi nhà khi mua dễ lại bị giảm theo thời gian trong khi vẫn phải trả rất nhiều khoản vay thế chấp.

Mặt khác, khi tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại, chúng ta thấy do bi quan về thị trường Trung Quốc sẽ gây vấn đề chuyển giao hoặc phân phối lại chuỗi cung ứng toàn cầu từ các công ty đa quốc gia, khi đó lượng việc làm lương cao tại Trung Quốc sẽ giảm. Bối cảnh này, thay vì sẵn sàng chi tiêu thì người Trung Quốc sẽ tập trung hơn vào tiết kiệm.

Dữ liệu kinh tế chính của tháng 7 do ĐCSTQ công bố vào thứ Ba tuần trước (15/8) cho thấy, trong tháng 7 các chỉ số gồm chi tiêu của người tiêu dùng, sản xuất công nghiệp và đầu tư công và tư nhân đều thấp hơn đáng kể so với dự kiến.

3. Nợ chính quyền địa phương

Vấn đề khác là nợ của chính quyền địa phương tăng cao, có 2 lý do chính: một là vỡ bong bóng thị trường bất động sản đã làm giảm doanh thu từ việc bán đất, hai là chi phí do áp đặt lệnh phong tỏa COVID-19 trước đây vẫn tác động kéo dài.

Áp lực tài chính nghiêm trọng ở các cấp địa phương không chỉ gây rủi ro lớn cho các ngân hàng Trung Quốc, còn hạn chế khả năng kích thích tăng trưởng và mở rộng dịch vụ công của chính phủ.

Cho đến nay, tuy ĐCSTQ đã triển khai một loạt các biện pháp kích thích ổn định, bao gồm cắt giảm lãi suất và các động thái khác để hỗ trợ thị trường bất động sản và các công ty tiêu dùng, tuy nhiên chưa thể có thay đổi lớn nào. Các nhà kinh tế và phân tích nói với CNN rằng, đó là do Trung Quốc mắc nợ quá nhiều nên không thể thúc đẩy nền kinh tế như đã từng làm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 15 năm trước.

Hồi đó các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã đưa ra kế hoạch tài chính trị giá 4 nghìn tỷ RMB (586 tỷ USD) để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng những biện pháp này, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng do chính phủ lãnh đạo, cũng dẫn đến sự mở rộng tín dụng chưa từng có và nợ của chính quyền địa phương tăng mạnh, khiến kinh tế của Trung Quốc vẫn khó phục hồi.

Có chuyên gia cho biết, dù suy thoái hiện tại cũng mang tính chu kỳ, cần có nhiều biện pháp kích thích hơn, nhưng các nhà hoạch định chính sách dường như lo ngại rằng chiến lược chính sách truyền thống của họ sẽ dẫn đến mức nợ tăng thêm và ảnh hưởng đến họ trong tương lai.

4. Suy giảm dân số

Ngoài ra, Trung Quốc phải đối mặt với một số thách thức dài hạn, chẳng hạn như khủng hoảng nhân khẩu học và căng thẳng với các đối tác thương mại lớn như Mỹ và châu Âu.

Những thông tin gần đây được truyền thông nhà nước Trung Quốc công khai cho thấy, tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc (hay số con trung bình mà một phụ nữ Trung Quốc có trong đời) đã giảm từ 1,30 hai năm trước xuống còn 1,09 vào năm ngoái. Điều này có nghĩa là tỷ lệ sinh của Trung Quốc hiện nay thậm chí còn thấp hơn của Nhật Bản – nước vốn từ lâu nổi tiếng là một xã hội già hóa.

Đầu năm nay, dữ liệu do ĐCSTQ công bố cho thấy dân số Trung Quốc bắt đầu giảm vào năm ngoái, là mức giảm lần đầu tiên sau 6 thập niên.

“Dân số già của Trung Quốc đặt ra một thách thức đáng kể đối với tiềm năng tăng trưởng kinh tế của nước này”, giới phân tích tại Công ty Dịch vụ đầu tư Moody cho biết trong một báo cáo nghiên cứu vào tuần trước.

Nguồn cung lao động giảm trong khi chi tiêu xã hội và chăm sóc sức khỏe tăng quá mức cho phép sẽ đã làm thâm hụt tài chính, theo đó gánh nặng nợ cũng ngày càng tăng. Lực lượng lao động giảm cũng gây xói mòn nguồn tài chính dự trữ trong nước, dẫn đến lãi suất cao hơn trong khi sức đầu tư thấp hơn.

Các nhà phân tích còn cho biết thêm, về lâu dài thì nhu cầu nhà ở của người Trung Quốc cũng sẽ giảm nhiều.

Theo Bloomberg, chuyên gia Liu Zongyuan về kinh tế chính trị quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho rằng, bản thân thách thức về nhân khẩu học ở mức nhất định không nhất thiết gây cuộc khủng hoảng, vì nếu có bộ chính sách phù hợp để giải quyết sẽ có thể “bình ổn”. Cái gọi là “bình ổn” đề cập đến việc thiết lập mạng lưới hỗ trợ hoặc tăng cường hỗ trợ phúc lợi cho các gia đình và người già Trung Quốc. Nhưng thực tế nhiều thước đo chỉ ra hệ thống dưỡng lão của Trung Quốc thực sự rất kém phát triển, cộng thêm các cấp chính quyền địa phương hiện đang chịu áp lực tài chính rất lớn do 2 lý do: một mặt thu nhập của họ sụt giảm mạnh, mặt khác là hệ quả việc xét nghiệm COVID-19 trên quy mô lớn trước đây gây tốn kém chi phí quá nhiều.

Giáo sư Nhân học Xã hội Edward Evan Evans-Pritchard cho biết có nhiều ẩn số nằm ngoài phạm vi kiểm soát của các nhà hoạch định chính sách…. Ông nói: “Bức tranh tổng thể là xu hướng tăng trưởng đã giảm đáng kể kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, có vẻ sẽ còn giảm hơn nữa trong trung hạn”.

5. Tách rời

Các công ty đa quốc gia toàn cầu ngày càng ít có xu hướng đầu tư vào Trung Quốc do căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng bắt đầu từ thời nước Mỹ dưới lãnh đạo của ông Trump, xu thế này thậm chí còn gia tăng dưới sự lãnh đạo của ông Biden, vì thế nổi lên hiện tượng doanh giới nước ngoài (thậm chí cả người nước ngoài) rời khỏi Trung Quốc.

Bloomberg dẫn lời chuyên gia Liu Zongyuan nói rằng, mọi người rất bối rối về việc thế nào là tách rời hoặc thế nào là giảm rủi ro. Thực sự không có định nghĩa chính thức về chúng là gì. Ông chia sẻ: “Cá nhân tôi, thời điểm trong đại dịch COVID-19 tôi nhận ra rằng tôi không thể bay từ New York tới Thượng Hải hoặc Bắc Kinh, đối với tôi đó là dấu hiệu của tách rời. Nếu tôi nhớ không lầm, bây giờ giữa New York và Bắc Kinh hoặc Thượng Hải vẫn còn không có chuyến bay thẳng”.

“Hiện tại, tôi nghĩ ngành hàng không giữa Mỹ và Trung Quốc có những chính sách và sáng kiến ​​cụ thể để tăng chuyến bay, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Vì vậy, điều chúng ta có thể thấy rõ là giao lưu ngày càng ít đi”, ông nói.

Ông Liu Zongyuan cho biết, nhưng thực sự việc tách rời được hiểu từ góc độ đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Vấn đề ở đây không phải là tẩy chay Trung Quốc, mà vấn đề là không quá phụ thuộc vào một bên nào đó.

Theo một báo cáo tháng 3 của Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York và hãng vận chuyển hàng hóa khổng lồ DHL, “cục diện chung” về sự tách rời trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang bắt đầu xuất hiện.

Nghiên cứu cho biết, năm 2022 hàng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 16,6% tổng lượng hàng nhập khẩu của Mỹ, trong khi mức năm 2017 là 21,6%. Năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trong tổng xuất khẩu của Mỹ giảm còn 7,3%, trong khi mức năm 2017 là 8.4%.

Dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ gần đây cho thấy, tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc 5 tháng đầu năm nay đã giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc chiếm 13,4% tổng lượng nhập khẩu, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước, theo đó nhiều sản phẩm được Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc có xu hướng giảm, đặc biệt các sản phẩm bán dẫn giảm tới 50%.

Theo Hạ Vũ / Epoch Times