Ấn Độ dần hé lộ bí mật cực Nam Mặt Trăng



n Độ trở thành nước thứ tư chinh phục Mặt Trăng (sau Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ) và là quốc gia đầu tiên đặt chân tới cực nam của vệ tinh tự nhiên của Trái Đất sau khi tầu vũ trụ Chandrayaan-3 hạ cánh thành công ngày 23/08/2023. Sau đó, tàu thám hiểm Pragyaan đã rời khỏi module đổ bộ Vikrant, bắt đầu hành trình khám phá bề mặt Mặt Trăng.



Hình ảnh do Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) cung cấp cho thấy bề mặt của Mặt Trăng được lúc tầu vũ trụ Chandrayaan-3 chuẩn bị hạ cánh ngày 23/08/2023. AP

Từng được cả Liên Xô và Hoa Kỳ chạy đua với những chương trình thám hiểm trong thập niên 1970, Mặt Trăng bị sao nhãng, nhường chỗ cho các dự án khám phá Sao Hỏa và Thiên Hà. Chỉ khoảng 10 năm trở lại đây, khi Trung Quốc thúc đẩy các dự án thám hiểm vệ tinh tự nhiên của Trái Đất, đặc biệt là thành công của chương trình Thường Nga 5 (Chang’e 5) và mang về Trái Đất một số mẫu lấy từ Mặt Trăng vào cuối năm 2020, giới khoa học thế giới tập trung trở lại vào Mặt Trăng.

Hoa Kỳ trở lại với chương trình Artemis và muốn xây dựng một căn cứ có người ở trên Mặt Trăng. Trung Quốc cũng có mục tiêu tương tự. Khám phá vệ tinh cách Trái Đất khoảng 384.400 km trở thành sứ mệnh khoa học nhưng cũng khẳng định ưu thế chính trị.
Tại sao nhắm đến cực nam của Mặt Trăng ?
Chỉ một tuần sau thất bại của Nga khi tầu vũ trụ Luna-25 phát nổ vì mất kiểm soát đâm vào bề mặt Mặt Trăng, phi thuyền của Ấn Độ đã đáp thành công xuống cực nam của Mặt Trăng, đánh dấu « một ngày lịch sử », theo thủ tướng Nadrendra Modi. Nhưng tại sao lại là cực nam ? Trả lời RFI tiếng Pháp, ông Stéfan Barensky, chuyên gia về các vấn đề không gian, tổng biên tập tạp chí Aéro Spatium, giải thích :

« Đó là khu vực được cho là có nước trên bề mặt, trong những góc tối. Người ta tính sử dụng nước để biến thành khí hydro, ôxy, chất đốt hoặc nước uống. Đó là những nguồn sẽ không thể mang được từ Trái Đất lên. Vì mỗi kilogram đưa từ Trái Đất đều có chi phí rất cao. Đó là nguồn tiết kiệm để nghiên cứu Mặt Trăng trong những năm, những thập niên tới ».

Nước tồn tại ở cực nam dưới dạng băng. Do địa hình lồi lõm với những miệng như núi lửa ở khu vực này và chìm trong đêm trường nên nước được giữ dưới dạng băng vĩnh cửu trong khi ở những nơi khác, nước bốc hơi. Vậy nước từ đâu ra ? Giáo sư về hóa học vũ trụ Frédéric Moynier, Đại học Paris Cité và là nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý Thế giới Paris, giải thích trong bài phỏng vấn ngày 24/08/2023 với trang Sciences et Avenir (Khoa học và Tương lai) :

« Mặt Trăng đầy những miệng lồi lõm, dấu hiệu cho việc Mặt Trăng bị thiên thạch và sao chổi tấn công thường xuyên. Chuyện này xảy ra từ khi Mặt Trăng được hình thành, cách đây 4,5 tỉ năm - gần với tuổi thọ của Trái Đất. Chính những tác động này mang lại nước, mỗi lần lại bốc hơi trong vụ va chạm. Nhưng sau đó hơi nước có thể đọng lại và tạo thành băng ở những nơi lạnh nhất của Mặt Trăng, như những vùng lồi lõm ở cực nam ».

Nước là yếu tố quan trọng để sản xuất khí hydro làm chất đốt và ôxy. Đó là những nguồn quan trọng để có thể lập khu có người ở. Tuy nhiên, trong suốt 30-40 năm, các nhà khoa học vẫn nghĩ là Mặt Trăng không có nước. Dựa vào một số mẫu đất khô cằn được Chương trình Apollo mang về Trái Đất, họ nghĩ rằng Mặt Trăng sinh ra từ một vụ va chạm khổng lồ với Trái Đất, mạnh đến nỗi gây nhiệt độ lên tới vài nghìn độ, khiến nước, có từ ban đầu, bốc hơi hết.

Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi năm 2009. Vệ tinh viễn thám và quan sát các hố Mặt Trăng (Lunar Crater Observation and Sensing Satellite, LCROSS) do NASA vận hành đã phát hiện băng nước trên Mặt Trăng. Các nhà khoa học hy vọng rằng những túi nước cổ đó có thể cung cấp những thông tin quan trọng về lịch sử của Mặt Trăng, thậm chí là chứa những vật chất mà các thiên thạch và sao chổi mang tới.

Cực nam của Mặt Trăng được quan tâm còn vì tại đây có một lòng chảo lớn do va chạm, được gọi là Lòng chảo Cực Nam-Aiken, đầy mỏm đá, địa hình hiểm trở. Rất nhiều vật liệu thường nằm dưới lòng Mặt Trăng đã bị đẩy lên bề mặt nên có thể thu thập được. Những nguồn thông tin quý báu đó sẽ giúp giải thích cho việc Mặt Trăng đã được hình thành như thế nào.
Ngoài ra, Mặt Trăng được cho là chứa nhiều khí heli trên bề mặt và có thể có lợi cho Trái Đất. Vì Mặt Trăng không có lớp bảo vệ từ trường như Trái Đất nên khí heli và khí hydro hòa lẫn với nhau trên bề mặt từ khoảng 4,5 tỉ năm. Giáo sư Frédéric Moynier cho biết thêm :

« Người ta nói đến một lớp phủ dầy khoảng vài mét trên bề mặt. Có thể sẽ thu được loại vật liệu này, sau đó đốt nóng chúng để lấy khí heli. Khí này có thể được sử dụng trên Trái Đất cho động cơ tổng hợp hạt nhân mà chúng ta đang cố làm chủ để sản xuất năng lượng. Nhưng khí heli lại không có trên Trái Đất hoặc nói chính xác hơn là đồng vị của nó cần cho phản ứng nhiệt hạch có rất ít ».

Ấn Độ : Mô hình cường quốc không gian có chi phí rẻ

Những thách thức về năng lượng trên Trái Đất buộc con người phải đi tìm các nguồn cung ở những nơi khác, trong đó có Mặt Trăng, nơi có trữ lượng lớn. Do đó, thám hiểm để chinh phục Mặt Trăng còn khẳng định ưu thế của các cường quốc.

Trong cuộc đua này, Ấn Độ đang thể hiện rõ khả năng về khoa học cũng như về chi phí. Được phóng ngày 14/07/2023, tàu vũ trụ Chandrayaan-3 mất khoảng 6 tuần để đáp xuống bề mặt Mặt Trăng, trong khi tầu Apollo của Mỹ chỉ mất vài ngày trong thập niên 1960-1970. Theo AFP, tên lửa Ấn Độ yếu hơn nhiều so với tên lửa Saturn V trong chương trình của Mỹ.

Ấn Độ dành 74,6 triệu đô la ngân sách cho chương trình không gian, thấp hơn nhiều so với các nước khác, cho dù ngân sách này đã tăng đáng kể so với kế hoạch đầu tiên đưa máy thăm dò lên Mặt Trăng vào năm 2008. Thành công này khẳng định Ấn Độ trở thành cường quốc không gian với chi phí thấp nhờ tận dụng và điều chỉnh các công nghệ không gian sẵn có cho phù hợp với mục tiêu của họ. Ngoài ra, còn phải kể đến số lượng kĩ sư đông đảo được đào tạo trong nước, có trình độ cao nhưng nhận mức lương thấp hơn so với một số cường quốc khác.

Điểm này khiến Ấn Độ trở thành một yếu tố hấp dẫn trong ngành công nghiệp không gian. New Delhi đặt tham vọng tăng gấp 5 lần trọng lượng trên thị trường thế giới từ nay đến năm 2040. Thủ tướng Modi nhấn mạnh đến « một mô hình cho những nước khác » khi ca ngợi thành công của chương trình Chandrayaan-3 và nỗ lực của các chuyên gia không gian Ấn Độ.

Sau thành công trên, Ấn Độ dự kiến thực hiện rất nhiều chương trình thám hiểm khác, có quy mô lớn hơn và khó khăn hơn. Ngày 26/08, chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) cho biết tầu Aditya-L1, đài quan sát không gian chuyên nghiên cứu Mặt Trời, « được dự kiến phóng vào tuần đầu tiên của tháng 9 » để nghiên cứu gió Mặt Trời, hiện tượng có thể tác động đến Trái Đất và thường khiến cực quang xuất hiện.

Tiếp theo, đến năm 2024, một phi hành đoàn sẽ được đưa vào quỹ đạo Trái Đất trong vòng ba ngày. New Delhi và Tokyo lập kế hoạch chung đưa một tầu thăm dò lên Mặt Trăng từ nay đến năm 2025. Ấn Độ cũng hướng đến Sao Kim vào năm 2026.
-------------








Avec Chandrayaan-2, l'Inde envoie un rover sur la Lune



RFI