Phụ huynh có nên tranh cãi với con cái ở tuổi dậy thì không?




Những cuộc tranh luận giữa phụ huynh và con cái ở độ tuổi dậy thì có thể dẫn đến sự căng thẳng tột độ cho cả đôi bên. Tuy nhiên, chúng không hề vô nghĩa.



Các cuộc tranh cãi không hề vô nghĩa. Nó có thể giúp ích cho sự phát triển mối quan hệ giữa bạn và con cái. (Ảnh: DimaBerlin/ Shutterstock)

Có lẽ những bậc phụ huynh có con cái đang ở tuổi dậy thì đều đã từng nhận được lời xin phép: “Hôm nay con ngủ ở nhà bạn được không?”. Câu trả lời thường sẽ là: “Không”. Và sau đó, một cuộc cãi vã (hay thảo luận) giữa hai bên sẽ nổ ra. Nhiều phụ huynh sẽ giữ vững lập trường, nhưng cũng có nhiều người chọn cách nhượng bộ. Họ làm vậy không phải vì họ chịu thua trước “bài thuyết trình” của con mà chỉ đơn giản là họ nhận ra quyết định ban đầu của mình được đưa ra một cách quá tùy tiện.

Đối với cha mẹ, tranh cãi với con cái khiến họ cảm thấy căng thẳng và không được tôn trọng. Họ lo lắng rằng nhượng bộ đồng nghĩa với việc đã trao cho con quá nhiều quyền lực, khiến chúng lớn lên với tâm lý lúc nào cũng đòi hỏi. Quả thực, các bậc phụ huynh không hề nghĩ sai. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã cho thấy rằng những cuộc tranh cãi, phàn nàn, đàm phán (có giới hạn) thực ra có thể mang đến nhiều lợi ích hơn chúng ta tưởng.

Trong cuốn sách “Nurtureshock”, Bronson & Merryman đã trích dẫn nghiên cứu để chỉ ra rằng thanh thiếu niên không nhìn nhận việc tranh cãi theo cách tiêu cực như các bậc phụ huynh.

Trên thực tế, vì những cuộc tranh cãi giúp họ hiểu được câu chuyện từ góc nhìn của cha mẹ nên sau đó mối quan hệ giữa họ lại càng bền chặt hơn.

Những gia đình có xung đột vừa phải có thể cải thiện mối quan hệ giữa các thành viên tốt hơn so với những gia đình cãi vã quá nhiều hoặc không hề cãi vã. Nhà điều tra Tabitha Holmes cho biết 46% bà mẹ tham gia khảo sát cho rằng tranh cãi với con gái là một việc tệ hại, nhưng chỉ có 26% các cô con gái đồng ý với quan điểm này.




Trên thực tế, cha mẹ chỉ cần nhượng bộ một chút thôi là con cái đã thấy cảm thấy hài lòng rồi. (Ảnh: LightField Studios/ Shutterstock)

Bên cạnh đó, những đứa trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên có thể mang thái độ gắt gỏng, hùng hổ, nhưng trên thực tế, cha mẹ chỉ cần nhượng bộ một chút thôi là chúng đã thấy hài lòng rồi.

Ví dụ: một cô con gái trong nghiên cứu không được cha mẹ cho phép xăm hình nhưng cô lại cảm thấy hoàn toàn hài lòng khi được mẹ mua cho một đôi giày “phong cách”.

Đó là bởi vì thanh thiếu niên coi việc được lắng nghe quan trọng hơn là giành chiến thắng trong cuộc tranh luận.

Chúng ta hãy xem xét một góc độ khác của câu chuyện từ công trình của nhà xã hội học Annette Laureau. Laureau muốn biết liệu các bậc cha mẹ thuộc tầng lớp trung lưu có cách nuôi dạy con cái khác với các bậc cha mẹ thuộc tầng lớp lao động và tầng lớp thấp hay không. Theo kết quả được trình bày trong cuốn sách “Unequal Childhoods”, các bậc phụ huynh thuộc các tầng lớp kinh tế xã hội khác nhau có những triết lý riêng biệt về việc nuôi dạy con cái, mỗi triết lý đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng.

Cha mẹ thuộc tầng lớp lao động và thấp thường có xu hướng để con cái “tự túc”. Vậy nên những đứa trẻ này độc lập hơn nhiều so với những đứa trẻ thuộc tầng lớp trung lưu. Chúng có thể tự chơi và ít gây gổ hơn với anh chị em của mình. Vì được dạy phải tôn trọng quyền lực nên chúng có thái độ ngoan ngoãn hơn so với những đứa trẻ khá giả.

Mặt khác, “Mẹ ơi, con chán quá” là lời than vãn thường vang vọng trong những khu phố giàu có. Ở đây, cha mẹ xem con cái như một dự án. Họ dành nhiều thời gian chơi với con cái, thích đăng ký cho con tham gia các hoạt động sau giờ học và luôn giám sát việc học của con. Những đứa trẻ này không chỉ kém tự lập mà còn thường xuyên tranh cãi với cha mẹ. Tuy nhiên, cách dạy dỗ này không chỉ mang đến những điều tiêu cực. Khi trưởng thành, những đứa trẻ khá giả thường có thái độ kiên định hơn với những gì chúng muốn so với những đứa trẻ thuộc tầng lớp lao động. Những tranh cãi khi còn nhỏ đã dạy chúng không được cúi đầu trước quyền lực và phải biết thương lượng để giành lấy kết quả tốt hơn cho bản thân. Laureau nhận thấy hiệu ứng này vẫn đúng kể cả khi cô cân nhắc cả yếu tố chủng tộc và những lợi thế rõ ràng khác dành cho trẻ em thuộc tầng lớp trung lưu.



(Ảnh: Roman Samborskyi/ Shutterstock)

Chắc chắn, tranh cãi quá nhiều không phải là một việc tốt. Tuy nhiên, nếu lần tới con bạn phản đối lệnh giới nghiêm hoặc tỏ ý không muốn đến thăm bà ngoại, thì bạn hãy nhớ rằng cuộc tranh cãi đó không hề vô nghĩa. Nó có thể giúp ích cho sự phát triển mối quan hệ giữa bạn và con cái.

Để cuộc cãi vã bớt căng thẳng, bạn có thể sử dụng kỹ thuật này của nhà tâm lý học Ross Greene: Phân loại vấn đề vào giỏ.

Giỏ A chứa những việc gây ảnh hưởng đến sự an toàn của con bạn – những quyết định này tuyệt đối không thể thương lượng.

Giỏ B chứa các sự kiện tùy thuộc vào hoàn cảnh, ví dụ như bạn chỉ cho phép con đi chơi đến 22h, nhưng đôi khi có thể đồng ý ngoại lệ.

Giỏ C chứa những vấn đề ban đầu bạn cho là quan trọng nhưng sau đó ngẫm lại mới thấy chúng cũng bình thường, ví dụ như việc con gái muốn xỏ khuyên tai. Về câu chuyện xin ngủ qua đêm ở nhà bạn ở đầu bài, sai lầm của cha mẹ là đã đưa ra quyết định của giỏ A, trong khi vấn đề thực ra nằm ở giỏ B.

Các bậc phụ huynh hãy hiểu rằng sự linh hoạt chính là chìa khóa quan trọng trong việc nuôi dạy con cái. Trên thực tế, con cái của cha mẹ linh hoạt khi lớn lên lại có khả năng điều chỉnh tốt hơn so với con cái của cha mẹ cứng nhắc hoặc dễ dãi. Biết cách điều chỉnh hiệu quả sẽ giúp con cảm thấy hạnh phúc hơn, học giỏi hơn và gần gũi với cha mẹ hơn.

Minh Minh/ Theo psychologytoday