COVID-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc - Người bệnh được coi là mắc cảm lạnh thông thường





Nhân viên y tế chuẩn bị thuốc cho phụ nữ mang thai bị nhiễm virus corona COVID-19, tại khu cách ly sản phụ khoa, ở Bệnh viện Liên hiệp Vũ Hán, Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, ngày 7/3/2020. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc đang tăng mạnh trở lại khi biến thể mới có khả năng né tránh miễn dịch lây lan nhanh trên diện rộng. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ Trung Quốc cho biết, những trường hợp như vậy lại đang được coi là mắc cảm lạnh thông thường.

Kể từ giữa tháng 8, nhiều cư dân mạng trên khắp Trung Quốc đã kể lể trên mạng xã hội nước này rằng bản thân họ hoặc những người xung quanh đã tái nhiễm COVID-19.

Một bác sĩ ở siêu đô thị Trùng Khánh nói với The Epoch Times vào ngày 31/8 rằng về cơ bản, mỗi ngày hiện nay đều xuất hiện những trường hợp dương tính với COVID-19, nhiều hơn so với vài tháng trước. Một bác sĩ ở thành phố Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến, cũng nói với The Epoch Times rằng ông đã tiếp nhận những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 lần thứ hai và thậm chí là lần thứ ba tại các phòng khám ngoại trú.

Một người dân ở Thiên Tân viết: “Tôi đang tái nhiễm COVID-19. Triệu chứng cũng giống như lần đầu, không hề nhẹ hơn! Cơn đau bắt đầu ở cổ họng và kết thúc ở thận. Các khớp khắp cơ thể tôi bị đau và thận phải của tôi cũng bị đau".

Một bác sĩ ở Bắc Kinh viết trong bài đăng trên Weibo vào ngày 28/8 như sau: “Bác sĩ trưởng khoa Nhiễm trùng Hô hấp - người từng lên WeChat hướng dẫn cách sử dụng thuốc, bản thân ông đã bị nhiễm COVID-19 với triệu chứng đau họng và đau đầu. Virus này quá dễ lây lan".

Một bác sĩ ở tỉnh Phúc Kiến nói với The Epoch Times vào ngày 31/8 rằng những bệnh nhân mắc bệnh mà nhưng không có kết quả xét nghiệm axit nucleic sẽ được điều trị như thể họ bị cảm lạnh, nhưng thực tế thì COVID-19 dễ lây lan hơn.

Chưa hết, một bác sĩ ở Vũ Hán nói với The Epoch Times vào ngày 29/8: “Sau khi COVID-19 bị hạ xuống mức bệnh truyền nhiễm ‘Loại B’ vào tháng 1, phòng khám ngoại trú không còn tiến hành xét nghiệm PCR nữa, nên hiện tại không có dữ liệu về dịch bệnh. Gần đây có nhiều người đến bệnh viện vì bị sốt. Các bác sĩ không thể xác định liệu cơn sốt của họ là do cảm lạnh thông thường hay vì lý do khác".

Ông cũng cho hay, giờ đây không còn ai để ý đến những con số do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đưa ra nữa. Trung Quốc hiện không có hướng dẫn điều trị cho các trường hợp nhiễm COVID-19 do EG.5 - biến thể mới có khả năng né tránh miễn dịch - gây ra.

EG.5 - còn được gọi là Eris - đang lây lan mạnh ở nhiều tỉnh tại Trung Quốc đại lục, theo thông tin trên tài khoản WeChat của CDC Trung Quốc vào ngày 19/8.

CDC Trung Quốc cho hay: “Tỷ lệ biến thể EG.5 trong số các chủng virus corona đang lây lan đã tăng từ 0,6% trong tháng 4 lên 71,6% trong tháng 8”.

Là một biến thể phụ của Omicron XBB.1.9.2, Eris đã lan rộng đến ít nhất 52 quốc gia kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở Indonesia vào tháng 2. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ định đây là một “biến thể cần quan tâm”.

Một nhân viên tại CDC Bắc Kinh nói với The Epoch Times vào ngày 29/8 rằng trong thời điểm hiện tại, không có dữ liệu về các trường hợp tái nhiễm hoặc nhập viện liên quan đến COVID-19, cũng như không có biện pháp hay chính sách liên quan nào được đưa ra để đối phó với các trường hợp tái nhiễm.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bất ngờ bãi bỏ chiến dịch phong tỏa hà khắc “Zero-Covid” vào tháng 12 năm ngoái mà không thực hiện bất kỳ biện pháp phòng ngừa nào, dẫn đến sự bùng phát của COVID-19 trên khắp đất nước, khiến một lượng lớn người dân thiệt mạng. Các nhà virus học hàng đầu của Trung Quốc ước tính rằng 80% dân số đã mắc bệnh.

Ngày 8/1, ĐCSTQ đã hạ cấp COVID-19 xuống “bệnh loại B với mức kiểm soát mức độ B”. Dù số ca mắc bệnh đang tăng cao trở lại, nhưng chính quyền vẫn chưa thông báo cho người dân thực hiện bất kỳ biện pháp phòng ngừa nào.

Nhà bình luận thời sự Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua) nói với The Epoch Times vào ngày 29/8 rằng, từ việc đột ngột chấm dứt công tác kiểm soát đại dịch vào năm ngoái cho đến việc coi đợt lây nhiễm mới như bệnh cảm lạnh thông thường như hiện nay, ĐCSTQ luôn đi theo logic của riêng họ, đó là đối phó với cuộc khủng hoảng y tế bằng thái độ và phương thức chính trị.

Ông Lý nói: “Đảng không trân quý sự sống và không thực hiện các biện pháp thích hợp để giải quyết các sự cố sức khỏe cộng đồng dựa trên tình hình thực tế, (bởi vì) Đảng cho rằng chính trị quan trọng hơn mọi thứ khác. Cái gọi là chính trị chính là sự ổn định của chế độ ĐCSTQ, bất chấp mạng sống của dân thường có ra sao".

Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch