Vụ án Nguyễn Phương Hằng không xử kín, tòa án ở Sài Gòn lo ‘bạo loạn’



Tòa Án ở Sài Gòn bác bỏ thông tin "có thể tiến hành xét xử kín" vụ án Nguyễn Phương Hằng.

Hôm 14 Tháng Chín, ông Phạm Ngọc Duy, chánh Văn Phòng Tòa Án ở Sài Gòn, cho biết phiên xử sơ thẩm bà Nguyễn Phương Hằng, 52 tuổi, tổng giám đốc công ty Cổ Phần Đại Nam, và đồng phạm vẫn được xét xử công khai như quyết định xét xử đã được tống đạt.



Bà Nguyễn Phương Hằng, tổng giám đốc công ty Đại Nam. (Hình: Tuổi Trẻ)

Tuy nhiên, do vụ án liên quan đến một số cá nhân là người nổi tiếng, được công luận quan tâm nên để bảo đảm trật tự cho phiên tòa, "chỉ những người được tòa triệu tập mới được sắp xếp vị trí chỗ ngồi, tham gia phiên xử."

Riêng giới nhà báo, phóng viên các báo đài tham dự phiên tòa "sẽ được tòa cấp thẻ."

"Tòa Án ở Sài Gòn sẽ bảo đảm an ninh trật tự phiên tòa để không ảnh hưởng đến các vụ án khác sẽ được xét xử tại tòa án, cũng như các công việc chuyên môn khác của tòa," ông Duy giải thích.

Theo kế hoạch, vụ án sẽ được xét xử trong hai ngày 21 và 22 Tháng Chín tới.

Theo quyết định xét xử, 10 cá nhân gồm: ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni, ông Nguyễn Đức Hiển, bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) và chồng là ông Lê Công Vinh, ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà, bị bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm "xâm phạm bí mật đời tư cá nhân, gây ảnh hưởng uy tín, danh dự" cũng được tòa xác định tư cách tố tụng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.


Ngoài ra, ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng ‘lò vôi’) chồng bà Nguyễn Phương Hằng cũng được triệu tập với vai trò người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trong vụ án này, bà Hằng bị cáo buộc một tội danh trước đây chỉ dành cho giới hoạt động, xã hội dân sự: "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân."


Bà Nguyễn Phương Hằng hầu tòa cùng ông Đặng Anh Quân, giảng viên trường Đại Học Luật TP.HCM, cùng ba thuộc cấp của bà là Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân.


Cáo trạng của vụ án quy kết bà Hằng "thực hiện nhiều buổi livestream trên mạng, phát ngôn có nội dung bịa đặt, biết rõ thông tin không đúng sự thật hoặc thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân, đưa lên mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của mười người."


Vụ án này khiến các báo ở Việt Nam tốn nhiều giấy mực, do bà Hằng nhiều lần bị gia hạn tạm giam kể từ lúc bị bắt hồi trung tuần Tháng Ba năm ngoái.

Tòa cũng từng bốn lần trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra lại để làm rõ hành vi của bà Hằng, cùng những người liên quan.

Đáng lưu ý, ông Nguyễn Quang Tuấn, con trai riêng của bà Hằng, từng sáu lần nộp đơn xin nộp tiền bảo lãnh cho mẹ để chữa bệnh nhưng bất thành.

Hồi Tháng Năm, ông Tuấn cũng làm đơn tố cáo ông Huỳnh Uy Dũng về hành vi "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân."




Công an đề nghị các youtuber, người hiếu kỳ giải tán để giữ trật tự lúc bắt giữ bà Nguyễn Phương Hằng hồi 24 Tháng Ba năm ngoái. (Hình: Đình Văn/Tuổi Trẻ)


Trong đơn, ông Tuấn cho rằng ông Dũng là người có vai trò cầm đầu, tổ chức, cùng thực hiện hành vi, có dấu hiệu đồng phạm giúp sức cho bà Hằng "xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác."


Tuy vậy, hồi tháng trước, Công An ở Sài Gòn kết luận rằng hành vi của ông Huỳnh Uy Dũng "chưa đủ cơ sở cấu thành tội phạm, là đồng phạm với bà Nguyễn Phương Hằng" nên bác bỏ yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông này./.