Bất ổn trong giới lãnh đạo cấp cao 'gây quan ngại' về nền ngoại giao của Trung Quốc





Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp tại Thượng đỉnh Brics 2023 tại Nam Phi vào ngày 23/08/2023

Bộ trưởng Quốc phòng mất tích là diễn biến mới nhất trong một loạt các xáo trộn liên quan đến bộ máy nhân sự cấp cao của Trung Quốc. Điều này đã gây nên bất ổn đối với nền lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình khi công cuộc truy quét nội bộ đã được ưu tiên hơn tiến trình tham gia chung cùng quốc tế, theo phân tích của Reuters.

Tính chất khó dự đoán ngày càng gia tăng có thể ảnh hưởng đến niềm tin mà các quốc gia khác dành cho giới lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo các nhà ngoại giao và phân tích nhận định với Reuters.
Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, người đã không tham dự các cuộc họp bao gồm với ít nhất một người đồng cấp nước ngoài kể từ hồi cuối tháng Tám, hiện đang bị điều tra liên quan đến vụ tham nhũng liên quan đến mua bán vũ khí, theo Reuters tường thuật hôm thứ Sáu 15/09.
Hồi tháng Bảy, Ngoại trưởng Tần Cương, nhân vật mới được bổ nhiệm cũng biến mất mà có rất ít lời giải thích được công bố, cùng tháng đó, đã xảy ra xáo trộn bất ngờ về nhân sự cấp cao tại Bộ Tư lệnh Tên lửa, cơ quan phụ trách giám sát vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Trong bối cảnh Chủ tịch Tập tập trung về những vấn đề nội bộ, trong tháng này, ông ấy đã khiến các nhà ngoại giao nước ngoài quan ngại khi không tham dự Thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên, ông Tập không tham dự cuộc họp của các lãnh đạo toàn cầu trong một thập niên cầm quyền của mình.
Trước những bất ổn ngày càng gia tăng, một số nhà ngoại giao và phân tích cho rằng cần phải xem xét về bản chất thật sự về chế độ của Tập Cận Bình.
"Cần có các đánh giá rõ ràng - đây không chỉ là câu hỏi về liệu Trung Quốc là đối tác hay là đối thủ, đây là một nguồn rủi ro quân sự, chính trị và kinh tế," Drew Thompson, một cựu quan chức trong Lầu Năm góc, người hiện đang là nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định.

Vì thiếu sự rõ ràng liên quan đến những thay đổi, có thể hiểu được khi có những giải thích khác nhau "và vì chuyện này đã làm gia tăng cuộc khủng hoảng niềm tin đang âm ỉ liên quan đến Trung Quốc," ông Thompson nói.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phản hồi ngay lập tức trước yêu cầu bình luận của Reuters vào ngày thứ Bảy 16/09.

Thân cận không đồng nghĩa với được bao che

Liên quan đến sự mất tích của Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc và cuộc điều tra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với các phóng viên hôm thứ Sáu 15/09 rằng bà không biết về tình hình. Quốc vụ viện và Bộ Quốc phòng Trung Quốc không phản hồi trước các yêu cầu bình luận.

Kể từ khi được bổ nhiệm hồi tháng Ba, ông Lý đã trở thành một hình ảnh trước công chúng về nền ngoại giao quân sự đang ngày càng được tăng cường của Trung Quốc, thể hiện sự quan ngại liên quan đến các hoạt động quân sự của Mỹ trong Hội nghị An ninh đối thoại Shangri-La hồi tháng Sáu và có chuyến thăm đến Nga và Belarus hồi tháng Tám.

Ông ấy trước đó được cho sẽ chủ trì một cuộc họp an ninh quốc tế tại Bắc Kinh vào tháng Mười và đại diện Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) trong một cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng tại Jakarta vào tháng 11.

Với nạn tham nhũng từ lâu đã ăn sâu vào quân đội Trung Quốc cùng các định chế nhà nước, một số nhà phân tích và ngoại giao cho rằng công cuộc truy quét tham nhũng của ông Tập đã đánh dấu những cuộc thanh trừng chính trị trong toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc.

"Dù là lý do gì... chuyện này cứ diễn ra có thể gây tác động lên niềm tin của các đối tác nước ngoài khi cùng tham gia với phía Trung Quốc," Helena Legarda, nhà nghiên cứu hàng đầu từ Viện Mercator Institute for China Studies ở Berlin nhận định với Reuters.
Con đường thăng tiến của ông Lý cũng khác thường xét về tốc độ và khả năng vươn đến bộ máy gồm những nhân vật hàng đầu do ông Tập chính tay lựa chọn.

"Chuyện này rất bất ngờ và không rõ ràng. Một điều chúng ta có thể thấy lúc này đó là sự thân cận không đồng nghĩa với sự bao che trong thế giới của Tập," Alexander Neill, nhà phân tích an ninh từ Singapore, kiêm nhà nghiên cứu từ cơ quan Pacific Forum ở Hawaii nói.



Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc, người đã không thấy xuất hiện trước công chúng hơn hai tuần này, đang bị chính quyền Trung Quốc điều tra, 10 người nắm rõ tình hình nói với hãng tin Reuters

Âm ỉ nguy cơ

Mặc dù không giữ vai trò chỉ huy trực tiếp, ông Lý là một trong bảy thành viên của Quân ủy Trung ương, và là một trong năm ủy viên quốc vụ, một vị trí trong nội các vượt hơn cấp bậc của các bộ trưởng thông thường. Một số học giả cho rằng ông Lý thân cận với Tướng Trương Hựu Hiệp, người giữ vị trí trên ông Lý trong Quân ủy và là đồng minh thân cận nhất của ông Tập trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA).

Ông Lý đã nằm trong danh sách các cá nhân bị Washington trừng phạt hồi năm 2018 liên quan đến một thương vụ mua vũ khí với Nga, đã quyết định không họp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Hội nghị An ninh đối thoại Shangri-La hồi tháng Sáu, và khi đó tương tác gần nhất giữa hai nhà lãnh đạo chỉ là màn bắt tay.

Ông Austin và các quan chức Mỹ khác đã muốn bắt đầu lại các cuộc đối thoại cấp cao giữa hai nền quân sự trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực gia tăng. Những Bắc Kinh phản pháo, muốn Washington giảm thái độ xác lập trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Các phái đoàn trong khu vực nhận định một nền ngoại giao quân sự Trung Quốc sâu rộng hơn - đặc biệt với Mỹ cũng như các cường quốc khác - đóng vai trò quan trọng, đặc biệt khi Trung Quốc ngày càng gia tăng phô trương sức mạnh quân sự quanh Đài Loan - một hòn đảo theo thể chế dân chủ mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền - và trên khắp các khu vực tranh chấp khác ở Biển Đông.

Nếu số phận của ông Lý "cho thấy trọng tâm đang ngày càng hướng về vấn đề nội bộ của ông Tập, thì điều này không tốt đối với chúng ta khi đều muốn thấy ngày càng có nhiều sự cởi mở và đường dây liên lạc với phía quân đội Trung Quốc," một nhà ngoại giao châu Á nói.
Trong bối cảnh Quân đội Nhân dân Trung Hoa (PLA) có mức độ tham gia quân sự chưa từng có với các lực lượng ở Đông Nam Á trong năm nay, những thay đổi nhanh chóng gần đây từ phía Bắc Kinh "đã làm gia tăng đồn đoán và quan ngại về tính tiếp nối của chính sách", nhà khoa học chính trị Ja Ian Chong từ Đại học Quốc gia Singapore nói với Reuters.

"Một sự cải tổ quân sự vào thời điểm này có thể thu hút sự quan tâm, xét trong bối cảnh PLA ngày càng gia tăng hoạt động quân sự gần Đài Loan và East Sea (Đông Hải), cũng như các hoạt động bán quân sự trên South China Sea (Biển Đông), kể từ khi các hành động như vậy tạo nên rủi ro tiềm tàng về tai nạn, leo thang và khủng hoảng," ông Chong nhận định.



BBC