Đoàn lao động Việt được tuyển sang Hungary ‘trốn ngay từ sân bay Budapest’





Nơi ăn ở của công nhân châu Á, trong đó có lao động Việt tại nhà máy Hàn Quốc ở Monor, gần Budapest

"Chúng tôi đưa 30 công nhân từ Việt Nam tới, nhưng 28 người đã lên một chiếc xe buýt khác ở Budapest tới Đức và chúng tôi đã không gặp họ kể từ đó" - "thảm cảnh" khi nhận lao động Việt của Villeroy & Boch, một doanh nghiệp lớn của Đức có lịch sử từ 275 năm nay được báo Hungary đăng tải rộng rãi. Cơ sở tại Hungary là nhà máy lớn nhất trong số 13 phân xưởng của công ty Villeroy & Boch ở châu Âu.
Đây là một công ty gốm sứ có truyền thống của Đức có trụ sở tại Mettlach (bang Saarland, CHLB Đức). Chi nhánh ở TP.

Hódmezővásárhely (Hungary) của doanh nghiệp này có 750 nhân công - và là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất ở đây. Nhưng theo giám đốc nhà máy, ông Hideg Gábor, việc giữ chân nhân viên vẫn là một thách thức.

Vị giám đốc cho trang telex.hu biết rằng trong những năm gần đây, cuộc khủng hoảng năng lượng đã đặt công ty vào thử thách lớn vì mức tiêu thụ năng lượng của họ, vốn chiếm 12-16% tổng chi phí, hiện đã tăng gần gấp đôi. Trong giai đoạn khó khăn nhất, giá xăng đã tăng từ bảy đến mười lần.
"Dưới ảnh hưởng của lạm phát, chúng tôi đã phải tăng hơn 10% lương cho người lao động để giữ chân họ", ông Hideg Gábor giải thích với báo chí Hungary.
Ông nói thêm rằng việc phải tăng lương này là kỳ lạ, ít nhất là theo góc nhìn từ phía Đức.



Một tòa nhà là nơi ăn ở cho công nhân (*)

Theo chúng tôi tìm hiểu, các dự án đầu tư mới được khởi động trong tương lai gần khiến Hungary cần khoảng 500.000 người lao động mới. Ngày càng có nhiều công ty tuyển dụng lao động từ các quốc gia thứ ba, trong đó có Đông Nam Á, gồm Việt Nam, để phục vụ nhu cầu nhân công bùng nổ với các đại dự án ở Hungary.

Hiện tại, nhà máy ở Vásárhely đang xem xét mức tăng lương hàng năm là 10% và thêm 6% lương bổ sung, nhưng Ban quản lý cho rằng ngay cả với mức tăng này, họ cũng không thể bù đắp được hoàn toàn mức lạm phát, mặc dù mức lương của nhà máy cao hơn 40% so với các công ty khác trong cùng khu vực.

Dù đã cố gắng tăng lương như vậy, nhưng nhà máy vẫn phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động. Khoảng 60% nhân viên làm việc bảy ngày một tuần, phần lớn làm việc ba ca. Tỷ lệ bỏ việc thấp hơn mức trung bình của khu vực nhưng vẫn được các nhà quản lý đánh giá là cao.
Được biết lương tháng tối thiểu cho người lao động ở Hungary là tương đương 630 euro.



Một thông báo đã tại 'ký túc xá' của nhà máy Hàn Quốc tại Hungary đã được dịch sang tiếng Việt

Tuyển lao động châu Á nhưng sẽ 'tránh Việt Nam'

Theo Ban lãnh đạo, rất khó tìm được nhân viên mới và thay thế những người ra đi. Giám đốc Hideg Gábor cho biết họ bắt đầu tuyển dụng lao động nước ngoài từ ba năm trước, nhưng nỗ lực đầu tiên đã không thành công. Bởi vì họ quyết định đưa lao động từ Việt Nam, nhưng sau mới biết rằng hóa ra đây là một quyết định tồi tệ.

"Chúng tôi tuyển được 30 người từ Việt Nam. Khi họ đến bằng máy bay, chúng tôi đi xe buýt lên Budapest để đón họ. Họ ra khỏi sân bay, và 28 trong số 30 người ngay lập tức lên một xe buýt khác đưa họ đi thẳng sang Đức, nơi có một cộng đồng Việt Nam đông đảo."

"Không, chúng tôi không hề gặp họ. Vì họ đã có visa Schengen để làm việc ở Hungary, do đó họ có thể đi lại tự do nên chúng tôi không thể làm gì được," ông Hideg Gábor bày tỏ một cách chua chát với truyền thông Hungary.

Đó là lý do nhà máy không "dây dưa" với người Việt nữa mà thuê lao động Indonesia, không có trường hợp nào bỏ. Hiện nay 12% lực lượng lao động hiện tại của nhà máy đến từ Indonesia.



Biển thông báo bằng tiếng Việt tại nhà máy Hàn Quốc ở Monor, Hungary

Ngoài họ, còn có một số lao động đến từ Ukraine và Serbia. Lương của lao động nước ngoài ngang bằng với lương của công nhân Hungary.

"Chúng tôi không tuyển thêm ('lao động khách') vì chi phí cao hơn là thuê nhân công Hungary và rào cản ngôn ngữ khiến việc hợp tác trở nên rất khó khăn", ông Hideg Gábor cho hay.

Dầu sao đi nữa, trái với một bộ phận lao động Việt, nhân công Indonesia dường như không gây rắc rối gì cho công ty cũng như thành phố nơi họ làm việc, theo giám đốc Hideg Gábor. Tại khu vực nhà máy chỉ có lao động Indonesia, tất cả thông tin quan trọng và cần biết đều được viết bằng ngôn ngữ của họ, hoặc được dịch ra cho họ.

Công nhân Indonesia theo Hồi giáo, và có phòng cầu nguyện riêng tại nơi ở, còn công ty đã mở phòng cầu nguyện riêng tại phân xưởng.
Khi công nhân Hungary nghỉ giải lao trong ca làm việc để ăn, hút thuốc hoặc uống cà phê, lao động Indonesia vào phòng cầu nguyện và thực hành tập quán tôn giáo của họ ở đó.
Phỏng vấn đăng trên mạng telex.hu nói trên chỉ là một trong nhiều bài viết đăng trên các mặt báo Hungary về khó khăn của các doanh nghiệp Hung khi lựa chọn nguồn nhân công từ nước ngoài, trong đó có lao động Việt mà không ít người chỉ chọn nước Hung làm chặng "trung chuyển" để "một đi không trở lại" sang các quốc gia phát triển hơn.

Những năm gần đây, lao động Việt Nam sang Hungary ồ ạt, quảng cáo tuyển dụng lao động tràn ngập các trang, nhóm cộng đồng. Tuy nhiên, chất lượng, ý thức và văn hóa ứng xử của không ít lao động Việt Nam luôn là điều khiến nhiều đơn vị tuyển dụng Hungary phàn nàn, chưa kể "tệ nạn" một số lao động Việt "mất tích" ngay tại sân bay Budapest như vụ nói trên.



Bên trong nhà ký túc xá cho công nhân nước ngoài

Theo quan sát của người viết bài này thì một số người Việt Nam đã bỏ chạy ra ngoài chợ trời ở Hungary buôn bán, hoặc "đi chợ" kiếm thêm rồi mới tìm đường sang Đức.

Bên cạnh các ví dụ bỏ trốn tự phát trên, cũng đang có vài trăm công nhân VN là việc cho hãng Hàn Quốc ShinHeung.EU Kft ở Monor, cách Budapest chừng 30km. Trong một lần tới thăm khu vực này, tôi thấy các biển thông báo tiếng Hung, Việt và Hàn.

Họ làm việc trong ngành linh kiện ôtô với thu nhập thoạt đầu tương đối tốt so mức trung bình ở Hungary. Thế nhưng thời gian gần đây mức lương giảm nhiều khiến "lắm người bỏ đi", "công ty cứ đón sang là đi hết", "đợt này cuối hè họ càng đi đông", lễ tiễn nhau diễn ra khá thường xuyên, "hôm qua họ cũng lên đây liên hoan và tiễn một số người đi", theo lời kể của một vài đồng hương tại đây với tôi.
Trên các trang mạng cộng đồng, luôn thấy các quảng cáo tuyển lao động từ Việt Nam sang Hungary, còn họ sang rồi ở lại làm hay đi Đức hoặc các nước phát triển khác là điều không ai để ý nữa. Thậm chí, có cả những quảng cáo của môi giới đưa họ sang... Mỹ hay Canada, không rõ bằng cách nào.

Với tình trạng lẫn lộn giữa đi xuất khẩu lao động để có thu nhập cao hơn và học được tay nghề hiện đại và nạn đi dân trái phép như thế này, hình ảnh người lao động Việt Nam chắc sẽ còn cần "cải thiện" rất nhiều ở các nước châu Âu.
* Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Nguyễn Hoàng Linh ở Budapest, Hungary.
-------------
(*) Nhận xét của BBT/BCT : "Tòa nhà" này xem giống như một bức tường tô màu để trình diễn… vì chỉ có chiều dài mà không có chiều ngang !!



Nguyễn Hoàng Linl
Nguồn: BBC