Việt Nam vừa vay vừa chi hơn 210 nghìn tỷ đồng để đổi mới chương trình SGK


18 cuốn SGK bị sai sót về nội dung, nhất là SGK tiếng Việt lớp 1; sai phạm tại Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam về in ấn, xuất bản SGK; bất cập trong quản lý, điều tiết giá SGK… là những bất cập sau 7 năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông tại Việt Nam.



Trẻ huyện vùng cao Nam Trà My quây quần bên số sách mới, tháng 8/2022. (Ảnh: Quang nguyen vinh/Shutterstock)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Quyết định giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015 – 2022.


Từ năm 2020 đến năm 2022, đã có 381 đầu SGK mới được xuất bản; 194 triệu bản SGK mới được phát hành từ 2 đơn vị là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) phát hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết trong giai đoạn 2015 -2022, tổng kinh phí 213.449,72 tỷ đồng được dành để thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông (chiếm 1,46% tổng chi ngân sách nhà nước). Trong đó, chi thường xuyên là 81.770,14 tỷ đồng, chi đầu tư là 131.679,58 tỷ đồng.

Nguồn vốn ngân sách địa phương chiếm 71,6% tổng kinh phí, nguồn vốn vay nước ngoài và vốn viện trợ không hoàn lại chiếm 19,2%, nguồn ngân sách trung ương chiếm 6,2%.

Về những bất cập sau 7 năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ SGK theo quy định của Nghị quyết 88, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, cập nhật, phát triển nội dung giáo dục phổ thông, trong quản lý, điều tiết giá SGK…

Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành chậm 30 tháng so với yêu cầu của Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ máy chỉ đạo, tổ chức triển khai xây dựng, thẩm định chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới chưa hợp lý về cơ cấu, thành phần, số lượng, phải thay đổi nhiều lần.

Việc thực nghiệm SGK chưa được coi trọng đúng mức, thời gian ngắn, chưa đảm bảo yêu cầu về quy mô và chất lượng. Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa SGK chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn SGK, nhất là SGK tiếng Việt lớp 1, khoa học tự nhiên lớp 6, lịch sử lớp 11.

Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam để xảy ra sai phạm trong việc in ấn, xuất bản SGK; một số tổ chức, cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự… Việc cung ứng, phát hành SGK còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước năm học mới…

Nội dung kiến thức của một số môn học, bài học chưa thực sự được tinh giản, còn gây áp lực đối với học sinh. Việc thiết kế nội dung các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở chưa đạt mục tiêu, chủ yếu là tập hợp kiến thức của các môn học, sử dụng nhiều giáo viên cùng giảng dạy…

Quy định về môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới gây bức xúc trong công chúng, đối với các chuyên gia, nhà khoa học với hai lần thảo luận tại Quốc hội, ra nghị quyết vào năm 2015 và 2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chính trong tham mưu toàn diện việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông, đề nghị Quốc hội tiếp tục giao Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK theo Nghị quyết 88.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản SGK do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả; thực hiện kiểm tra, thanh tra việc xã hội hóa biên soạn SGK, quá trình biên soạn, thẩm định, xuất bản, in, phát hành, lựa chọn SGK trên phạm vi toàn quốc, nhất là việc sử dụng chi phí phát hành SGK.

Vĩnh Long