Nobel Y Học 2023: Hai khoa học gia phát triển kỹ thuật mRNA dùng cho vaccine Covid-19




PHILADELPHIA, Pennsylvania (NV) – Giải Thưởng Nobel Sinh Lý Học hoặc Y Học được trao cho hai khoa học gia phát triển kỹ nghệ tạo ra vaccine Covid bằng mRNA.

Các vị Giáo Sư Katalin Karikó từ Hungary và Drew Weissman từ Hoa Kỳ sẽ được trao chung một giải thưởng.

Kỹ nghệ mRNA được thử nghiệm trước đại dịch nhưng hiện được áp dụng làm lá chắn cho hàng triệu người trên thế giới trước đại dịch Covid-19 nghiêm trọng.



Quang cảnh buổi họp báo công bố giải Nobel Y Học ở viện Karolinska Institute, Stockholm, Thụy Điển, hôm 2 Tháng Mười, 2023; trên màn hình là hai vị giáo sư sẽ nhận giải Katalin Karikó từ Hungary (trái) và Drew Weissman từ Hoa Kỳ (Hình: JONATHAN NACKSTRAND/AFP/Getty Images)

Kỹ thuật mRNA tương tự hiện đang được nghiên cứu cho các bệnh khác, gồm có ung thư.

Ủy Ban Trao Giải Nobel cho biết: “Các cá nhân đoạt giải góp phần vào sự phát triển vaccine nhanh chưa từng có trước một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người trong thời buổi hiện đại.”

Cả hai đều được loan báo qua điện thoại sáng Thứ Hai, 2 Tháng Mười, rằng họ được trao giải và họ cảm thấy “xúc động tới choáng ngợp.”

Vaccine mRNA dạy cho hệ thống miễn dịch cách thức nhận biết và chống lại các mầm bệnh như virus hoặc vi khuẩn.

Kỹ nghệ vaccine thông thường dựa trên các phiên bản đã chết hoặc suy yếu của virus hoặc vi khuẩn gốc – hoặc bằng cách sử dụng các sợi của tác nhân truyền nhiễm.

Trong khi đó, vaccine bằng mRNA đi theo một quy trình khác hẳn.

Trong đại dịch Covid, vaccine Moderna và Pfizer/BioNTech đều dựa trên kỹ nghệ mRNA.

Giáo Sư Karikó và Weissman gặp nhau vào đầu những năm 1990 lúc đang làm việc tại đại học University of Pennsylvania, Hoa Kỳ, khi mối quan tâm của họ đối với mRNA bị coi là ngược đời.

Vaccine mRNA Covid chứa các hướng dẫn di truyền nhằm tạo ra một thành phần – một loại protein – từ coronavirus.

Khi chất này được chích vào cơ thể, tế bào của chúng ta bắt đầu sản sinh rất nhiều protein giống virus.

Hệ thống miễn dịch nhận ra những thứ này là vật ngoại lai nên nó tấn công và học được cách chống lại virus, từ đó có khả năng đánh phủ đầu khi chẳng may bị nhiễm.

Ý tưởng lớn đằng sau kỹ nghệ này là người ta có thể nhanh chóng phát triển một loại vaccine chống lại hầu hết mọi thứ – miễn là sử dụng đúng hướng dẫn di truyền.

Điều này giúp tiến trình phát triển vaccine nhanh hơn và linh hoạt hơn nhiều so với các phương pháp truyền thống.

Thậm chí còn có những phương pháp thí nghiệm áp dụng kỹ nghệ dạy cơ thể bệnh nhân cách chống lại bệnh ung thư.

Giáo sư Karikó và Weissman tạo ra những bước đột phá quan trọng giúp tạo ra vaccine mRNA.

Tuy nhiên, cũng có những thách thức. Nhưng bằng cách cải tiến kỹ nghệ, các nhà nghiên cứu có thể tạo ra một lượng lớn protein dự trù, không gây ra mức độ viêm nhiễm nguy hiểm như từng thấy trong các thí nghiệm trên động vật.

Điều này giúp mở đường cho việc phát triển kỹ nghệ vaccine sử dụng cho con người.

Giáo Sư Katalin Karikó hiện nay đang dạy đại học Szeged University ở Hungary, còn Giáo Sư Drew Weissman vẫn đang dạy tại University of Pennsylvania. (TTHN)