Hàng ngàn công nhân da giày đình công tại tỉnh Nghệ An




NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Hàng ngàn công nhân một công ty sản xuất giày da tại huyện Diễn Châu, Nghệ An, đình công đòi tăng lương và các quyền lợi khác.

Một số báo tại Việt Nam như tờ Dân Trí và Lao Động ngày 2 Tháng Mười cho hay 6,000 công nhân của công ty Viet Glory chuyên sản xuất giày da đã ngừng làm việc sau lúc ăn trưa cùng ngày. Họ đưa ra tám yêu sách gồm cả tăng lương và cải thiện các quyền lợi khác.



Hàng ngàn công nhân Công ty da giày Viet Glory bỏ về nhà ngày 2 Tháng Mười, 2023. (Hình: Dân Trí)

Công ty Viet Glory là một công ty vốn Trung Quốc, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2019, sản xuất giày da xuất khẩu, từng bị công nhân đình công một số lần trước đây đòi tăng lương. Trên tờ Lao Động, người ta thấy đăng tải phóng ảnh bản trả lời yêu sách của công nhân. Trong đó công ty từ chối tăng lương nhưng sẽ thảo luận giải quyết các đề nghị khác.

Theo tờ Dân Trí, giới công nhân đình công vì công ty Viet Glory “áp sản lượng quá cao” trong khi lại “cắt thời gian tăng ca” tức bắt làm nhiều hơn nhưng không chịu tăng lương. Tờ Lao Động thì nói rằng, “Về kiến nghị giảm sản lượng, công ty cho rằng ngày 1 Tháng Mười, công ty quyết định tăng mức thưởng sản lượng cho toàn thể công nhân.”

Theo tờ Lao Động, ban giám đốc công ty dọa nếu họ không quay lại làm việc vào ngày mai, 3 Tháng Mười, “trường hợp tự ý nghỉ việc sẽ bi xử lý theo quy định” tức bị sa thải. Liên tiếp hai năm 2021 và 2022, công nhan Viet Glory đều đã đình công và họ chỉ quay lại làm sau khi các yêu sách được giải quyết.

Liên Đoàn Lao Động Huyện Diễn Châu, tức tổ chức công đoàn do nhà nước giật dây, nhìn nhận đây là cuộc đình công do giới công nhân tự ý tổ chức, không có sự “chỉ đạo” của đảng. Tất cả các cuộc đình công lớn nhỏ của công nhân tại Việt Nam suốt nhiều năm qua đều do công nhân “tự phát” hành động, đòi hỏi quyền lợi, chống bóc lột bất công.

Hệ thống công đoàn Việt Nam, cơ quan ngoại vi của đảng CSVN, chưa hề dẫn đầu đình công để đòi tăng lương hay cải thiện chế độ làm việc mà giới công nhân không chấp nhận. Những tháng gần đây, người ta đều thấy công nhân tại Việt Nam đình công.



Công nhân hãng Thiên Diệu đình công tại tỉnh Hòa Bình Tháng Bảy, 2023. (Hình: Lao Động)
Ngày 23 Tháng Tám, khoảng 300 công nhân công ty may Thiên Thanh FiveStar ở xã Kim Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đã đình công vì bị nợ lương. Hàng trăm công nhân hãng Thiên Diệu tại tỉnh Hòa Bình sản xuất giày da xuất khẩu đã đình công những ngày cuối Tháng Bảy vì “quyền lợi của công nhân lao động chưa bảo đảm.”

Cũng trong Tháng Bảy, hơn 4,000 công nhân sản xuất túi xách ở tỉnh Long An đã đình công đòi tăng lương. Tờ Lao Động thuật lại theo lời công nhân, công ty túi xách Simone Vietnam hứa tăng lương cho họ từ ba năm trước nhưng không thi hành. Những ngày trước và sau Tết Quý Mão vừa qua cũng đã xảy ra nhiều cuộc đình công tập thể.

Theo tờ Người Lao Động, trong năm 2022, cả nước đã xảy ra 157 vụ đình công, tăng nhiều hơn 50 vụ so với năm 2021. Phần lớn các cuộc đình công xảy ra tại các công ty ngoại quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Hơn phân nữa những cuộc đình công này xảy ra ở “các khu kinh tế trọng điểm phía Nam” và trong lãnh vực dệt may và giày da.

Nhà cầm quyền CSVN từng cam kết cho giới công nhân quyền tự do nghiệp đoàn để ký được các thương ước quốc tế nhưng đến nay vẫn không thi hành. (TN)