Hàng loạt bất cập trong biên soạn, đổi mới sách giáo khoa





Kết quả giám sát việc thực hiện nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vừa được gửi tới các đại biểu Quốc hội, trong đó chỉ ra hàng loạt bất cập.



Bộ sách giáo khoa lớp 1 là bộ sách đầu tiên được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: nxbgd.vn)

Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi tới đại biểu Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo đánh giá của Đoàn Giám sát, việc đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Trong đó, việc triển khai khâu biên soạn, thẩm định sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều lúng túng, phải vừa làm vừa điều chỉnh, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia vào quy trình biên soạn sách giáo khoa. Một số quy định còn hạn chế quyền của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.

Cụ thể, khoản 1 Điều 9 và khoản 3 Điều 10 Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa phải đăng ký và nộp bản thảo đến một nhà xuất bản có giấy phép tổ chức xuất bản sách giáo khoa và chỉ có nhà xuất bản này mới được đề nghị Bộ GD&ĐT thẩm định.

Cũng theo kết quả giám sát, đội ngũ tác giả biên soạn sách giáo khoa được huy động nhiều nhưng số lượng tác giả có kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp ở trường phổ thông còn hạn chế; nhiều người lần đầu tham gia viết sách giáo khoa. Vì vậy, việc lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh, thông tin, nội dung khoa học ở một bản mẫu sách giáo khoa chưa phù hợp với học sinh.

Việc thành viên Ban phát triển chương trình tổng thể và các chương trình môn học của Bộ GD&ĐT đồng thời tham gia tổng chủ biên, kiêm chủ biên một số bộ sách giáo khoa của các nhà xuất bản tạo sự cạnh tranh không công bằng, Đoàn Giám sát nêu.

Đặc biệt, theo đoàn giám sát, có tình trạng bộ sách giáo khoa lớp 1 (Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm) được biên soạn bản thảo trước khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và chương trình môn học được ban hành.

Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13 bằng ngân sách, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, báo cáo chỉ rõ.

Theo quy định Nghị quyết số 88/2014/QH13 về biên soạn sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ (từ lớp 1 đến lớp 12, gồm 137 đầu sách); các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn sách giáo khoa (một hoặc một số đầu sách theo khả năng), không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ sách giáo khoa.

Trên thực tế, việc thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” cùng với việc Bộ GD&ĐT không biên soạn một bộ sách giáo khoa gây lúng túng cho địa phương, phụ huynh, học sinh trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa, Đoàn Giám sát nhận xét.

Đoàn Giám sát còn nhận thấy Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phải báo cáo Quốc hội điều chỉnh chủ trương, gây ra nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn tới trách nhiệm về quản lý nội dung giáo dục phổ thông (thể hiện qua nội dung sách giáo khoa).

Đoàn giám sát còn chỉ ra việc thẩm định, tiếp thu chỉnh sửa một số sách giáo khoa chưa chặt chẽ dẫn tới chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều lỗi, nội dung thiếu chính xác, văn phong chưa chuẩn mực ở nhiều sách giáo khoa , dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn sách giáo khoa, nhất là đối với sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11.

Chất lượng một số sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn hạn chế. Một số sách giáo khoa có nội dung chưa phù hợp với học sinh, còn khó, kiến thức nặng. Một số nội dung chưa cụ thể nên học sinh khó hiểu, khó giải thích vấn đề; chưa phù hợp với một số vùng miền, có từ ngữ mang tính địa phương; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào sách giáo khoa chưa được đánh giá cao.

Về lựa chọn sách giáo khoa, Đoàn Giám sát dẫn báo cáo của Ban Dân nguyện (thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) có 36 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị nên có 1 bộ sách giáo khoa để sử dụng chung.

Việc lựa chọn nhiều bộ sách giáo khoa tạo ra khó khăn trong khâu đặt hàng, bảo đảm cung ứng sách giáo khoa trước năm học mới. Sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại sách giáo khoa, khó tiếp cận kiến thức, Đoàn giám sát chỉ rõ.

Ngoài ra, cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước thềm năm học mới. Phụ huynh, học sinh gặp nhiều phiền hà trong việc mua sách giáo khoa theo kênh phát hành tự do qua hệ thống cửa hàng bán lẻ.

Kết quả giám sát còn cho thấy giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao, tăng 2-4 lần giá sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2006; gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Cân nhắc việc yêu cầu Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa

Trước đó, tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát nói trên chiều ngày 14/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề nghị cân nhắc, bỏ nội dung “giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách SGK của Nhà nước”.

Ông Sơn cho rằng Nhà nước (Bộ GD&ĐT) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là “nội dung lõi của giáo dục”,“pháp lệnh”. Còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.

“Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa – tức một bộ học liệu của nhà nước hay không”, ông Sơn nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng khẳng định không cần lo lắng về an toàn an ninh sách giáo khoa vì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đang nắm bản quyền hai bộ sách giáo khoa. Sách giáo khoa cho các lớp 5-9-12 là những bộ sách cuối cùng cũng đã soạn xong và đang thẩm định…

Khánh Vy