Giọt máu đào

Tác giả : Trương Lang Vương





Phu... phụ...
**
Ông trở về nhà, cố gượng cười thật tươi cho bà thấy. Rồi khi đã thấy thì bà hét toáng lên, chạy tới mà chạm vào những vết bầm tím trên gương mặt của ông. Tím đến mức nhìn thấy rõ cục máu bầm, vậy nên chắc là ông đang đau nhiều lắm.
Đó là vì bà vẫn chưa nhìn thấy những dấu vết khác trên thân thể của ông. Còn ông thì cố che giấu được đến lúc nào thì hay lúc đó, cứ ráng thêm vài ngày xem thử nó có phai nhạt đi hay không. Cái quan trọng là ông không muốn bà phải lo lắng nhiều thêm làm chi nữa.
Mãi một hồi thì bà mới chợt nhớ ra mà hỏi: “Cây vĩ cầm của anh đâu?
Ông cười rồi lắc đầu, ông không muốn nói về chuyện đó, ít nhất là ngay lúc này.
Đến đêm, đoán chừng bà đã ngủ. Ông ngồi dậy, bước ra chỗ treo áo khoác. Lấy từ trong túi áo ra một mảnh gỗ, đây là phần duy nhất mà ông giữ lại được từ cây đàn vĩ cầm đã ở bên ông hơn nửa đời người. Là một người bạn, để bây giờ trong bóng đêm ông lặng lẽ làm lễ tiễn đưa bạn của mình.
Nắm trong tay, tưởng tượng rằng nó vẫn đang còn sống. Để một lần nữa trong đêm nay cả hai cùng ngân lên những giai điệu tuyệt vời, bao nhiêu năm vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức, chỉ cần ta không quên thì đến một ngày tất cả sẽ ở bên ta trên con đường dài vô tận, thênh thang.
Ông nằm lại xuống giường. Bà như đã tỉnh từ lúc nào mà lấy góc chăn đắp lên cho ông, rồi ôm ông nhè nhẹ, rất nhẹ nhàng thôi, bởi bà biết ông vẫn đang đau đến mức nào. Giấu làm sao được bà chứ, có chỗ nào trên người của ông mà bà không thuộc nằm lòng đâu, chẳng qua ông không muốn nói thì bà cũng sẽ cùng ông im lặng mà chịu đựng. Chồng đau vợ xót, thánh thót chia đôi, con cá mồ côi, thôi rồi con cá...
Dăm hôm sau, có người quen tạt qua nhà, nói rằng lại có đám ma, kêu ông đi qua để chơi nhạc cho người đã khuất. Bà đi ra, bà định nói với họ rằng cây đàn của ông đã tan nát rồi thì còn nhạc nhẽo gì ở đây nữa. Nhưng ông đã bước ra trước bà, ông cười rồi hỏi thăm họ địa chỉ nơi làm đám, xong thì kêu họ cứ tới đó trước đi, lát ông qua sau.
Rồi ông vào nhà mặc thêm cái áo. Lúc ông đi ra khi nhìn thấy đôi mắt tròn xoe đầy soi xét của bà thì ông lại tủm tỉm cười mà lấy từ trong túi quần ra cái kèn khẩu cầm (Harmonica) rồi nháy mắt theo cách đầy duyên dáng với bà. Thế là bà cũng bật cười hí hí theo, là tại bà quên mất chồng của mình có nhiều tài lẻ đến như thế nào. Xong thì bà lại theo lệ mà phủi phủi quần áo cho ông, rồi theo ra tới tận cổng để tiễn chân ông đi làm.
Đến chiều khi thấy ông trở về với nụ cười mĩ mãn thì lòng bà lại reo vang. Dĩ nhiên rồi, chồng của bà là người giỏi nhất quả đất này. Không còn ai so bì được nữa, là không so được với bà khi đã lấy được ông.
Vậy là mọi chuyện vẫn như xưa. Bà cơm nước dọn dẹp nhà rồi mỗi sớm thức dậy khăn gói chỉnh trang cho ông đi làm. Mỗi ngày lại cực thêm một ngày nhưng chỉ cần ông còn ở đó thì bà không than van một hơi chút nào cả, chỉ cảm ơn đời vì vẫn còn có ông. Được là một người đàn bà có nơi nương tựa, chứ không phải là con cá nhỏ mồ côi bơi lẻ loi trong biển dải sông dài nước dại mênh mông.
Những lúc không có việc để làm thì ông ở nhà để biên soạn nhạc phổ. Giấy không có nên ông viết cả mặt sau, ông hay nói những khung nhạc này đều là vừa cần vừa quý, cố lưu trữ lại cho chỉn chu đầy đủ để đời sau còn có cái mà dùng. Mỗi lần như vậy thì bà đều sẽ pha cho ông ấm trà. Mỗi ngày mỗi nhạt bởi gói trà kia đã sắp hết rồi. Bà không biết mình còn cố chia ra được thêm bao nhiêu ấm nữa, chỉ là bà vẫn muốn trong đoạn trường giông tố này mà cố giữ lại chút thói quen ngày xưa cũ cho ông. Tưởng tượng như mọi thứ vẫn còn đang yên ả, thanh bình.
Rồi cả chuyện cơm nước nữa, có nhiều điều bà giấu không muốn cho ông biết. Xong mấy đợt đổi tiền thì tiền nay đều đã thành giấy hết cả rồi, tài sản tích lũy cả đời của ông bà coi như mất trắng. Vậy nên bà phải lén đem mớ trang sức ông mua cho bà ra để đổi lấy phiếu lương thực. Thuở đời bà có nằm mơ cũng không nghĩ được tới một ngày đem cả sợi dây chuyền non chỉ đi đổi mà lại chỉ đem được về nhà có sáu cân gạo độn. Để rồi vẫn phải vừa ăn vừa mừng vì vẫn còn có cái để ăn.
Bà biết, bà biết là ông biết, nhưng do ông không nói gì nên bà vẫn cứ vờ như là ông không biết. Rồi cứ vậy mà hai vợ chồng đầm ấm bên nhau trong mỗi bữa cơm chiều. Để trong lúc xới cơm lựa phần độn cho mình thì bà sẽ hỏi về người mà ông đã đưa tang hôm nay. Rồi bà ngậm ngùi bà buồn thay cho họ. Rồi ông vỗ về ông nói rồi mọi thứ sẽ lại tốt hơn thôi. Rồi bà tin ông, bà hết buồn khi ngồi nghe ông kể chuyện cười bằng cái miệng duyên dáng đó. Cứ mím lại để vờ tỉnh như không mỗi khi bà cười ngặt nghẽo đến mức phải cấu lấy ông thì mới thở nổi.
Chỉ mình bà biết thôi, chứ trên đời này không một ai có thể biết được rằng cái người lúc nào cũng nghiêm nghị đàng hoàng kia vậy mà lại có thể tiếu lâm và nhiều chiêu trò đến thế. Giống như cái cách mà hồi đó ông tán tỉnh bà, cứ tới ngồi đối diện rồi đóng cái mặt lạnh tanh như cục đá muối ủ kem của ông nhạc sư nổi tiếng. Sau đó thì nhìn bà rồi thở dài giống như có gì đó đang muốn chê trách hay cần phải dạy bảo thêm. Để cuối cùng thì ông chợt kể ra câu chuyện cười rồi tỉnh rụi mà nhìn sang chỗ khác. Khiến bà chịu không nổi mà phải sáp tới gần ông, vịn lấy ông để cười rồi ngắt nhéo cho bõ ghét cái bản mặt điếm đàng cùng cái miệng dẻo quẹo duyên ngầm kia.
Yêu ông bắt đầu bằng yêu nhạc của ông, yêu cái cách ông chở che cho bà từ thời thiếu nữ cho đến thời giông tố bủa vây trước mắt. Nhưng nhiều hơn hết thảy, chính là yêu cái cách mà ông nhìn bà mỗi khi kể xong một câu chuyện cười. Nó khiến bà không còn lo lắng hay sợ hãi gì nữa, để dù phía trước có là vực sâu không cách nào thoát khỏi thì bà vẫn nép bên ông để cười khúc khích trong lúc rơi vào.
*
Hôm nay ông trở về, gương mặt lại bầm tím. Chắc vẫn là do đội nhạc đám ma bị lực lượng tuyên truyền viên có nhiệm vụ thanh trừng văn hóa đồi trụy của chế độ cũ bắt được. Thế cho nên họ mới ra tay dạy dỗ bằng cái văn hóa mới của họ, cũng giống như cái cách mà họ được dạy dỗ, được rèn đúc mà thành.

Cái hay là cho dù một bên má của ông đã sưng lên như quả bóng quần vợt thì ông vẫn có cách để nở ra nụ cười méo lệch ở một bên còn lại. Khiến dù mắt bà đỏ hoe nhưng miệng vì vẫn phải ráng mím chặt để khỏi bật ra cái sự tức cười vì sự duyên dáng bị cắt cụt đó của ông. Để rồi lúc bà đang lau mặt cho ông bằng nước ấm thì ông lại cười nhe răng bằng cái miệng sưng húp đó. Nhìn như miếng thịt bò bầm bị chẻ giữa rồi lòi ra mấy cái răng. Thế là bà không nhịn được mà bật cười thành tiếng rồi đấm ông mấy cái cho bõ ghét. Chứ người đâu mà lại khó ưa đến như thế, người ta đang muốn buồn một chút mà cũng không cho. Khiến ai đời kiếm đâu ra cái cảnh chồng bị thương mà vợ lại ngồi cười như bị thọt lét thế kia. Vô duyên chết đi được.

Rồi cái kèn khẩu cầm kia cũng bị bọn nó lấy mất. Còn đưa cho ông tờ biên bản ghi rằng đã tịch thu hàng cấm, ép ông phải ký tên nhận tội rồi viết lời hứa rằng sẽ không bao giờ truyền bá thứ văn hóa tư bản độc hại đó nữa. Nghe nói là cả ban nhạc đám ma ai cũng có một tờ giấy như vậy. Lập biên bản tại chỗ, viết xong ký xong thì đánh để giáo dục rồi thả cho về. Nhẽ ra phải đưa về trụ sở để làm thêm nhiều thủ tục cải huấn nữa, nhưng đây là nhờ chủ nhà biết cách sắp xếp nên bọn họ mới được thả ra nhanh đến như thế. Coi như trong cái họa có cái may, kèn đi thay người, chỉ cần còn có ông trở về với bà là được.
Qua được hơn tuần khi mặt đã hết sưng, bà lại thấy ông đứng trước gương để tập khẩu hình miệng. Vừa nhìn thì bà đã biết ông định làm gì, chính là họ không cho ông chơi đàn hay thổi kèn thì từ nay ông sẽ hát. Nhạc khúc cho đám ma cũng nhiều, mà không có thì ông tự viết thêm cũng được. Còn nếu cần thì ông chỉ hát nhạc nước ngoài thôi, để họ có nghe mà không hiểu thì họ cũng không bắt bẻ được gì ông. Cái quan trọng là đời này ông đã chọn nhạc làm hành trang tô điểm cho đời. Vậy nên dù bằng cách này hay cách khác thì ông cũng không thể từ bỏ nó được.
Từ một sinh viên tân nhạc ở miền Bắc, sau năm 54 thì thành giáo sư nhạc viện ở miền Nam. Đi khắp thế giới trình diễn trong dàn nhạc quốc gia cũng phải hơn chục lần, giải thưởng gì cũng có đủ, danh tiếng gì cũng có thừa. Để đến nay khi phải đi bộ hát đám ma thì ông vẫn mãn nguyện, vẫn tự hào. Để chỉ cần âm nhạc được vang lên, chỉ cần còn người muốn được thưởng thức, dù rằng là người sống hay người chết, thì ông vẫn có trách nhiệm phải trao cho họ món quà nghệ thuật này. Giúp trong bóng đêm vẫn còn đó tia sáng, giúp con người tin rằng vẫn sẽ còn đó tiếp nữa những ban mai.
Đó là lý tưởng, mà cũng là tình yêu, là thứ chân lý mà ông tôn thờ, thứ mà tất nhiên là chỉ xếp sau bà một chút. Bởi với ông thì bà mới chính là tất cả.
Nhiều đêm khi hai vợ chồng khó ngủ, khi đã dùng đủ cách kể đủ truyện rồi mà bà vẫn tỏ ra lo lắng cho ngày mai của ông. Thì ông sẽ nâng gối ngồi cao lên, để bà nằm áp đầu vào bụng ông, rồi ông vuốt tóc bà, vừa vuốt vừa nói ra cái tâm sự của lòng mình.
...Thời buổi này không còn hội đám gì vui nữa, để đám duy nhất mà người ta thấy ngoài đường là đám ma. Chỉ là đám ma bây giờ cũng khác với đám ma trước giải phóng, nó hiu quạnh hơn nhiều, cũng bởi cái lệnh cấm tụ tập đông người kia.
Có lần anh tới thì trong đám chỉ có hai người. Một là người chồng đang ngồi đó và hai là người vợ đang nằm đắp chiếu, để anh chính là khách viếng mà cũng là người làm lễ đưa tang duy nhất. Lúc đó thì anh không biết là những người khác trong đội hành lễ sẽ không đến vì mắc công chuyện đột xuất. Vậy nên anh nói với người chồng là mọi người sẽ sớm tới thôi. Nói rồi thì làm những chuyện mà anh phải làm, càng đầy đủ càn cẩn thận càng tốt, cho người chết và cho cả người sống.

Làm xong hết rồi thì anh hát, vợ cũng biết là anh hát không được hay cho lắm mà, nhưng mà anh vẫn hát, không kèn không trống cả góc đường chỉ có giọng hát của anh. Từ bài này sang bài khác, hết nhạc đám ma thì anh hát tình ca, rồi hát cả dân ca, rồi cuối cùng khi anh nghỉ một chút thì người chồng đứng hát thay cho anh. Cũng là lúc anh cảm thấy xấu hổ vì hóa ra mình vậy mà lại hát không hay bằng cậu ấy.
Đợi đến khi có vài người khác đến viếng thì anh hô cho họ làm lễ, xong thì anh xin phép ra về. Lúc anh đi được mấy bước khi quay đầu nhìn lại thì thấy cảnh người chồng đang quỳ mà lạy theo hướng anh đi. Thế nên anh mới lạy lại rồi đi lui cho đến khi khuất hết con đường.
Nghĩa tử là nghĩa tận, một đời người từ lúc sinh ra cho đến khi chết đi cho dù có như thế nào đi chăng nữa thì cũng đều là đã trọn vẹn một kiếp người, phút cuối cho dù người ra đi có biết hay không thì người ở lại vẫn sẽ biết. Thế cho nên mới cần đến tình người đưa tiễn. Để nhắc cho nhau nhớ rằng thế gian này không bạc bẽo, một đời này không vô nghĩa, và chúng ta vẫn kết nối với nhau dẫu kiếp khác hay kiếp này.
Anh sợ, anh sợ lỡ nếu như ngày mai mà anh không làm việc của mình thì sẽ có một ai đó phải ra đi trong cô độc, sẽ có một người ở lại nào đó phải cảm thấy lạnh lẽo trong lúc đau buồn. Anh sợ những đám ma thiếu vắng tình người, sợ có một linh hồn nào đó nghĩ rằng trần gian này bạc bẽo rồi lạc lối lúc ra đi. Anh sợ, anh không muốn điều đó xảy ra, vậy nên anh phải cố gắng mà làm cho đúng với lòng mình.
Lúc này đây không chỉ còn là âm nhạc hay công việc, cũng không phải là anh muốn chứng tỏ hay khẳng định điều gì. Nó chỉ đơn giản là một việc phải làm để có thể sống tiếp, được là chính anh, là chồng của em, là một con người. Chỉ vậy thôi...

Thì chuyện gì anh muốn làm thì anh cứ làm đi, em có dám cấm cản gì anh đâu.” Bà nói rồi dỗi hờn ông một chút, xong thì ôm chồng mà chìm vào giấc ngủ. Là ôm đúng người đàn ông mà năm xưa bà đã chọn, đã yêu, đã cưới, đã nguyện thề sẽ sống với nhau trọn đời trọn kiếp. Tóc răng thay đổi, thế sự đổi thay, nhưng vẫn đúng là người đàn ông đó của bà.

Sáng hôm sau khi ông ra khỏi nhà, bà có làm chút nước chanh muối để ông đem theo. Vừa đỡ khát vừa giữ giọng, cái quan trọng là hết trà rồi nên bà chuyển sang chanh muối, coi như bắt ông phải tập thói quen mới cho phù hợp với sự nghiệp ca hát của ông. Nửa đời dạy nhạc, cuối đời tập hát, đã vậy còn hát dở hơn mình, nghĩ vậy thì bà lại thấy vui vui, bởi hóa ra chồng của mình cũng không vĩ đại gì nhiều cho lắm. Cũng chỉ là một ông già cứng đầu cứng cổ mà thôi, quan trọng là không tươi trẻ bằng bà.
Đến chiều thì cả đội nhạc đưa ông về, ai mặt mày cũng bầm tím nhưng chân cẳng thì vẫn còn đi được. Chỉ có ông là không, vậy nên mới phải dìu ông về.
Lần này khi thấy bà, dù đã cố nhưng ông vẫn không cười được. Chỉ nằm đó mà đưa mắt nhìn mọi người thôi, xong thì cố gật đầu cảm ơn họ vì đã giúp đưa ông về tới nhà.

Một người trong đội nhạc thì thầm với bà, nói rằng lần này đám thanh lọc văn hóa làm nặng tay hơn, phá hết nhạc cụ ngay tại đám tang rồi tròng dây kéo hết cả bọn về đồn. Viết đơn xong thì bọn họ bắt cả đội phải hát bài ca mừng ngày vui giải phóng. Rồi do muốn bình yên nên ai cũng đành phải hát, chỉ có ông là im lặng, vậy nên bọn họ mới đánh ông nhiều hơn, đánh cho hộc máu rồi mới thả cho về. Cũng là nhờ chủ trại hòm biết tin nên mới tới kịp mà lo lót, chứ không thì chúng sẽ còn đánh đến hết đêm, đánh cho tới khi nào ông chịu hát mới thôi. Cứ coi như một lần nữa trong cái rủi có cái may đi, gặp bọn nó mà còn sống về được tới nhà thì chính là may mắn.

Họ để lại chút tiền rồi rời đi, nhắn lại rằng lát nữa sẽ nhờ bác sĩ tư ghé qua xem bệnh cho ông. Còn dặn là dù có thế nào thì cũng đừng có đưa ông vô bệnh viện. Bởi từ ngày nơi đó không còn là nhà thương thì những người có vết chính trị như ông mà vô thì sẽ chết chắc, thậm chí tới xác cũng không lấy về được đâu.
Họ dặn bà xong đâu đó thì họ nhanh chóng rời đi, là buộc phải đi cho sớm để còn kịp giờ giới nghiêm. Chứ còi mà hú lên rồi thì sẽ không còn đi được nữa.
Tiễn họ đi rồi thì bà nhìn ông, tại ông không nói gì nên bà cũng không biết phải làm gì. Thế nên bà chạy đi nấu nước ấm để lau người cho ông. Củi đun lên rồi thì bà chạy qua chạy lại từ chỗ bếp tới chỗ ông nằm để nhìn, chạy liên tục chỉ dừng ở mỗi nơi vài giây thôi, bởi bà không biết phải làm gì khác nữa, bởi nếu không chạy thì bà không biết phải làm gì khác nữa.
Rồi khi bà đã đem được cái chậu nước ấm với cái khăn tới chỗ của ông rồi, thì cũng là lúc ông đã ngừng thở.
Tự nhiên, rằng tới lúc này thì bà đã biết mình phải làm gì.
Đó là tiếp tục lau người cho ông, lau cho thật sạch, lau đến đỏ cả thau nước thì thay thau khác để lau tiếp, nặn vào đó một ít nước cốt chanh để lau, để át đi mùi tanh của máu. Sạch sẽ rồi thì bà thay cho ông chiếc áo mới, cầm lược chải tóc tai của ông sao cho gọn gàng. Xong thì để ông nằm trên đùi của bà, còn bà thì ngồi yên đó không nhúc nhích không động đậy, cũng không cố làm nũng để ông phải thức dậy rồi kể truyện cười cho bà nghe. Chỉ ngồi im lặng để ông được ngon giấc trong giấc mộng cuối bên cạnh bà, có đôi có cặp, có vợ có chồng, có ngón tay em đặt trên gương mặt anh tĩnh lặng, chảy cho hết những giọt nước cuối cùng khi anh vẫn còn ở ngay đây. Để anh nhìn thấy rồi anh biết là anh đã làm em khổ đau nhiều đến mức nào. Tất cả là lỗi của anh, cả cuộc đời này của em đều là lỗi của anh, vậy nên anh phải gánh, phải chịu, phải đền, phải đợi em để một lần nữa chuộc lại lỗi từ em. Em đúng, anh sai, vậy nên anh cứ nằm ngoan rồi chờ khi trả nợ.
Tiếng còi báo hiệu giờ giới nghiêm vang lên. Bà đứng dậy, kê gối để ông nằm cao thêm một chút, nằm mà nhìn cách bà làm lễ tang cho ông.
Bà lấy ra cái hộp đựng đồ nghề biểu diễn năm xưa của bà, mặc vào cái áo dài lụa màu đen, lấy khăn nhung vấn tóc, trang điểm bằng phấn rơm xay, ngậm giấy đỏ cho thắm tươi môi mềm, đeo vào cổ chiếc còng bằng bạc trắng, cài đôi hoa tai trái cau, chân mang guốc mộc, ngón tay đeo nhẫn ngà, một tay cầm hai chiếc tách sứ lóc cóc và một tay cầm quạt xếp. Xong đâu đó thì bà dựng ông ngồi dậy, lúc này thì ông đã hơi cứng nên bà phải mất nhiều công hơn một chút để tạo dáng cho ông sao thật ngay ngắn đàng hoàng.
Là ngồi cho thật thẳng thớm để ngắm nhìn bà trở về lại cái ngày mà hai đứa gặp nhau nơi giảng đường nhạc viện, có ông là nhạc sư tân nhạc, còn bà là ca nương hát xẩm đầu đình. Bên nhau đẹp như trời kia cố se duyên cho một thế.
Bà múa quạt, gõ tách, nhịp guốc, xoay tay chữ vạn chắp tay chữ kiềng mà ca lên điệu thiên thai song thất lục bát, kể lúc tiên người gặp nhau mà sinh ra Chữ Tử, rồi hát câu thất trắc trắc yên vân mà kể đoạn đời niên thiếu của Tử kia, xong thì ngân lên thập cung tứ tuyệt để ngợi lên lúc Tử kia tìm được Đạo của mình. Guốc thay cốt tre, tách thay trống nhịp, giọng một người hát hết thảy bảy đoạn xoan, kể chuyện đời của một Thánh trong nhân gian, kể cái công ơn giúp cho người với người biết đạo tiên thiên trong chuyện tình duyên đôi lứa. Để từ nay thiên hạ có chữ tình chứ không phải chỉ duy chữ phận ép phải đơn côi trong nắng điệu mưa dầm.

Ử ư trong đời tình duyên bạc
Ngóng lên thấy cội vụt ngang đầu
Hỏi xanh mới biết tủi xanh
Hỏi sâu mới biết tủi tranh cơn sầu
Ép duyên cau ép trầu đâu lặng
Thắm cho vôi trái chẻ tư cầu
Tích canh trống thách tề gia tận
Chỉ bôi đã thỏa rủ nhau về
Thách Quân sống tiếp đời cô lẻ
Hỏi Nương có muốn kiếp lạc bầy
Trống thinh không trách hờn duyên nhỏ
Hận ai trao chỉ nhúm rợ hồng
Đánh cho vang để Trời kia tỏ
Phủ nhân gian chung liệu chuyện mình
Bởi trần cần thôi nợ
Bỏ duyên tự mây sòng
Trống tàn chầu Thiên tận
Câu rằng tư ái hương

Phòng nhỏ, bà lấy sân làm chiếu đình, tay đã đổi qua chữ phiên, guốc cũng đổi sang nhịp trắc, tách lâm ly, hai tiếng tách chạm vào đáy, một tiếng cốc gõ nhẫn voi, bình trắc trắc, bình trắc trắc, chính là điệu thiên công, điệu hát cho hay ho để trời cao ngó xuống, đợi đã ngó xuống rồi thì mới hát kể than cái khổ đầy, hỏi ai đâu lòng nào mà gầy đau thêm nữa, nên đành buông xuôi cho thuận chúng sanh bình.

Ư ư mây lả mây trôi
Có người hờn giận xé đôi câu thề
Trách ai kia nói lời không giữ
Hứa trăm năm sao chỉ trăm chiều
Phải xin cho thỏa tâm can
Phải than phải oán cho ngàn xuôi theo
Trả lại đây những hồn đã lỡ
Giữ cho nhau công thỏa câu thề
Ngóng trông duyên kéo một đường
Kéo tay ta cắt ta rường duyên ta
Tách công tơ đan thành nhau nhợ
Thắt lên tay nửa gút nhại thời
Bởi ông dám phụ công tôi
Nên ông phải trả cho rồi công phu
Phụ không chỉ gửi phận này
Phụ mong phu hãy gửi đầy trăm năm
Tách tách không, tách bình bình
Cước cước vân, cước vấn vần binh phụ
Tung tung tung túng tùng tùng
Phách phách ba, phách níu hồn phu lại
Phách vân, phách thế, phách trình
Phách thiên, phách phúc, địa trình, tái lai
Giãy cho thất phách trở về
Ử cho tam kiếp có mình với tôi
Chẳng ai dám cắt phận đầy
Chẳng ai dám tách duyên này khỏi tôi.

Rồi bà khom lưng tay xòe hoa dâng lễ, tách lách cách liên hồi để chứng rõ nguồn cơn, bước ra sân bà ra trước nhà để gọi hồn ông lại, hát trăm câu để khắc vào đó cái phận này, để trời kia không sao ngăn tỏ, để cõi hồn ta không lạc mất nhau, để kiếp này rồi lại phải kiếp sau, đầu thai sống lại duyên này vẫn xuôi, hát cho bên kia cổng từ bi minh chứng, rằng ông đã có người kết tóc se duyên, để không ai dám dành phần thắm lại, chỉ riêng bà kết trọn vẹn với ông.
Để khi bà đang ca đang hát đang luyến láy múa dâng hoa phía trước cổng thiên đình, thì có một tiếng súng vang lên, là quân giải phóng đi xe ca vừa bắn chết người đàn bà dám vi phạm lệnh giới nghiêm, bắn luôn cái tội dám phấn son hủ hóa, dám ca lên cái trò hư hỏng trụy lạc của cái thời phong kiến trưởng giả ngập bất công. Thế nên bắn một viên mà lập hẳn ba cái đại công, thế nên quân binh ăn mừng bằng cách nhảy xuống tháo đi vòng bông tay lắc, xong thì lại lên xe mà tiếp tục chuyện tuần hành.
Bà chưa chết, bà lấy tay bịt chỗ cuống họng bị thủng lỗ lại mà lết vào nhà với ông. Ngồi xuống cạnh ông, dựa vào, bịt họng mà cố hát cho xong cái điệu cưỡng duyên chồng, phải hát cho xong để chắc chắn ông không thoát khỏi tay bà, hát cho xong để trời cao minh chứng, để hồn ông với hồn bà phải theo chung một con bướm bay bay, cùng đi, cùng về, cùng trở lại chung một kiếp sau cau trầu.

Guốc không còn tách cũng chẳng có
Chỉ có em cố tựa vào anh
Hát anh nghe lời này em nguyện
Chẳng xa nhau, chẳng thể chia lìa

Cứ như vậy mà bà hát ư ử suốt đêm, cho đến khi tay kia mềm rơi xuống, để môi đã ngưng mắt đã nhắm hơi đã tàn, mà cái lỗ nơi cuống họng kia vẫn cứ vang ra mãi những câu thề...
Trương Lang Vương
Ai bước qua cầu quay đầu nhìn lại gió thổi khăn bay bên dưới có một người