Các yếu tố khiến người già té ngã, 7 loại thuốc cần lưu ý





Việc té ngã ở người cao tuổi là hiện tượng phổ biến và nguy hiểm. Người cao tuổi cần nắm vững các phương pháp phòng ngừa té ngã đúng cách để đảm bảo sức khỏe thể chất và thậm chí là hạnh phúc cho gia đình. Nếu bạn có người già trong gia đình hoặc bản thân bạn cũng đang bước vào tuổi già, việc biết những thông tin liên quan sẽ rất hữu ích.



(Ảnh: LightField Studios/ ShutterStock)

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, hơn 1/4 số người lớn tuổi ở nước này bị ngã mỗi năm và cứ 5 lần ngã thì có một người dẫn đến chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như gãy xương hoặc chấn thương đầu, mỗi năm có 3 triệu người lớn tuổi phải đến phòng cấp cứu do té ngã.

4 yếu tố khiến người già dễ té ngã, tác dụng của thuốc cần lưu ý

Người cao tuổi dễ bị té ngã do sự kết quả tương tác của nhiều yếu tố nguy cơ, có 4 nguyên nhân thường gặp:

1. Lực cân bằng kém

Người cao tuổi bị thoái hóa xương và cơ, giảm sút khả năng vận động, khi đi bộ thường sải bước ngắn và không liên tục, tay chân cứng nhắc không linh hoạt, không thể nhấc chân lên độ cao phù hợp… sẽ khiến dáng đi không ổn định và tăng nguy cơ té ngã.

Mặt khác, tình trạng thoái hóa hệ thần kinh trung ương ở người cao tuổi dẫn đến thời gian phản ứng chậm, kéo dài, giảm khả năng phối hợp cử động, trường hợp nghiêm trọng mắc các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson cũng làm tăng nguy cơ té ngã.

2. Tầm nhìn không rõ ràng


Nhiều người cao tuổi mắc các bệnh về mắt khác nhau như viễn thị, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc và thoái hóa điểm vàng. Ngoài ra, những người khác mắc các bệnh tự miễn như bệnh đa xơ cứng, cũng có thể gây giảm thị lực. Trong những tình huống này, người cao tuổi rất có thể sẽ không nhìn thấy những vật cản ở dưới chân mình.

3. Bệnh tim mạch và mạch máu não

Trong giai đoạn mắc bệnh tim mạch và mạch máu não mãn tính, người bệnh có thể bị mất khả năng phối hợp vận động, thị lực không đầy đủ, sức cơ yếu và nguy hiểm nhất là trường hợp đột nhiên phát bệnh và té ngã. Từng có một bệnh nhân khi đang đứng trên thang để sửa nhà đã lên cơn đau tim đột ngột, vết thương tổng hợp do đau tim và té ngã cuối cùng đã dẫn đến tử vong.

4. Ảnh hưởng của thuốc

Một số người lớn tuổi thường uống nhiều loại thuốc tây, những loại thuốc khác nhau do bác sĩ kê đơn có thể ảnh hưởng đến sức mạnh cơ bắp, trạng thái tinh thần, thăng bằng, huyết áp hoặc thị lực, v.v., từ đó làm tăng nguy cơ té ngã.

Trong 4 yếu tố nguy cơ trên thì ảnh hưởng của thuốc là đáng được quan tâm nhất. Một bác sĩ nội trú ở Hoa Kỳ chia sẻ, một giáo viên của anh nói rằng: “Nếu một người xuất hiện một triệu chứng mới, điều đầu tiên bạn nên nghĩ đến là tác dụng phụ của thuốc”. Theo kinh nghiệm lâm sàng của anh thì quả thực là như vậy.

Những hậu quả nghiệm trọng sau khi người già bị té ngã

1. Gãy xương


Người cao tuổi té ngã rất dễ gây gãy xương. Vì người cao tuổi thường mắc bệnh loãng xương, nên nguy cơ gãy xương cao hơn so với người trẻ, các vị trí gãy xương thường gặp là cổ tay, mắt cá chân, hông… Theo dữ liệu của CDC, trong số hơn 300.000 người lớn tuổi nhập viện vì gãy xương hông mỗi năm, hơn 95% trường hợp gãy xương hông là do té ngã, thường là do ngã từ bên người.



(Ảnh: 9nong/ Shutterstock)

2. Chấn thương đầu


Người cao tuổi cũng có thể bị thương ở đầu khi ngã. Khi người cao tuổi bị ngã, họ thường không kịp thời điều chỉnh thăng bằng cơ thể, dễ gây chấn thương ở đầu. Từng có một bệnh nhân sau khi bị ngã, lúc đó không có triệu chứng gì, nhưng vài ngày sau, ý thức của ông ngày càng trở nên mơ hồ, cuối cùng ông được đưa đến bệnh viện và được phát hiện bị xuất huyết ngoài màng cứng (dura mater).

Vì vậy, nếu bị ngã đập đầu, chúng ta cũng không nên lơ là mất cảnh giác. Dù lúc đó không có triệu chứng gì thì cũng cần phải quan sát một thời gian, nếu dần dần xuất hiện đau đầu, bất tỉnh hoặc buồn ngủ thì tốt nhất nên đi đến bệnh viện kiểm tra xem có xuất huyết ngoài màng cứng hay không.

3. Gây biến chứng

Nếu người cao tuổi nằm liệt giường trong thời gian dài sau khi bị té ngã, có thể dễ dẫn đến các biến chứng khác như nhiễm trùng phổi, huyết khối tĩnh mạch, lở loét do nằm liệt giường, thậm chí nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

4. Gây ra sự sợ hãi và lo lắng

Té ngã cũng là một loại tổn thương tinh thần không thể bỏ qua đối với người cao tuổi và dễ khiến tâm lý gây ra sợ hãi, lo lắng. Nếu người lớn tuổi từ đó giảm các hoạt động thể chất và tránh giao tiếp xã hội vì sợ bị ngã lần nữa sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.

Chú ý 7 loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ té ngã



(Ảnh: PeopleImages.com – Yuri A/ Shutterstock)

Người cao tuổi nên nói chuyện với bác sĩ về việc liệu cách họ dùng thuốc có làm tăng nguy cơ té ngã hay không. 7 loại thuốc sau đây cần chú ý:

1. Thuốc an thần và thuốc ngủ

Những loại thuốc này khiến người dùng buồn ngủ vào ban đêm và có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung cũng như thời gian phản ứng của họ.

2. Thuốc chống lo âu

Loại thuốc này cũng có tác dụng gây ngủ, khiến ngươi dùng buồn ngủ vào ban ngày hoặc làm chậm thời gian phản ứng của họ.

3. Thuốc chống trầm cảm

Một số thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng hoặc giảm huyết áp, đặc biệt khi một người chuyển từ ngồi sang đứng, có thể xảy ra hiện tượng hạ huyết áp tư thế đứng và dễ bị té ngã.

4. Thuốc chống loạn thần

Nó ảnh hưởng đến sự phối hợp vận động của con người, khiến cơ bắp bị cứng và dáng đi không vững.

5. Thuốc điều trị bệnh tim

Các loại thuốc hạ huyết áp và điều trị rối loạn nhịp tim có thể gây chóng mặt và mất thăng bằng.

6. Thuốc giảm đau

Một số thuốc giảm đau, đặc biệt là thuốc giảm đau opioid, có thể khiến người dùng dễ buồn ngủ hơn và gây ra các vấn đề về thăng bằng.

7. Thuốc lợi tiểu

Đi tiểu thường xuyên có thể gây mất nước, làm huyết áp tụt xuống, từ đó làm tăng nguy cơ té ngã.

7 lời khuyên để ngăn ngừa té ngã

Việc té ngã có thể phòng ngừa được ở mức độ nhất định, ngoài việc dùng thuốc cẩn thận, người cao tuổi cũng nên chú ý những điều sau trong cuộc sống hàng ngày:

1, Thiết lập hoàn cảnh sống an toàn

Ví dụ, căn phòng nên sáng sủa, tránh ngưỡng cửa, dán các dải chống va chạm ở các cạnh và góc của đồ nội thất, tránh những đồ nội thất có bánh xe ở phía dưới, đặt thảm chống trượt trong phòng tắm và lắp tay vịn trên tường phòng tắm và nhà vệ sinh.



(Ảnh: AYDO8/ Shutterstock)

2, Hạn chế uống rượu

Sau khi uống rượu, khả năng phán đoán về khoảng cách và phối hợp cơ thể sẽ trở nên kém hơn, từ đó làm tăng nguy cơ té ngã.

3, Mang giày phù hợp

Giày cao gót, giày đế trượt, giày không vừa vặn đều làm tăng nguy cơ té ngã.

4, Chăm sóc thị giác và thính giác

5, Bổ sung canxi và vitamin D

Canxi không chỉ giúp xương chắc khỏe mà còn giúp cơ bắp, tim và dây thần kinh hoạt động tốt; vitamin D giúp hấp thụ canxi từ thực phẩm.

6, Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Nhiều người cao tuổi mắc bệnh mãn tính không hiểu rõ vấn đề sức khỏe của mình nên không thể kịp thời kiểm soát, điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ té ngã.

7, Luyện tập các bài tập tăng cường cơ bắp và rèn luyện khả năng giữ thăng bằng

Một nghiên cứu phân tích có hệ thống được công bố trên Cơ sở dữ liệu tổng quan hệ thống của Cochrane (Cochrane Database of Systematic Reviews) năm 2018 cho thấy, tập thể dục có thể làm giảm nguy cơ té ngã ở người cao tuổi.

Khí công và Thái cực quyền là những hình thức tập luyện hiệu quả. Tại Oregon, 670 người lớn tuổi bị ngã hoặc gặp vấn đề về di chuyển đã tham gia vào một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, theo một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí Y học của Hoa kỳ JAMA Internal Medicine. Những người cao tuổi đều từ 70 tuổi trở lên, được chia ngẫu nhiên thành ba nhóm – nhóm tập Thái cực quyền, nhóm giãn cơ và các nhóm tập thể dục khác nhau, họ thực hiện 60 phút tập thể dục 2 lần/ tuần trong 24 tuần. Kết quả cho thấy số lần té ngã ở người cao tuổi trong nhóm Thái cực quyền ít hơn 58% so với nhóm tập giãn cơ và ít hơn 31% so với nhóm tập các bài tập khác nhau.



Khí công và Thái cực quyền là những hình thức tập luyện hiệu quả và an toàn cho người cao tuổi. (Ảnh minh họa: Inside Creative House/ Shutterstock)



Ngọc Diệp/ Theo Epochtimes