Đổi tên thẻ ‘căn cước công dân’ thành ‘căn cước’: Vẫn sẽ đổi dù gây xáo trộn?




Việc đổi tên thẻ “căn cước công dân” thành “căn cước” vừa được Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Quốc hội công bố là phù hợp, không phát sinh chi phí dù có gây tâm lý cho rằng chính sách của Nhà nước thiếu ổn định.



Bộ Công an đề xuất bổ sung thông tin về mống mắt, ADN, giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước đối với người có tiền án, tiền sự… (Ảnh minh hoa: baochinhphu.vn)

Gây tâm lý cho rằng chính sách của Nhà nước thiếu ổn định

Sáng 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước. Luật Căn cước do Bộ Công an chủ trì soạn thảo nhằm sửa đổi, bổ sung cho luật Căn cước công dân năm 2014 đang có hiệu lực.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, ông Lê Tấn Tới – Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết có hai nhóm ý kiến đối với việc đổi tên luật và đổi tên thẻ.

Nhóm ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước và đổi tên thẻ thành thẻ Căn cước.

Nhóm này cho rằng việc đổi tên luật bao quát được các chính sách được đề xuất, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; thể hiện đúng bản chất của công tác quản lý căn cước; không tác động đến vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân; không tác động đến các luật khác.

Tương tự, việc đổi tên thẻ được cho là thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân, giúp phân biệt người này với người khác, xác định danh tính trong thực hiện giao dịch…; bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước.

Việc đổi tên thẻ không làm phát sinh chi phí vì thẻ căn cước công dân hiện tại vẫn còn giá trị sử dụng đến thời điểm đổi.

Hạn chế của việc đổi tên luật là tác động đến đại đa số công dân Việt Nam hiện đang được cấp và sử dụng thẻ căn cước công dân, gây tâm lý lo ngại sẽ phải thay đổi căn cước công dân, thay đổi các thủ tục hành chính sử dụng căn cước công dân, không bảo đảm sự ổn định của chính sách.

Tương tự, việc đổi tên thẻ được nhận định là sẽ gây tâm lý cho rằng chính sách của Nhà nước thiếu ổn định; đổi tên thẻ làm phát sinh thủ tục đổi thẻ và phát sinh chi phí đổi.

Ngoài ra, việc đổi tên thẻ phần nào dẫn đến xáo trộn khi thể hiện thông tin về căn cước/căn cước công dân trong các giấy tờ của công dân; chưa thể hiện tính chất cá thể hóa và không thể hiện địa vị pháp lý của người được cấp là công dân Việt Nam.

Nhóm ý kiến thứ hai là muốn giữ nguyên tên luật Luật Căn công dân và tên thẻ Căn cước công dân.

Ưu điểm của việc không đổi tên là giữ ổn định các quy định của pháp luật hiện hành, các loại giấy tờ, thủ tục hành chính, dân sự; thể hiện địa vị pháp lý là công dân Việt Nam.

Hạn chế là thể hiện không đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật này, chưa phù hợp, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

Tương tự, giữ nguyên tên thẻ thể hiện được người được cấp là công dân Việt Nam, khẳng định địa vị pháp lý ngay từ tên, không tác động tâm lý đối với một bộ phận người dân.

Hạn chế là không tương đồng về tên với thông lệ chung của thế giới, có thể dẫn đến không sử dụng được khi hội nhập quốc tế.

Theo ông Tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đa số ý kiến tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ Căn cước. Việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Bỏ vân tay trên thẻ để bảo mật, sửa “nơi thường trú” thành “nơi cư trú”

Dự thảo luật Căn cước đề xuất bỏ vân tay trên bề mặt thẻ (được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ) để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ; bỏ thông tin “quê quán”, sửa đổi “số thẻ căn cước công dân” thành “số định danh cá nhân”, “căn cước công dân” thành “thẻ căn cước”, “nơi thường trú” thành “nơi cư trú”, bổ sung “nơi đăng ký khai sinh”… để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc này nhằm bảo đảm tính chính xác về các thông tin của người dân trong xác thực, hạn chế việc phải cấp đổi Thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.

Việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ Căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Tuy nhiên, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, chỉnh sửa một số trường thông tin; bổ sung quy định cụ thể về thông tin được mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ Căn cước, bảo đảm phù hợp và khả thi.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030), việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước là rất cần thiết để khai thác, đối sánh, xác minh thông tin.

Dự thảo Luật Căn cước quy định chỉ cập nhật các trường thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, được sử dụng thường xuyên, cần có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong các trường thông tin quy định, có 7 trường thông tin bắt buộc người dân phải cung cấp gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Dân tộc; Quốc tịch.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý từ tháng 4/2023?

Nói về việc đổi tên luật Căn cước công dân hiện hành thành luật Căn cước, ông Tô Lâm cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc sửa đổi tên dự thảo luật do việc sử dụng cụm từ “căn cước công dân” đã phổ biến. Việc chỉ vì một nhóm nhỏ người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch mà phải thực hiện việc đổi tên luật và điều chỉnh nhiều vấn đề kèm theo là chưa phù hợp, gây tốn kém, lãng phí.

Có ý kiến đề nghị có thể quy định đối với vấn đề người gốc Việt Nam ở quy định chuyển tiếp của dự thảo luật, không cần phải đổi tên luật.

Ông Lâm cho hay việc chỉnh lý tên gọi của dự án luật từ “luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “luật Căn cước” là để bảo đảm tính bao quát, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật.

Ông Lâm nói thêm tại Thông báo số 2236 ngày 25/4 của Tổng thư ký Quốc hội về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với việc sửa tên luật như trên.

Theo tính toán của Bộ Công an, hiện có khoảng 40.000 người Việt Nam “không có bất kỳ loại giấy tờ nào để chứng minh họ là ai”; trong đó khoảng 32.000 người là gốc Việt Nam, sinh sống ổn định ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Nhóm người này được xác định là nhóm người di cư, cư trú không ổn định, là người dân tộc thiểu số, là trẻ em, người nghèo, người sinh sống tại vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa…

Nguyễn Quân