Đừng đợi mắc bệnh, hãy chú ý “3 điều cần tránh” này ngay từ bây giờ





Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy lối sống đóng vai trò then chốt, quyết định khoảng 60% sức khỏe và tuổi thọ của con người. Tiếp đến là yếu tố di truyền, yếu tố xã hội, điều kiện y tế và khí hậu.



Nắm trong tay sức khỏe chính là nắm lấy điều kiện cơ bản của một cuộc sống hạnh phúc. (Ảnh: SewCreamStudio/ Shutterstock)

Có thể thấy, trong số các yếu tố chính ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ con người thì lối sống đóng vai trò chủ đạo. Dưới đây là các lời khuyên hữu ích để giữ gìn sức khỏe dành cho bạn:

3 điều cần tránh làm vào buổi sáng

1. Tránh bật dậy ngay khi vừa tỉnh giấc

Đừng bật dậy ngay sau khi tỉnh giấc vào buổi sáng. Đặc biệt là người cao tuổi. Do đĩa đệm của người cao tuổi tương đối lỏng lẻo, nên việc chuyển đổi đột ngột từ tư thế nằm sang tư thế thẳng đứng không chỉ dễ bị bong gân vùng lưng dưới, mà còn có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Người cao tuổi bị huyết áp cao và bệnh tim có thể gặp tai nạn nếu thay đổi tư thế đột ngột.

Lời khuyên: Đầu tiên nằm trên giường 5 phút, duỗi người trên giường, duỗi chân tay và khớp, sau đó từ từ ngồi dậy.

2. Tránh bỏ bữa sáng

Vì bữa sáng cách bữa ăn cuối cùng của ngày hôm qua khoảng 10 tiếng, nên cơ thể cần được bổ sung thêm năng lượng kịp thời. Nếu mọi người nhịn ăn trong thời gian dài sẽ khiến huyết áp tăng cao vào buổi sáng. Nếu bạn không ăn sáng quanh năm chắc chắn sẽ dẫn đến rối loạn nội tiết tố liên quan.

3. Tránh tập luyện quá sớm vào buổi sáng

Người cao tuổi không nên tập thể dục quá sớm. Luyện tập quá sớm có thể gây ra bệnh tật, đặc biệt là vào mùa thu đông, khi nhiệt độ chênh lệch lớn. Nên đợi 1 tiếng sau khi mặt trời mọc rồi mới nên ra ngoài tập thể dục.

Cụ thể, người cao tuổi nên ra ngoài luyện tập trong nửa giờ đến 1 tiếng sau 8 – 9 giờ sáng hoặc 4 – 5 giờ chiều trước khi mặt trời lặn.

3 việc tránh vội làm sau bữa ăn

1. Tránh vội đi dạo ngay sau khi ăn xong

Tỷ lệ hạ huyết áp sau bữa ăn rất cao ở người cao tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, hệ thống thần kinh tự chủ bị tổn thương,…

Đừng vội luyện tập mạnh sau bữa ăn, bạn có thể giữ tư thế ngồi hoặc nửa nằm hoặc thực hiện các bài tập cường độ thấp ngắt quãng từ 20 đến 30 phút sau bữa ăn.

2. Tránh đi ngủ ngay sau bữa ăn

Cảm giác buồn ngủ sau bữa ăn là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, ngủ ngay sau bữa ăn dễ khiến nhu động dạ dày ruột hoạt động chậm lại, khiến thức ăn không được tiêu hóa và hấp thụ hết. Đặc biệt những bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản nặng thì trong vòng 2 giờ sau khi ăn không nên nằm.

3. Ăn xong đừng vội uống trà

Uống trà ngay sau bữa ăn không phải là thói quen tốt. Axit tannic trong trà sau khi đi vào đường tiêu hóa sẽ ức chế sự tiết dịch dạ dày và dịch ruột, gây khó tiêu.

Tốt nhất nên uống trà 1 tiếng sau bữa ăn.

3 việc tránh làm trước khi đi ngủ

1. Không nên ăn quá nhiều

Thông thường mọi người nên đi ngủ trước 11 giờ đêm. Thời gian ăn không nên muộn hơn 8 giờ tối, vì con người sẽ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, nhu động dạ dày giảm, thức ăn tồn dư nhiều sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ.

2. Không nên tập thể dục cường độ mạnh

Sau khi luyện tập, vỏ não rất hưng phấn. Loại hưng phấn này bình thường phải mất một thời gian mới dần dần ổn định, cho nên trong thời gian ngắn sẽ khó ngủ. Vì vậy, không nên tập thể dục trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ. Nếu có thể, tốt nhất bạn nên chuyển thời gian tập luyện sang ban ngày.

3. Không nên lướt điện thoại

Nếu bạn sử dụng điện thoại trên giường hơn 1 tiếng đồng hồ, ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại phát ra sẽ làm giảm tổng lượng melatonin do con người sản xuất khoảng 22%. Tác động trực tiếp là khiến bạn luôn trong tình trạng thiếu ngủ.

Vì vậy, khi sử dụng điện thoại vào ban đêm hãy cố gắng giảm độ sáng càng nhiều càng tốt và kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại, tốt nhất không quá 45 phút.

Sanh Ca, Vision Times