E&Y: Xung đột Israel-Hamas có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 2 nghìn tỷ USD






Các quốc gia trên khắp thế giới mới chỉ “thở phào” sau 3 năm đối mặt với cú sốc kinh tế do hậu quả của đại dịch COVID-19 cũng như cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine; lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm, giá dầu dần ổn định lại và thế giới dường như đã tránh được các cuộc suy thoái. Tuy nhiên giờ đây, một số tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư hàng đầu đã cảnh báo rằng sự phục hồi mong manh này có thể lại trở nên tồi tệ. Hôm thứ Tư (1/11), tờ New York Times (NYT) đã dẫn lời một chuyên gia tại tập đoàn kiểm toán Ernst & Young rằng nền kinh tế toàn cầu có khả năng thiệt hại 2 nghìn tỷ USD nếu xung đột giữa Israel và Hamas leo thang.

Ông Gregory Daco, chuyên gia kinh tế trưởng tại EY-Parthenon, bộ phận tư vấn chiến lược toàn cầu của Ernst & Young, nói với NYT rằng trong “kịch bản xấu nhất”, việc mở rộng hoạt động quân sự ở Trung Đông sẽ gây ra hậu quả “nghiêm trọng” cho nền kinh tế thế giới, chẳng hạn như một cuộc suy thoái ở mức độ vừa, cổ phiếu lao dốc và nền kinh tế thiệt hại khoảng 2 nghìn tỷ USD. Ông Daco dự đoán giá dầu có thể sẽ tăng lên 150 USD/thùng từ mức 85 USD ở hiện tại.

Tháng trước, Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) cảnh báo GDP toàn cầu có thể giảm 5% trong dài hạn nếu thế giới chia thành hai khối thương mại do xung đột leo thang giữa Israel và Hamas. WTO cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2023 xuống 0,8% so với mức 1,7% ước tính trước đó, với lý do sản xuất ngày càng chậm lại.

Ông Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, đã đề cập đến tác động của các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông đối với giá dầu và khí đốt: “Đây là lần đầu tiên chúng ta gặp phải 2 cú sốc năng lượng cùng một lúc.”

Việc tăng giá năng lượng không chỉ làm giảm sức mua của các gia đình và doanh nghiệp mà còn đẩy chi phí sản xuất lương thực lên cao, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Ai Cập, Pakistan và Sri Lanka.

Hiện tại, các quốc gia đang phải vật lộn với mức nợ cao bất thường, đầu tư tư nhân yếu kém và khả năng phục hồi thương mại chậm nhất trong 5 thập kỷ. Các mức lãi suất cao hơn, kết quả từ những nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát của ngân hàng trung ương, đã khiến chính phủ và các công ty tư nhân gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận tín dụng và ngăn tình trạng vỡ nợ.

Ông Gill nhận định: “Tất cả những điều này đang diễn ra cùng một lúc. Chúng ta đang ở tại một trong những giao điểm mong manh nhất của nền kinh tế thế giới.”

Đánh giá của ông Gill cũng giống với các nhà phân tích khác. Tháng trước, ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, cho biết: “Đây có thể là thời điểm nguy hiểm nhất mà thế giới từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ”, đồng thời mô tả cuộc xung đột ở Gaza là “vấn đề quan trọng nhất và có ảnh hưởng nhất đối với thế giới phương Tây”.

Những rắc rối kinh tế gần đây bị thúc đẩy bởi các xung đột địa chính trị ngày càng sâu sắc trải rộng khắp các châu lục. Giao tranh ở Trung Đông cũng như tình hình kinh tế căng thẳng cũng có thể khiến dòng người di cư đến châu Âu tăng lên. Liên minh châu Âu, vốn ở trên bờ vực suy thoái, đang trong quá trình đàm phán với Ai Cập về việc tăng viện trợ tài chính và kiểm soát tình trạng di cư.

Ông M. Ayhan Kose, nhà giám sát báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu hàng năm của Ngân hàng Thế giới, nhận định rằng điều gì đó “xảy ra tại Trung Đông sẽ không ở yên tại Trung Đông. Nó sẽ gây ảnh hưởng trên toàn cầu”.

Vy An (t/h)