Ấn vàng triều Minh Mạng mở đường “hồi hương” cổ vật Việt ở nước ngoài




Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” dự kiến trở về cố hương tháng 11/2023 sau hơn nửa thế kỷ chu du trên đất Pháp. Theo thông báo của cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền trong cuộc họp thường kỳ quý 3 của bộ Văn Hóa - Thể Thao & Du Lịch, “dự kiến cuối tháng 10 tất cả thủ tục pháp lý liên quan tới ấn vàng sẽ hoàn tất để có thể giao lại cho chúng ta”, các cơ quan liên quan ở Việt Nam “làm các thủ tục pháp lý để tiến hành đưa ấn vàng về nước”.



Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" triều Minh Mạng được một tỉ phú Việt Nam mua lại của nhà đấu giá Pháp Millon. © Capture d'écran


Số phận của ấn vàng cũng lênh đênh như chủ sở hữu quá cố - cựu hoàng Bảo Đại - đã thu hút sự mọi chú ý khi ấn vàng được giao độc quyền cho nhà đấu giá Pháp Millon vì gia đình chủ sở hữu không nhận được hồi âm về đề xuất thỏa thuận riêng với phía Việt Nam trước đó.

Ấn vàng được đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820-1841), nằm trong lô số 101 “Art du Vietnam” (Nghệ thuật của Việt Nam), được nhà đấu giá Millon thông báo trên trang web ngày 19/10/2022. Chưa đầy hai tuần sau, phía Việt Nam đã đàm phán thành công để hãng Millon tạm hoãn đấu giá và ngay cùng ngày 31/10, hãng ra thông cáo đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá trong ngày.

Đại sứ quán Việt Nam tại Paris và đại sứ quán Pháp tại Hà Nội đã hỗ trợ tích cực quá trình đàm phán này. Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 07/04/2023, đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho biết :

“Chúng tôi đã rất chú ý theo dõi quãng thời gian đàm phán hồi hương ấn vàng của vua Minh Mạng mà cựu hoàng Bảo Đại sở hữu. May là quãng thời gian này rất ngắn. Chúng tôi được thông báo về việc này rất sớm. Lúc đó, chúng tôi đã báo ngay cho Paris về thực chất của vấn đề, tiếp theo là kết nối chính quyền Việt Nam với nhà bán đấu giá để bên muốn có được ấn vàng có thể thỏa thuận mua và tránh bán công khai. Phải nhắc lại là đây là một cổ vật quý giá, đầy ý nghĩa lịch sử xúc động”.

Biểu tượng của một chế độ - minh chứng của một giai đoạn lịch sử Việt Nam

Theo sách Đại Nam thực lục của Quốc Sử quán triều Nguyễn, được trang Facebook Thông tin Chính phủ trích dẫn, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” “được đúc vào ngày Giáp Thìn, mùng 4 tháng Hai năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15/3/1823). Ấn có nuốm (quai) làm rồng cuốn 2 tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng 9 đồng 2 phân (khoảng 10,78 kg)”.

Nhưng ấn vàng Minh Mạng còn mang nhiều giá trị khác, theo giải thích của nhà báo - nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc khi trả lời RFI Tiếng Việt :

“Ngoài giá trị hiện kim của ấn vàng là một khối vàng ròng như vậy, có trọng lượng cụ thể như thế, chiếc ấn còn là một bằng chứng lịch sử gắn với triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam tồn tại hơn một thế kỷ, tính từ năm 1802 cho đến năm 1945. Đồng thời, bản thân chiếc ấn cũng gắn với một sự kiện lịch sử được coi là trọng đại. Đó là khi chế độ phong kiến kết thúc sứ mệnh của mình ở Việt Nam với việc hoàng đế Bảo Đại cáo chung và trao lại cho chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chiếc ấn và biểu hiện cho sự chấm dứt quyền lực của vương triều.

Tiếp theo còn có những câu chuyện có thể nói là rất ly kỳ sau này, khi số phận của ấn trôi nổi như thế cho đến việc đem ra đấu giá, rồi chuyện thương thảo của phía Việt Nam để đến ngày hôm nay được coi như là đưa trở về cố quốc. Tôi cho điều đó tạo nên những giá trị cho chiếc ấn đó. Vì thế, tôi nghĩ nó không chỉ là một chiếc ấn vàng, không chỉ là gắn liền với một chế độ, mà gắn liền với cả một giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam”.


Biểu tượng của triều Nguyễn trôi dạt sang Pháp

Kim bảo tỷ của hoàng đế Minh Mạng (1791-1841) được nhà đấu giá Millon giới thiệu trên trang web là có đế đúp vuông chồng lên nhau, hình rồng cuộn tròn, có 5 móng bám chặt, phần đầu nhô lên có khắc chữ 王 (Vương), đuôi dựng thẳng phía sau đầu, thân cuốn theo hình xoắn ốc với một phần nhô lên để tô điểm cho thân đầy vảy, đầu tua tủa sừng để lộ mõm sư tử và răng nanh. Bốn chân bám chắc, mỗi chân có 5 móng. Dưới đế khắc 4 chữ Hán : 皇帝之寶 (Hoàng Đế chi bảo).

Trong cuốn hồi ký Le Dragon d’Annam (Con rồng An Nam, NXB Plon, 1980, tr. 43), cựu hoàng Bảo Đại viết : “Thời Minh Mạng đánh dấu đỉnh cao của nhà Nguyễn. Đó là thời kỳ thịnh vượng nhất của đất nước. Tiếp nối công việc của cha, vua Minh Mạng cho đắp đê, làm đường, xây cầu, đào kênh, chỉnh trang thành thị, phát triển hải cảng. Ngoài ra, hoàng đế hoàn thành bộ luật do vua Gia Long thực hiện và đặt ra các quy tắc về nghi thức, từ đó trở đi, sẽ chi phối triều đình và tất cả những gì liên quan đến công việc tổ chức hoàng gia. Trong tất cả những công việc đó, vua Minh Mạng cho thấy trí tuệ tuyệt vời”.

Kim bửu tỷ, Kim bảo tỷ hay Kim tỷ là các ấn hiếm nhất, quan trọng nhất và được làm bằng vàng ròng. Dưới thời Minh Mạng, khoảng 15 ấn bằng ngọc và bằng vàng được đúc, trong đó có ấn "Hoàng đế chi bảo". Sau đó, ấn vàng này trở thành biểu tượng của sự chuyển giao quyền lực. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết :

“Người ta đều biết rằng chiếc ấn này có thể đại diện cho triều đại phong kiến Việt Nam cuối cùng là triều Nguyễn và đã được đích thân hoàng đế Bảo Đại giao lại cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Huế ngày 30/08/1945. Sau đó, ấn vàng được giới thiệu rộng rãi với công chúng trong ngày Lễ Độc lập 02/09/1945.

Người ta cũng được biết rằng chiếc ấn này đã bị thất lạc trong quá trình chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ vào cuối tháng 12/1946. Có người nói rằng bởi vì các nhà lãnh đạo cho rằng chiến sự bùng nổ ở Hà Nội sẽ chỉ ngắn thôi, cho nên đã định chôn cất lại ở ngoại ô thành phố. Sau đó khi cuộc kháng chiến trở nên lâu dài, người Pháp trở lại Hà Nội và trong một chuyến rà soát, họ phát hiện ra.

Tất cả các bằng chứng đều cho thấy rằng có một buổi lễ mà phía Pháp coi là một thắng lợi khi thu hồi được ấn đó và trao lại cho Bảo Đại, lúc đó trở thành quốc trưởng, có nghĩa là người đứng đầu chính quyền thân Pháp trong cuộc chiến ở Việt Nam. Cuối cùng chính quyền Bảo Đại cũng đổ năm 1955, ông lưu vong ra nước ngoài và có lẽ chiếc ấn cũng theo ông ra nước ngoài”.


Trong thời gian sống ở Pháp, cựu hoàng Bảo Đại ly hôn hoàng hậu Nam Phương và sống không dư giả. Năm 1972, ông làm quen bà Monique Baudot, người sau này trở thành vợ ông và tự phong là hoàng phi Vĩnh Thụy. Sau khi cựu hoàng Bảo Đại qua đời năm 1997, hoàng phi xưng là hoàng hậu Thái Phương. Bà tiếp tục chăm sóc mộ phần của người chồng quá cố cho đến khi bà qua đời năm 2021. Khối tài sản mà vua Bảo Đại để lại cho người vợ Pháp đã được chia cho những người thừa kế.



Thông báo đạt được thỏa thuận mua ấn vàng Minh Mạng trên trang web của nhà đấu giá Millon, ngày 18/11/2022. © Capture d'écran

Tình trạng “chảy máu” báu vật do những biến cố lịch sử

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, không chỉ có ấn vàng mà khá nhiều báu vật của Việt Nam bị thất thoát ở nước ngoài qua nhiều biến cố lịch sử.

“Có những thất thoát trực tiếp trong biến cố ấy. Ví dụ người ta hay nhắc đến vụ người Pháp tấn công vào kinh đô Huế năm 1885 và sự cướp bóc kho tàng của triều đình Huế thì cũng chẳng khác gì chuyện xảy ra ở Trung Quốc, của liên quân Bắc Quốc đối với triều đại nhà Thanh. Cho nên số lượng báu vật ra nước ngoài là bao nhiêu, thì có thể nói đến bây giờ cũng chưa ai biết cụ thể cả.

Điểm thứ hai là những biến cố lịch sử khiến cho một bộ phận cư dân phải rời tổ quốc ra đi. Họ cũng mang theo rất nhiều báu vật, cũng giống như thời kỳ Minh-Thanh, rất nhiều người Trung Quốc đi ra hải ngoại mang theo những gia bảo, cũng như những đồ vật có giá trị quốc gia. Tiếp theo phải kể đến những biến cố chính trị khác thời kỳ Pháp, Nhật, kể cả thời kỳ chiến tranh Mỹ ở Việt Nam. Có thể nói lưu dân Việt Nam tản cư cũng đã mang theo rất nhiều. Chỉ có điều bây giờ không biết là bao nhiêu và ở đâu. Bên cạnh đó còn có những công viện của những cơ quan nghiên cứu, như Viễn Đông Bác Cổ hay những bảo tàng lớn ở Pháp, cũng lưu giữ một số hiện vật trong quá trình khai quật, nghiên cứu”.


Nhà nước và tư nhân cùng nhau bảo tồn di sản

Khi thông báo hủy bán đấu giá trên trang web, hãng Millon cho biết là đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Việt Nam. Còn báo chí trong nước đưa tin ông Nguyễn Thế Hồng, nhà sưu tập tư nhân ở Bắc Ninh, đã ký với nhà đấu giá Millon hôm 13/01/2023 tại Pháp hợp đồng mua ấn vàng với giá 6,1 triệu euro, cao hơn gấp 2-3 lần giá thẩm định ban đầu là 2-3 triệu euro. Nhà tỉ phú chi kinh phí để đàm phán và hồi hương ấn vàng, dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam.

Sự kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân để hồi hương cổ vật được nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá có ý nghĩa quan trọng, là một dấu hiệu tích cực cho việc bảo tồn di sản, lịch sử Việt Nam :

“Câu chuyện liên quan đến việc đưa ấn “Hoàng đế chi bảo” về, lần đầu tiên có được sự phối hợp giữa Nhà nước, trực tiếp là cơ quan quản lý văn hóa của Nhà nước, với các cơ quan có trách nhiệm chuyên môn, các chuyên gia cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội, ví dụ dòng tộc Nguyễn ở Huế, hay là những cơ quan, hội đoàn liên quan đến vấn đề bảo tồn di sản. Và cuối cùng là có nhà đầu tư sẵn sàng đứng ra làm việc này với tư cách cá nhân.

Tôi cho đó là một dấu hiệu tích cực, một dấu hiệu tốt, bởi vì rất nhiều lần, chúng ta đã không đạt được việc tham gia các cuộc đấu thầu, chỉ vì những vấn đề liên quan đến pháp lý, chính sách, liên quan đến việc kết hợp với nhau, bởi vì việc này liên quan đến thời gian và tiền bạc.

Còn trong chừng mực nào đó, tôi cho rằng sự hợp tác của Nhà nước với những cá nhân đã được mở ra từ Luật Di sản. Trong luật này, lần đầu tiên chúng ta tôn trọng những quyền sở hữu cá nhân đối với cổ vật, tất nhiên sẽ trừ ràng buộc về một số chế tài nhất định, nhưng về căn bản là ủng hộ. Ngay cả việc xây dựng những bộ sưu tập hoặc mở bảo tàng đều đã được quy định trong pháp luật. Và xu thế xã hội hóa, tức là dùng nguồn lực trong dân, để thực hiện việc này, cũng đã có. Cho nên tôi cho đó là cơ sơ pháp lý thuận lợi cho việc triển khai. Gần đây chẳng hạn, một số món được xếp vào đẳng cấp cao nhất trong hệ thống bảo vật quốc gia nằm trong bộ sưu tập tư nhân”.


Một khó khăn cần khắc phục là phải nắm được số lượng báu vật nằm ở nước ngoài để có thể thương lượng, đàm phán, mua lại trước khi bị mang đấu giá vì thường sẽ có chi phí cao hơn và khả năng rơi vào tay các nhà sưu tập nước ngoài. Đây là điểm nhà sử học Dương Trung Quốc lấy làm tiếc :

“Thực tế là người Việt Nam không kiểm soát được, cho nên bỏ lỡ khá nhiều cơ hội, ví dụ gần đây là chuyện bán đấu giá tranh của vua Hàm Nghi, hoặc ở Trung Quốc có bán đấu giá tranh về đức Trần Nhân Tông từ thời kỳ nhà Hồ. Phải nói đó là sự thực mà giới quản lý văn hóa Việt Nam, các nhà văn hóa và kể cả cá nhân tôi, người quan tâm đến di sản văn hóa quốc gia, cũng đều hết sức băn khoăn”.

Thành công trong việc hồi hương ấn vàng triều Minh Mạng có thể là kinh nghiệm hữu ích sau này vào lúc Việt Nam muốn khẳng định “bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế”, theo ghi nhận của trang Thông tin Chính phủ Việt Nam.

Mộ vua Bảo Đại và vợ tại nghĩa trang Passy ở quận 16 Paris, Pháp, ngày 01/05/2023.

Mộ vua Bảo Đại và vợ tại nghĩa trang Passy ở quận 16 Paris, Pháp, ngày 01/05/2023. © RFI / Thu Hằng

Thu Hằng