Các bộ trưởng Cuba tiết lộ tình trạng thiếu lương thực và xăng dầu trong khủng hoảng kinh tế




Những tuần qua, giới chức cấp cao Cuba đang lộ ra tình cảnh ngày càng nghiêm trọng của khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Hồi đầu tháng này, Đại hội đồng LHQ đã có nghị quyết kêu gọi Mỹ dỡ bỏ cấm vận nhằm vào Cuba.



Từ thời Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower (trái) và Chủ tịch Cuba Fidel Castro (phải), từ năm 1958 của thế kỷ trước, Mỹ đã triển khai chính sách cấm vận với Cuba. (Ảnh ghép từ nguồn Wikipedia)

Reuters đưa tin hôm 22/11, các bộ trưởng Cuba xuất hiện trên các chương trình truyền hình giờ vàng nói về tình trạng kinh tế khủng hoảng bước sang năm thứ tư của hòn đảo vốn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu: Lượng ngoại hối ở mức thấp nhất khi lượng sản xuất giảm mạnh.

Cuba nhập khẩu phần lớn thực phẩm và chất đốt mà nước này tiêu thụ. Những mặt hàng này đã giảm mạnh sau đại dịch, đặc biệt bị cản trở bởi chính sách cấm vận và các lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây đứng đầu bởi Mỹ trong rất nhiều thập kỷ qua. Hoạt động du lịch, vốn từng là nguồn thu lớn cho hòn đảo vùng Caribe này, hiện cũng đang gặp khó khăn.

Hồi đầu tháng này, trong phiên họp lần thứ 31, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã kêu gọi Mỹ chấm dứt chính sách cấm vận diễn ra suốt từ thời Chiến tranh Lạnh của thế kỷ trước và kéo dài nhất trong lịch sử hiện đại cho đến nay nhắm vào Cuba, trong khi quốc đảo này giờ đã lâm vào cảnh khủng hoảng lương thực, chất đốt, và thuốc men. Nghị quyết được 187 nước bỏ phiếu thuận, duy nhất Mỹ cùng Israel bỏ chiếu phản đối, và Ukraine bỏ phiếu trắng, cũng theo Reuters đưa tin. Nghị quyết của Đại hội đồng không có tính bắt buộc phải thực hành, nhưng có ý nghĩa về thể hiện ý chí của quốc tế.

Hiện nay, nguồn cung dược phẩm và vận tải đã giảm ít nhất 50% kể từ năm 2018, và còn tiếp tục giảm trong năm nay do tình trạng thường xuyên thiếu chất đốt xăng dầu và mất điện, theo các quan chức hàng đầu Cuba tuyên bố.

“Các bộ trưởng đã cung cấp thông tin mới cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng và mức tăng trưởng trong năm nay là rất đáng nghi ngờ,” theo nhà kinh tế Cuba Omar Everleny.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ydael Jesus Perez cho hay sản lượng thịt lợn, gạo và đậu —tất cả đều là những mặt hàng thiết yếu của Cuba— giảm hơn 80% trong năm nay so với mức trước khủng hoảng, và trứng giảm 50%.

“Chỉ có thể mua được 40% nhiên liệu, 4% phân bón và 20% thức ăn chăn nuôi cần thiết,” bộ trưởng tuyên bố.

Theo số liệu được chia sẻ trên truyền hình nhà nước trong bài thuyết trình của Thứ trưởng Bộ Y tế Tania Margarita Cruz, các bệnh viện đang thiếu các vật tư, kể cả các vật tư cơ bản như chỉ khâu, bông và gạc. Bệnh viện Cuba đã thực hiện ít hơn 30% số ca phẫu thuật so với năm 2019. Gần 68% dược phẩm cơ bản không có sẵn hoặc thiếu hụt.

Giao thông công cộng, vốn rất quan trọng ở một quốc gia có ít phương tiện giao thông tư nhân, cũng đang gặp khó khăn do thiếu chất đốt và khó khăn trong việc tìm kiếm phụ tùng thay thế.

Nếu so sánh với thời ân nhân Liên Xô chưa bị tan rã cũng do kinh tế sụp đổ và bị phương Tây cấm vận, bấy giờ Cuba “có 2.500 xe buýt hoạt động ở thủ đô Havana… thì ngày nay chỉ còn 300 chiếc, trong khi có 600 chiếc vào 4 năm trước,” Bộ trưởng Giao thông Vận tải Eduardo Rodríguez Davila cho hay.

Các bộ trưởng tiết lộ lưu lượng vận chuyển hàng hóa nội địa tiếp tục giảm và chỉ bằng một nửa so với năm 2019. Ngành công nghiệp đang hoạt động với 35% công suất.

Chính phủ Cuba thừa nhận nền kinh tế nhà nước buộc phải có biện pháp. Họ nói chính quyền địa phương, ngày càng chịu áp lực khi các vấn đề và căng thẳng gia tăng, đã đưa ra các chương trình nhằm hạn chế nạn đói, xây nhà và cải thiện luồng giao thông, nhưng vẫn gặp khó khăn do thiếu vốn.

Nhật Tân