Việt Nam: Bệnh nhân ung thư ngày càng tăng và trẻ hóa




Việt Nam hàng năm có hơn 182.000 ca mới và hơn 122.000 ca tử vong do ung thư, gây nhiều áp lực lên lĩnh vực phòng chống ung thư, gây quá tải cho các cơ sở điều trị.



Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang điều trị cho một bệnh nhân ung thư. (Ảnh: bachmai.gov.vn)

Tại Hội thảo thường niên về phòng chống ung thư TP.HCM lần thứ 26 vào hôm 7/12, TS.BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư tại Việt Nam tiếp tục tăng theo xu hướng chung của thế giới.

Ước tính toàn cầu có khoảng 19,3 triệu ca mới và 9,9 triệu ca tử vong do ung thư vào năm 2020, trong khi năm 2012 chỉ 14 triệu ca mới và 8,2 triệu ca tử vong, theo Globocan – Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế.

Theo bác sĩ Dũng, tại Việt Nam, hàng năm có hơn 182.000 ca mới và hơn 122.000 ca tử vong do ung thư. Hơn 350.000 bệnh nhân đang sống chung với căn bệnh này. Bình quân cứ 100.000 người Việt có 159 ca được chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 trường hợp tử vong. Tỷ suất mắc mới của Việt Nam xếp thứ 91, tỷ suất tử vong xếp 50 trên tổng cộng 185 nước, ngày càng tăng nhanh trên bảng xếp hạng toàn cầu.

Tại TP.HCM, khuynh hướng một số bệnh nhân ung thư như vú, đại tràng có độ tuổi trẻ hơn và một số loại ung thư có tỷ lệ mắc tăng như giáp, dạ dày, tiền liệt tuyến.

Về tác nhân gây ung thư, bác sĩ Dũng cho hay nguyên nhân là do tuổi thọ tăng, sự già hóa dân số, môi trường sống thay đổi, ô nhiễm không khí, nước, các thói quen như rượu bia, thuốc lá điện tử, ăn uống, sinh hoạt không điều độ. Ngoài ra, ngày nay y học phát triển, nhiều phương tiện chẩn đoán, phát hiện ung thư sớm, nên nhiều người được phát hiện bệnh.

Bên cạnh đó, một trong những lý do khiến số ca mắc mới tăng là do tác động của COVID-19, khiến việc quản lý, phục vụ liên quan đến chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư giảm 50% ở tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tại châu Âu, trong hai năm đại dịch, ước tính khoảng một triệu ca thoát khỏi chẩn đoán, từ đó làm suy giảm kết quả điều trị và nhất là giảm số lượng nghiên cứu về bệnh. Mỹ cũng giảm hàng chục triệu test tầm soát và chẩn đoán ung thư.

PGS Bùi Diệu, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nói các loại ung thư ngày càng trẻ hóa để lại những hậu quả nặng nề cho toàn xã hội.

Theo PGS Bùi Diệu, phòng chống ung thư đang là thách thức không nhỏ đối với ngành y tế trong chăm sóc sức khỏe cho gần 100 triệu người dân trên cả nước.

Trong số hơn 182.000 ca mắc mới hiện một số loại ung thư phổ biến đang gặp ở cả hai giới gồm ung thư gan, phổi, tiêu hóa và ung thư vú (ở nữ giới) đang gây nhiều áp lực lên lĩnh vực phòng chống ung thư, gây quá tải cho các cơ sở điều trị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị ngành y tế cần đẩy mạnh các biện pháp phòng bệnh, cung cấp thông tin về ung thư để người dân hiểu và đi khám, tầm soát, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị cần không ngừng tiếp nhận công nghệ cao của quốc tế trong chẩn đoán, điều trị ung thư đồng thời đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới để nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh…

Việt Nam là quốc gia xếp thứ 36 trong tổng 177 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao nhất trên toàn cầu. Theo thống kê của IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới), nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam vượt quá 4,9 lần so với mức độ không khí đảm bảo.

Đáng chú ý, sáng ngày 8/12/2023, IQAir xếp thủ đô Hà Nội ô nhiễm không khí đứng đầu thế giới với chỉ số AQI trung bình 200 đơn vị.

IQAir đánh giá bụi mịn (PM2.5) tại Hà Nội hiện cao gấp 30 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Ngoài bụi mịn, Việt Nam còn đang đối diện với ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm tiếng ồn…

Minh Long