Số liệu xuất nhập khẩu không chính xác che đậy tình hình kinh tế tồi tệ của Trung Quốc





Các tàu container Cosco Pride (trái) và Xin Lian Yun Gang của tập đoàn vận tải Cosco được dỡ hàng tại Bến container Tollerort, ở cảng Hamburg, Đức, vào ngày 26/10/2022. (Ảnh: Axel Heimken / AFP qua Getty Images)
Số liệu xuất nhập khẩu mới được Bắc Kinh công bố chứa đầy sai sót. Điều này có lẽ cũng không bất ngờ, vì Trung Quốc đang muốn làm giảm nhẹ mức độ trầm trọng của sự suy yếu về kinh tế. Thêm một lần nữa, người ta phải chú ý tới việc giả mạo số liệu thống kê của Bắc Kinh.

Cơ quan hải quan Trung Quốc đã công bố một báo cáo xuất nhập khẩu trong tháng này với nhiều sai sót trong các dữ liệu quan trọng. Các chuyên gia tài chính cho rằng những sai sót này không phải do sơ suất mà rất có thể là một chiến thuật có chủ ý của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm làm giảm nhẹ tình hình ngày càng tồi tệ của kinh tế Trung Quốc.


Tổng cục Hải quan tuyên bố vào ngày 7/12 rằng xuất nhập khẩu của Trung Quốc “không thay đổi” trong 11 tháng đầu năm nay, báo cáo rằng tháng 11 năm 2023 chứng kiến thặng dư thương mại là 68,39 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

The Epoch Times nhận thấy dữ liệu đưa ra không hợp lý. Theo tính toán, thặng dư thương mại không những không tăng mà còn giảm 2,1%, dựa trên mức thặng dư thương mại 69,84 tỷ USD của Trung Quốc trong tháng 11/2022.

Cơ quan hải quan của ĐCSTQ cũng cho biết, tính theo đồng USD, tổng giá trị xuất nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm nay là 5,41 nghìn tỷ USD, “giảm 5,6%” và thặng dư thương mại đạt 748,13 tỷ USD, “ giảm 2,7%” so với năm ngoái.

Tuy nhiên, dựa trên thặng dư thương mại 802.044,1 triệu USD trong cùng kỳ năm 2022, mức sụt giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 11 có thể được tính ra là 6,7%, cao hơn nhiều so với con số chính thức. Tương tự, tổng giá trị xuất nhập khẩu trong năm nay, so với 5,78 nghìn tỷ USD vào năm 2022, thực tế đã giảm 6,4% chứ không phải con số được công bố chính thức là “5,6%”.

Một số con số quan trọng khác cũng bị tính toán sai, làm giảm nhẹ sự sụt giảm trong ngoại thương. Chẳng hạn, trong 11 tháng đầu năm, thặng dư thương mại của Trung Quốc với ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), Liên minh châu Âu và Mỹ lần lượt giảm 15,2%, 21,9% và 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Hải quan Trung Quốc đã hạ thấp các con số này xuống còn 1,7%, 16,7% và 11,6%.



Biểu đồ so sánh thặng dư thương mại của Trung Quốc. Đường nằm ngang: lần lượt là ASEAN, Mỹ, EU. Cột màu xanh đậm: thặng dư thương mại tháng 1 đến tháng 11 năm 2022 (tính theo cột bên trái). Cột màu xanh nhạt: thặng dư tháng 1 đến tháng 11 năm 2023. Đường màu xanh lá cây: chênh lệch thặng dư theo tính toán (tính theo cột bên phải). Đường màu đỏ: chênh lệch do hải quan Trung Quốc công bố. (Ảnh: The Epoch Times)

Nhà bình luận tài chính Zhang Jinglun làm việc tại Mỹ nói với The Epoch Times vào ngày 11/12 rằng việc cơ quan hải quan của ĐCSTQ tính toán sai dữ liệu thương mại như ”một trò đùa”, trong điều kiện có các máy tính và phần mềm tính toán thông minh ngày nay. Những sai sót như vậy cung cấp thêm bằng chứng cho sự chỉ trích rộng rãi rằng số liệu thống kê của ĐCSTQ luôn là giả mạo.

Mặt khác, “ngay cả khi chính quyền ĐCSTQ thay đổi trái phép dữ liệu, điều đó cũng không đủ để che đậy sự sụt giảm trong ngoại thương của Trung Quốc”, ông Zhang nói và cho biết thêm rằng thặng dư thương mại của Trung Quốc đã thay đổi mạnh khi mà phần còn lại của thế giới đang xa lánh Trung Quốc.

Thặng dư thương mại xấu đi

Thặng dư thương mại của Trung Quốc đã giảm trong nhiều tháng. Sau khi giảm 30,8% so với cùng kỳ trong tháng 10, thặng dư thương mại tiếp tục giảm 2,1% trong tháng 11, thể hiện qua sự suy yếu trong hoạt động thương mại với các nước khác.

Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm mạnh trong năm nay và thặng dư thương mại của nước này với châu Âu và Mỹ cũng giảm mạnh. Đồng thời, thặng dư thương mại của nước này với các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á cũng giảm mạnh.

Báo cáo hải quan của ĐCSTQ không nêu rõ dữ liệu thương mại đối với từng quốc gia.



Các container hàng hóa xếp chồng lên nhau tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 9/5/2022. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

The Epoch Times tính toán rằng thặng dư thương mại của Trung Quốc với Việt Nam giảm 34,7%, thặng dư thương mại với Philippines giảm 32,6% và thặng dư thương mại với Singapore giảm 17,9%.

Ngoài ra, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Liên minh châu Âu đã giảm 31,3% trong tháng 11, trong đó Pháp giảm 30,3%, Ý 46,1% và Hà Lan 23,7%. Đặc biệt, thâm hụt thương mại với Đức tăng 301% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thâm hụt thương mại của Trung Quốc với Canada tăng thêm 9,8% trong tháng 11 và tăng tới 97,9% từ tháng 1 đến tháng 11.

Thâm hụt thương mại của Trung Quốc với Úc trong tháng 11 tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi thâm hụt với Mỹ Latinh tăng 622,8%, bao gồm mức tăng 51,9% với Brazil. Thâm hụt thương mại của nước này với Nam Phi tăng 305%.

Ông Zhang cho biết triển vọng ngoại thương của Trung Quốc vào năm 2023 tồi tệ hơn nhiều so với năm 2022, đặc biệt là trong nửa cuối năm. Ông cho biết thu nhập ngoại hối dự kiến sẽ giảm nghiêm trọng.

Tác động đến kinh tế

Theo ông Zhang, sự sụt giảm đáng kể và kéo dài trong thặng dư thương mại của Trung Quốc sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế nước này, điều có thể, chẳng hạn, dẫn đến suy giảm sản xuất và tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Ông Zhang cho biết: “Trung Quốc là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu và chỉ khi xuất khẩu kiếm được tiền thì các ngành công nghiệp ở thượng nguồn và hạ nguồn mới được thúc đẩy và tỷ lệ việc làm mới tăng lên”. Ông nói thêm rằng, năm nay, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên tại một số vùng vượt quá 50 phần trăm, một tỷ lệ "có liên quan đến sự sụt giảm thặng dư thương mại".



Một nhân viên đếm tiền CNY (nhân dân tệ) và USD tại một ngân hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 22/7/2005. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Nhấn mạnh tác động của ngoại thương đối với đồng CNY (nhân dân tệ), ông Lin Hong (hóa danh), một chuyên gia tài chính kỳ cựu ở Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng thặng dư thương mại là nguồn dự trữ ngoại hối chính và những thay đổi về lượng gia tăng dự kiến đối với nguồn tiền từ nước ngoài có liên quan trực tiếp đến sự ổn định của tỷ giá đồng CNY. Đến lượt mình, điều này sẽ có tác động đến giá tài sản niêm yết bằng đồng CNY.

Ông Lin nói: “Nếu giá trị của đồng tiền Trung Quốc không ổn định, các nhà giao dịch sẽ chuyển nó sang USD hoặc EUR (đồng euro) mặc dù nó [giao dịch] được thanh toán bằng đồng CNY của Trung Quốc ở một số quốc gia” – điều mà ĐCSTQ lo ngại.

Ông Lin cho biết, trong bối cảnh các nước phát triển đang rút khỏi Trung Quốc một cách đáng kể, việc ĐCSTQ tiếp tục đầu tư vào Vành đai và Con đường sẽ dẫn đến một dòng vốn chảy ra ròng trong vài năm tới, ảnh hưởng đến giá trị của đồng CNY.

Ông nói thêm rằng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các quốc gia liên quan đến sáng kiến Vành đai và Con đường – một chiến lược ngoại giao bành trướng thông qua phát triển cơ sở hạ tầng – đã lên tới gần 300 tỷ USD trong thập kỷ qua.

Vào ngày 8/12, tờ Wall Street Journal đưa tin các nhà đầu tư đã rút 12 tỷ USD khỏi Trung Quốc trong quý III năm nay (tháng 7 đến tháng 9) theo bộ phận Chiến lược đầu tư toàn cầu của Bank of America.

Giả mạo thống kê kinh tế là căn bệnh của Trung Quốc

Giả mạo số liệu thống kê kinh tế vốn là căn bệnh của Trung Quốc. Chuyên gia Ichiro Suzuki, thành viên nhóm cố vấn tại Trung tâm quản lý tài sản Mayo tại Trường Kinh doanh Darden, Đại học Virginia, đã có bài viết phân tích về vấn đề này. Bài bình luận có tựa đề “Cái giá của giả mạo thống kê”, đăng ngày 15/11, trên The Epoch Times.

Theo ông Ichiro Suzuki, số liệu thống kê kinh tế của Trung Quốc không thể được coi là chính xác mà không cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Điều này đã được các nhà kinh tế và nhà đầu tư hiểu rõ trong nhiều năm. Đất nước này luôn cố gắng làm cho nó trông đẹp hơn thực tế, báo cáo những con số ít nhiều bị thổi phồng.

Người ta nói rằng con số tiêu thụ điện đại diện tốt hơn tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc hơn là tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Các con số điện khó giả mạo hơn tốc độ tăng trưởng và do đó, người ta tin rằng nó gần với sự thật hơn.

Xu hướng làm cho bản thân trông đẹp hơn này là do sự kết hợp của nhiều yếu tố: khát vọng, mặc cảm tự ti, kiêu ngạo, lòng tự hào dân tộc, cái tôi lớn, v.v. Giới lãnh đạo Bắc Kinh nghĩ rằng Trung Quốc phải tốt hơn thực tế hiện nay. Nếu không, họ sẽ khó áp đặt ý chí của mình lên các nước khác, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Xu hướng này dường như đã gia tăng trong 10 năm qua, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo, kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào. Ông Tập Cận Bình có tinh thần dân tộc chủ nghĩa hơn rất nhiều so với những người tiền nhiệm trong vài thập kỷ qua, và ông rất khó chấp nhận việc bộc lộ mặt tiêu cực của Trung Quốc với thế giới.

Việc công bố những số liệu kinh tế quan trọng sẽ bị trì hoãn nếu chúng được cho là làm tổn hại đến quan điểm của ông Tập Cận Bình, và những con số này giờ đây thậm chí còn ít đáng tin hơn so với những con số trước đây. Không ai có thể đoán được có bao nhiêu sai lệch giữa quy mô chính thức của nền kinh tế Trung Quốc ở mức 17,7 nghìn tỷ USD và tình hình thực tế (bất kể nó là như thế nào), khi ta nhận định rằng các con số tăng trưởng được báo cáo đã bị thổi phồng trong nhiều năm.

Điều tương tự cũng đúng với các số liệu thống kê khác, chẳng hạn như số liệu do các tổ chức quốc tế cung cấp. Tỷ lệ sinh và các con số liên quan đến nhân khẩu học khác cũng bị nhiều người nghi ngờ. Theo Liên Hợp Quốc, tỷ lệ sinh của Trung Quốc ở mức 1,2, đây vốn đã thấp hơn mức 1,3 của Nhật Bản. Khả năng nó thấp hơn 1,2 là có cơ sở, khi xem xét các yếu tố đặc biệt gây áp lực lên nhân khẩu học ở Trung Quốc: số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới, trong đó nam giới bị ràng buộc bởi "nghĩa vụ" phải mua nhà trước khi kết hôn. Trên hết, những phụ nữ có học vấn đang tận hưởng sự nghiệp của mình mà không quan tâm đến việc "hạ mình kết hôn" với những người đàn ông học ở trường kém hơn và kiếm được ít tiền hơn. Tất nhiên, rất khó để đưa ra dự đoán chính xác nhất dựa trên dữ liệu không rõ ràng được cung cấp chính thức.



Những người phụ nữ ngồi trên băng ghế với con của họ trên đường phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/9/2012. (Ảnh: Wang Zhao/AFP/Getty Images)

Nghiêm trọng hơn, số lượng các khoản nợ xấu chính thức (NPL) chắc chắn thấp hơn so với thực tế hiện nay và trong tương lai. (Số liệu này thấp hơn trong khi phần lớn những số liệu khác lại cao hơn.) NPL là những con quái vật không ngừng gia tăng khi nền kinh tế hoạt động kém hơn kỳ vọng.

Mức tăng trưởng dưới mức trung bình tiếp tục tạo ra các khoản vay mới không được trả đúng hạn khi người đi vay gặp khó khăn trong bối cảnh môi trường kinh tế đầy thách thức. Nền kinh tế càng khó khăn lâu hơn thì quy mô nợ xấu càng lớn. Không chính phủ nào dám ước tính về những khoản nợ xấu lớn đến kinh hoàng cho đến khi bị buộc phải làm vậy, và Trung Quốc cũng không ngoại lệ.

Mong muốn mãnh liệt của Trung Quốc nhằm làm cho mọi việc trông tốt đẹp hơn gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp nợ xấu, chính phủ luôn chậm chân trong việc đối phó với những khoản nợ xấu ngày càng gia tăng và điều này trở thành trở ngại cho việc khôi phục sức khỏe của nền kinh tế.

Về tăng trưởng kinh tế, dữ liệu giả mạo dẫn đến công suất của nền kinh tế có xu hướng trở nên quá lớn. Công suất quá lớn luôn là vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc kể từ thập kỷ trước, khi tốc độ tăng trưởng của nước này bắt đầu giảm tốc rõ rệt. Điều này dẫn đến đòn bẩy vận hành [quy mô của chi phí cố định] cao làm tổn hại đến lợi nhuận của nền kinh tế. Công suất dư thừa cũng có xu hướng gây áp lực giảm giá do thị trường tràn ngập những người bán muốn bán phá giá sản phẩm của họ với bất cứ giá nào.



Nhân viên làm việc trên dây chuyền lắp ráp sản xuất loa tại một nhà máy ở Phụ Dương, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc, vào ngày 30/6/2023. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Môi trường lợi nhuận yếu là công thức tạo ra các khoản nợ xấu lớn hơn, từ đó khiến các nhà hoạch định chính sách choáng váng. Ham muốn giả mạo số liệu thống kê sẽ làm tăng khoảng cách cung/cầu, do đó gây tổn hại cho nền kinh tế. Một giải pháp mà ông Tập Cận Bình đưa ra để thu hẹp khoảng cách đó là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Từ một góc độ nào đó, BRI được coi là một chính sách xuất khẩu vật liệu và công nhân xây dựng dư thừa, và nó không được coi là có tác dụng thúc đẩy việc làm địa phương ở các quốc gia nhận viện trợ.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc của ông Tập Cận Bình, có một thứ luôn nói lên sự thật, thách thức nhà cai trị chuyên quyền: thị trường chứng khoán. Số liệu thống kê kinh tế có thể bị làm giả. Thị trường ngoại hối và trái phiếu có thể bị thao túng ở một mức độ nhất định. (Ví dụ, Ngân hàng Nhật Bản là bậc thầy thao túng thị trường trái phiếu.) Tuy nhiên, thị trường chứng khoán không thể bị khuất phục trước ý muốn của người cai trị.

Ông Tập Cận Bình chắc hẳn đang ước rằng đất nước của ông không có một thị trường không ngần ngại đưa ra những tin xấu cũng như tin tốt. Có vẻ như ông ấy chỉ đơn giản là lờ đi thị trường này, ông Ichiro Suzuki kết luận.

Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị thế giới cô lập

Mới đây, một đoạn video của nhà kinh tế học nổi tiếng người Trung Quốc Gelong, phân tích tình hình kinh tế hiện nay ở Trung Quốc, đã được lan truyền trên cộng đồng mạng Trung Quốc. Trong video này, ông Gelong đã thảo luận về hiện tượng "ba số 0" trong lưu thông kinh tế đối ngoại của Trung Quốc và kêu gọi công chúng "hết sức cảnh giác" về điều này.

Video này xuất phát từ kênh truyền thông cá nhân “Nói chuyện chứng khoán, nói tiền bạc, nói chuyện trời đất” của ông Gelong. Trong tập này, ngay từ đầu, ông Gelong đã thẳng thắn chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể thực sự trở thành một “nền kinh tế hòn đảo” (bị cô lập) và buộc phải theo đuổi “lưu thông nội bộ”, bởi vì một số dữ liệu quan trọng trong “lưu thông bên ngoài” về cơ bản hiện nay đã “trở về số 0” ở Trung Quốc.

Vị tiến sĩ tài chính đã thảo luận về ba khía cạnh sau đây trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, những thứ đang có xu hướng "trở về số 0":

Đầu tiên, lượng khách nước ngoài tới Trung Quốc đang giảm về 0.

Ông Gelong cho biết trong quý đầu tiên của năm 2019 trước khi đại dịch Covid bùng phát trên diện rộng, hơn 3,7 triệu người đã đến Trung Quốc từ nước ngoài; tuy nhiên, con số trong quý I năm 2023 chỉ là 52.000 người và số liệu này chưa bằng một phần nhỏ so với năm 2019, giảm 98,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số 52.000 khách du lịch nội địa, 56% đến từ Hong Kong và 22% đến từ Ma Cao. Điều này có nghĩa là chỉ có khoảng 10.000 “người nước ngoài” thực sự đến từ các nước khác.



Hành khách đi bộ trong Sân bay Quốc tế Hong Kong vào ngày 6/7/2023. (Ảnh: ISAAC LAWRENCE/AFP qua Getty Images)

Ông cho rằng đây là điều “cực kỳ khó tưởng tượng” đối với một quốc gia có diện tích đất liền lớn thứ ba thế giới. Người nước ngoài không còn đến Trung Quốc, điều đó không chỉ có nghĩa là chuỗi ngành du lịch inbound đã sụp đổ mà còn có nghĩa là Trung Quốc có thể rơi trở lại tình trạng bị phong tỏa, không ai quan tâm hoặc ít người quan tâm, giống như họ đã từng bị vào những năm 1970. “Điều khác biệt là lần này không phải chúng ta [người Trung Quốc] không cho người khác đến mà là người khác tự họ không đến”.

Ông nói: “Chúng ta thường lo lắng về việc vốn đầu tư nước ngoài rút đi. Thực tế, điều triệt để hơn việc rút vốn đầu tư nước ngoài là các khách hàng nước ngoài đã không còn đến nữa. Họ đã đến Mexico, Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia".

Thứ 2, lượng chuyến bay đang giảm về 0.

Trước đại dịch, mỗi tháng có hơn 3.800 chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ, trung bình hơn 100 chuyến mỗi ngày. Hiện chỉ có 4 đến 6 chuyến bay thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ mỗi ngày, “về cơ bản là con số 0”.

Ông Gelong đặc biệt chỉ ra: Trong 70 năm qua, 70% tổng thặng dư ngoại thương của Trung Quốc đến từ Mỹ. Bạn có thể nghĩ mà xem, trong một môi trường không có chiến tranh hay dịch bệnh, mỗi ngày chỉ có 4 đến 6 chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ. Nó có nghĩa là gì?



Cờ Mỹ và Trung Quốc. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP qua Getty Images)

Thứ 3, tiền đang giảm về 0.

Năm 2023, chỉ có 8 quỹ ngoại tệ được huy động ở Trung Quốc; so với 114 vào cùng kỳ năm trước; và 792 trong cùng kỳ năm trước nữa. Trong nửa đầu năm 2023, các quỹ đầu tư tư nhân tập trung vào Trung Quốc chỉ huy động được 1,4 tỷ USD. So với gần 50 tỷ USD nửa đầu năm 2021, số liệu này cũng “cơ bản tiệm cận con số 0”.

Ông Gelong kết luận rằng: dòng người, hậu cần và vốn là ba yếu tố cốt lõi của phát triển kinh tế. Nguyên nhân chính xác khiến các dữ liệu quan trọng nói trên “giảm về 0” cần được phân tích rõ ràng. Nếu nó là do đại dịch gây ra thì vẫn còn cơ hội sửa chữa, điều chỉnh; nhưng nếu nguyên nhân là do chiến tranh thương mại và xích mích chính trị thì có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua “xu hướng đảo chiều cơ cấu dài hạn”, và đó thực sự có thể là vấn đề của một thế hệ. "Gánh nặng là không thể chịu đựng nổi".

Cuối cùng, ông nhấn mạnh một lần nữa: Trung Quốc là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ toàn cầu hóa trong vài thập kỷ qua, và hơn 60% năng lực sản xuất của Trung Quốc là để phục vụ thị trường bên ngoài. Nếu Trung Quốc đi theo con đường cô lập bên trong và bên ngoài, nền kinh tế Trung Quốc một lần nữa trở thành “nền kinh tế hòn đảo” thì hậu quả sẽ rất thảm khốc. Nếu không thể thực hiện được những thay đổi cơ bản, “chúng ta [người Trung Quốc] sẽ phải gánh chịu những tổn thất lớn khó có thể bù đắp được”.

Bảo Nguyên tổng hợp