Nhiều giám đốc tài chính tại Trung Quốc tự tử hoặc đột ngột qua đời






Một nhân viên của chi nhánh Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đếm tiền khi phục vụ khách hàng tại Khu Thương mại Tự do Thí điểm Trung Quốc (Thượng Hải) trong chuyến thăm của truyền thông vào ngày 24/9/2014 tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP qua Getty Images)

Kinh tế rối ren, Bắc Kinh đang thanh lọc hệ thống tài chính khi các biện pháp giải cứu chưa đem lại hiệu quả. Các tin tức cho thấy nhiều giám đốc tài chính đã tự tử hoặc đột ngột qua đời.

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục thanh lọc hệ thống tài chính của mình, truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây tiết lộ rằng một số giám đốc ngân hàng đã tự tử hoặc đột ngột qua đời.

Theo chính quyền huyện Anh Sơn, tỉnh Hồ Bắc, ông Wang Shengyong, chủ tịch Ngân hàng Làng sông Dương Tử trong huyện, đã chết vì ngộ độc khí carbon monoxide vào ngày 5/12, thọ 54 tuổi. Thông tin cho rằng ông Wang đã tự sát sau khi lợi dụng chức vụ của mình để lừa gạt số tiền 40 triệu CNY (nhân dân tệ) (khoảng 5,6 triệu USD) từ người gửi tiền dưới chiêu bài huy động vốn.

Theo truyền thông chính thức đưa tin, ông Du Haitao, phó tổng giám đốc công ty Quản lý tài sản Credit Suisse - ICBC (Ngân hàng Công thương Trung Quốc), qua đời vì cơn đau tim vào ngày 13/12 ở tuổi 49. Ông Du sinh năm 1974, Du là phó tổng giám đốc của Công ty TNHH Quản lý tài sản Credit Suisse - ICBC và chủ tịch của Công ty TNHH Quản lý tài sản Credit Suisse - ICBC (Quốc tế).



Khách hàng rời khỏi chi nhánh Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP/Getty Images)

Vào ngày 10/12, ông Gong Danzhi, chủ tịch chi nhánh Thiên Tân của Ngân hàng Hoa Hạ, đã ngã từ trên cao và tử vong. Đồn cảnh sát địa phương đã xác nhận thông tin này.

Dựa trên thông tin doanh nghiệp, ông Gong Danzhi được bổ nhiệm làm chủ tịch chi nhánh Thiên Tân của Ngân hàng Hoa Hạ vào tháng 11/2020. Trước đó, ông là phó chủ tịch chi nhánh Bắc Kinh và chủ tịch chi nhánh trung tâm thứ cấp đô thị Bắc Kinh.

Được thành lập vào tháng 10/1992 và niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải vào tháng 9/2003, Ngân hàng Hoa Hạ là ngân hàng niêm yết cấp quốc gia thứ năm của Trung Quốc, với 44 chi nhánh cấp một trên toàn quốc và hơn 40.000 nhân viên. Tập đoàn Thủ Cương (Shougang), một doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Hoa Hạ, với tỷ lệ sở hữu 21,68%.

Trong Top 1000 ngân hàng thế giới năm 2019 của The Banker, Ngân hàng Hoa Hạ được xếp hạng thứ 56 về vốn cấp 1 và thứ 67 về quy mô tài sản. Trong Danh sách Forbes Toàn cầu 2000 (2019), Ngân hàng Hoa Hạ được xếp hạng thứ 265.

Tuy nhiên, vào năm 2023, Ngân hàng Hoa Hạ gặp hàng loạt biến cố và bị phạt hàng chục triệu CNY.

Vào ngày 20/12, Chi nhánh Giám sát Thái Châu của Cục Quản lý Tài chính Quốc gia đã ban hành mức phạt 300.000 CNY (khoảng 42.000 USD) đối với chi nhánh Thái Châu của Ngân hàng Hoa Hạ.

Vào ngày 26/9, chi nhánh Hạ Môn của Ngân hàng Hoa Hạ đã bị phạt 2,8 triệu CNY (khoảng 391.700 USD).

Vào ngày 14/8, chi nhánh Nam Xương của Ngân hàng Hoa Hạ đã bị phạt 1,985 triệu CNY (khoảng 277.700 USD).

Vào ngày 3/7,, một số chi nhánh và chi nhánh phụ của Ngân hàng Hoa Hạ đã phải chịu mức phạt là 2 triệu CNY (khoảng 279.800 USD) vì vi phạm luật pháp và quy định.

Vào ngày 30/6, Ngân hàng Hoa Hạ đã bị phạt tổng cộng 1,45 triệu CNY (khoảng 202.900 USD) với 5 khoản tiền phạt vì một số vi phạm tín dụng.

Vào ngày 2/6, chi nhánh Dinh Khẩu của Ngân hàng Hoa Hạ đã bị phạt 700.000 CNY (khoảng 97.900 USD).

Vào ngày 19/4, chi nhánh Thiệu Hưng của Ngân hàng Hoa Hạ đã bị phạt 950.000 CNY (khoảng 132.900 USD).

Tự sát khi bị ‘thất sủng'

Vào năm 2023, ít nhất 96 giám đốc tài chính đã bị “thất sủng” và 38 người đã bị điều tra tại 5 ngân hàng quốc doanh lớn.

“Việc chủ tịch ngân hàng tự sát cho thấy [chính quyền] trung ương không còn chịu trách nhiệm nữa. Bất cứ ai cho vay tiền đều phải chịu trách nhiệm”, Wang Donglan (hóa danh), cựu phó chủ tịch một ngân hàng ở tỉnh Sơn Đông, nói với The Epoch Times vào ngày 20/12.

“Trước đây, doanh nghiệp được khuyến khích vận hành bằng nợ. Một số doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn nhưng thông qua mối liên hệ giữa các cá nhân, họ vẫn có được vốn vay”.



Một nhân viên đếm tờ 100 nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 23/7/2018. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

“Không ai hỏi về điều đó trong nhiều năm đến như vậy. Giờ đây kiểm tra cuối năm phải có người chịu trách nhiệm, chủ tịch ngân hàng có thể không lo lắng sao? Số tiền nào được cho vay mà không có chữ ký của các chủ tịch? Lựa chọn tự sát có thể cứu được gia đình hoặc tài sản của họ”.

Vào ngày 4/5, Ngân hàng Bắc Kinh đưa ra thông báo rằng ông Lin Hua, giám đốc độc lập của công ty, qua đời ở tuổi 47 vì bệnh tật.

Ông Lin sinh năm 1975 có lý lịch khá ấn tượng. Là nhà phân tích tài chính được cấp bằng (CFA) và nhà quản lý rủi ro tài chính, ông có bằng MBA tại Đại học California, Irvine và bằng Tiến sĩ về khoa học tài chính ứng dụng tại Đại học Geneva. Ông gia nhập hội đồng quản trị của Ngân hàng Bắc Kinh vào tháng 7/2022 và là giám đốc độc lập của ngân hàng.

Theo thông tin công khai, ông Lin là chủ tịch của Công ty TNHH Công nghệ chức năng Hoa Thành Bắc Kinh. Ông cũng là thành viên ban biên tập tạp chí Kế toán tài chính, phó giám đốc điều hành Ủy ban chuyên môn chứng khoán hóa tài sản của Hiệp hội quản lý tài sản bảo hiểm Trung Quốc, thành viên Ủy ban cố vấn chuẩn mực kế toán doanh nghiệp của Bộ Tài chính, giám đốc độc lập không điều hành của công ty Quản lý tài sản đất đai thương nhân Trung Quốc (China Merchants Land Asset Management), và là thành viên Ủy ban Thường vụ Ủy ban thứ mười lăm của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tại quận Đông Thành, Bắc Kinh, cùng các chức danh khác.



Một sĩ quan cảnh sát đứng gác trước phiên bế mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 10/3/2022 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Tính đến ngày 7/12, chính quyền ĐCSTQ báo cáo rằng ít nhất 96 cán bộ của hệ thống tài chính đã bị điều tra. Trong đó, có 8 cán bộ trực thuộc trung ương, 71 cán bộ ở các cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước, phòng ban tài chính và 17 cán bộ thuộc chính quyền tỉnh. Vào năm 2022, số người bị điều tra trong hệ thống tài chính là 77 người. Vì số liệu của ĐCSTQ từ lâu vẫn luôn bị nghi ngờ nên con số thực có thể cao hơn.

“Nhiều quản lý cấp trung và cấp cao ở nhiều phòng ban hiện đã qua đời vì đột tử hoặc bệnh tim”, Wang Donglan nói. “Có đủ loại thảo luận trên mạng [về vấn đề này], từ tử vong do bệnh tật đến tác dụng phụ của vaccine”.

Giải cứu kinh tế bất thành, Bắc Kinh quay sang đổ lỗi

Trong khi những nỗ lực giải cứu nền kinh tế chưa cho thấy nhiều hiệu quả, dường như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng đổ lỗi bằng cách trấn áp các quan chức khác nhau của chính quyền trong các cuộc điều tra tham nhũng mở rộng.

Nhà bình luận chính trị Trung Quốc Lý Lâm Nhất (Li Linyi) ở New York nói với The Epoch Times vào ngày 10/12 rằng nếu cuối cùng cuộc khủng hoảng kinh tế Trung Quốc nổ ra, ĐCSTQ rất có thể sẽ cố gắng đổ lỗi cho ông Lý Khắc Cường và phe cánh của ông Lý trong chính quyền.

Sau Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ, Ủy ban Tài chính Trung ương được thành lập vào tháng 3 năm nay, hiện do Thủ tướng Lý Cường lãnh đạo và Phó Thủ tướng Hà Lập Phong làm giám đốc văn phòng. Ông Lý Cường và ông Hà Lập Phong đều là những người bạn thân tín đáng tin cậy của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Lý Lâm Nhất nói: “Bây giờ, những người nắm quyền lực đáng kể trong lĩnh vực tài chính của ĐCSTQ là những người được lãnh đạo đảng tin tưởng”. Ông Lý tiếp tục: “Những quan chức bị thanh trừng gần đây là những người được ông Lý Khắc Cường bổ nhiệm trong nhiệm kỳ Thủ tướng của ông. Đây là một dấu hiệu rõ ràng”.

Theo ông Lý Lâm Nhất, cái chết đột ngột của ông Lý Khắc Cường vào ngày 27/10 ở tuổi 68, chỉ nửa năm sau khi từ chức Thủ tướng, đã đặt ra nhiều dấu hỏi về việc ông Lý thực sự qua đời như thế nào.



Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Lý Khắc Cường phát biểu trong chuyến thăm công trường xây dựng cây cầu nối bán đảo Peljesac của Croatia với phần còn lại của bờ biển và đất liền Croatia vào ngày 11/4/2019. (Ảnh: Elvis Barukcic/AFP qua Getty Images)

Quy trách nhiệm cho những ông trùm cho vay ngang hàng P2P

Gần đây, những ông trùm cho vay ngang hàng P2P ở Trung Quốc đã phải chịu những bán án nặng nề. Tuy nhiên, họ cũng chỉ là đối tượng để Bắc Kinh đổ trách nhiệm. Cho dù tài sản của những ông trùm bị tịch thu, nhưng những tài sản đó lại bị Bắc Kinh chiếm đoạt trong khi người bị hại không được bồi thường tổn thất.

Liu Yanlin (hóa danh), một chuyên gia tài chính ở Trung Quốc, nói với Đài truyền hình NTD tiếng Trung rằng ĐCSTQ trước đây đã quảng bá cho nền tảng P2P, đồng thời tạo điều kiện cho việc đóng gói và bán các khoản nợ xấu cho nền tảng P2P.

“Sau đó, chính quyền ĐCSTQ đã ngầm cho phép các nền tảng P2P đóng gói các khoản nợ xấu này và bán chúng cho các nhà đầu tư nhỏ không hiểu biết. Tiền đầu tư [được các nền tảng huy động] cuối cùng đã đến tay các ngân hàng và cuộc khủng hoảng tài chính đã được chuyển sang người dân Trung Quốc”.

Ông Đường Tịnh Viễn nói: “Đổ hết trách nhiệm lên người đứng đầu các nền tảng cho vay trực tuyến [là một động thái] có động cơ chính trị hơn là có ý nghĩa kinh tế khi mà ĐCSTQ không thể tìm ra lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế”.



Những người thỉnh nguyện được cảnh sát và nhân viên an ninh hộ tống ra khỏi công viên trước khi bị đưa lên xe buýt và chở đi ở Bắc Kinh vào ngày 6/8/2018. - Hàng trăm cảnh sát đã tràn ra các đường phố của khu tài chính Bắc Kinh vào ngày 6/8 khi chính quyền Trung Quốc mạnh tay dập tắt một cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch liên quan tới những tổn thất do các nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) gây ra. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)

Nỗ lực giải cứu thị trường thiếu hiệu quả

Cho đến này, mặc dù ĐCSTQ đã thực hiện nhiều nỗ lực giải cứu thị trường nhưng chúng vẫn không mang lại kết quả đáng chú ý.

Vào ngày 28/8, thuế trước bạ đối với các giao dịch chứng khoán đã giảm một nửa. Tốc độ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đã chậm lại. Yêu cầu ký quỹ đối với việc mua ký quỹ của nhà đầu tư đã giảm từ 100% xuống 80% và các quy định khác được áp dụng đối với việc giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông.

Vào ngày 14/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngân hàng trung ương Trung Quốc, đã công bố giảm 0,25 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tài chính.

Vào ngày 11/10, các ngân hàng thuộc “Big Four” của Trung Quốc đã tăng lượng nắm giữ cổ phiếu của chính họ và công bố kế hoạch tiếp tục làm như vậy trong 6 tháng tới.

Ngoài các chính sách kích thích, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo vào ngày 2/11 về việc tích cực tham gia “giám sát chặt chẽ” trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính và các lĩnh vực khác. Lời cảnh báo đặc biệt nhắm vào bốn nhóm người. Họ là những người dự đoán về việc "rút ruột" nền kinh tế Trung Quốc, những người đã thực hiện hành động rút tiền khỏi Trung Quốc, những người nói và thúc đẩy ý tưởng chuyển vốn ra khỏi Trung Quốc, và những người đang làm cạn kiệt nền kinh tế Trung Quốc từ bên trong.

Bộ An ninh Quốc gia gần đây tiếp tục can thiệp vào lĩnh vực kinh tế. Sáng ngày 15/12, tài khoản công khai WeChat của Bộ An ninh Quốc gia đã đăng bài viết “Các cơ quan An ninh Quốc gia kiên quyết xây dựng hàng rào an ninh kinh tế mạnh mẽ”, nâng những phát biểu thể hiện thái độ bi quan về nền kinh tế lên thành vấn đề an ninh quốc gia.

Trong bài viết, Bộ An ninh Quốc gia cho rằng nhiều "lời nói rập khuôn" nhằm bôi nhọ nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục xuất hiện, dựng nên "bẫy diễn ngôn" "bẫy nhận thức" về "sự suy tàn của Trung Quốc". Bài viết tóm tắt một số nhận xét "nói xấu nền kinh tế Trung Quốc", bao gồm cáo buộc chính quyền "thay thế phát triển bằng an ninh", "xua đuổi đầu tư nước ngoài" và "đàn áp các doanh nghiệp tư nhân". Bộ An ninh Quốc gia đe dọa "đàn áp và trừng phạt" "những người có động cơ ẩn giấu". Có thể thấy, Bắc Kinh dường như đang tìm mọi biện pháp, thậm chí tới mức cực đoan để vực dậy nền kinh tế Trung Quốc.



Cảnh sát bán quân sự đứng gác phía nam Đại lễ đường Nhân dân trước phiên khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 5/3/2023. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)

Rủi ro cho các bên tham gia giải cứu

Những nỗ lực của Bắc Kinh không cho thấy nhiều hiệu quả. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc tham gia giải cứu thị trường đã rơi vào tình thế khó khăn.

Vào ngày 29/11, các công ty bảo hiểm lớn thuộc sở hữu nhà nước China Life Insurance và New China Life Insurance cùng tuyên bố thành lập quỹ đầu tư chứng khoán cổ phần tư nhân trị giá 50 tỷ CNY (7 tỷ USD). Quỹ không chỉ có quy mô lớn mà thời hạn của nó là "10+N" năm, nghĩa là nó có thể được gia hạn sau 10 năm đầu tiên tùy theo hoàn cảnh. Hai ông lớn bảo hiểm nhấn mạnh đây là dự án quan trọng, phù hợp với các chính sách liên quan, tối ưu hóa danh mục bảo hiểm nhân thọ.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã ca ngợi sự hợp tác này như một sự khuyến khích cho việc thâm nhập vốn dài hạn vào thị trường, hỗ trợ sự phát triển ổn định của thị trường vốn và đóng vai trò là "chất ổn định" trong nền kinh tế.

Chỉ hơn một tuần sau, cổ phiếu của cả hai công ty bảo hiểm niêm yết tại Hong Kong đều chạm mức thấp nhất trong năm vào ngày 8/12.

Vào ngày 9/11, Reuters đưa tin chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu Tập đoàn Bảo hiểm Ping An của Trung Quốc chiếm cổ phần kiểm soát tại Country Garden để đối phó với khó khăn tài chính của Country Garden. Tin tức này làm thị trường lo ngại, khiến giá cổ phiếu của Ping An giảm hơn 5%.

Bảo hiểm Ping An đã đưa ra tuyên bố khẩn cấp phủ nhận bài báo, nói rằng họ chưa bao giờ nhận được bất kỳ yêu cầu nào như vậy từ chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, Reuters vẫn giữ nguyên bài báo của mình, trích dẫn 4 nguồn tin cho rằng chính quyền thực sự đã đưa ra yêu cầu như vậy.

Giá cổ phiếu của Ping An tiếp tục giảm sau đó.



Trụ sở chính của nhà phát triển Trung Quốc Country Garden Holdings tại Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc, vào ngày 15/6/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Vào cuối tháng 11, thông tin từ Bloomberg và truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc đang soạn thảo một "danh sách trắng" các nhà phát triển bất động sản, yêu cầu các tổ chức tài chính và ngân hàng hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản trong danh sách này bằng cách cung cấp các khoản vay và các công cụ cứu trợ khác. Theo thông tin, 50 công ty bất động sản nhà nước và tư nhân nằm trong danh sách trắng gồm các doanh nghiệp như Vanke, Xincheng Development và Longfor Group.

Động thái này giống như tìm cách đổ trách nhiệm giải cứu bất động sản lên các ngân hàng, trong khi chính các ngân hàng cũng đang phải vật lộn với các khó khăn.

Bảo Nguyên tổng hợp