Tìm thấy lượng lớn vũ khí Trung Quốc ở dải Gaza, cho thấy vai trò của ĐCSTQ





Binh sĩ Israel kiểm tra đạn dược bị bỏ lại bên trong kibbutz Kfar Aza trên biên giới với Dải Gaza vào ngày 15/10/2023, nơi có ít nhất 100 người được cho là đã bị phiến quân Hamas giết chết vào tuần trước. (Ảnh của MENAHEM KAHANA/AFP qua Getty Images)

Từ cuộc chiến Nga - Ukraine đến xung đột Israel - Hamas, cộng đồng quốc tế luôn cảm thấy rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đứng đằng sau. Vài ngày trước, quân đội Israel tuyên bố rằng một lượng đáng kể vũ khí mà họ thu giữ gần đây ở Dải Gaza được sản xuất tại Trung Quốc. Vai trò của ĐCSTQ trong cuộc xung đột Israel - Hamas một lần nữa lộ rõ.

Theo thông tin của kênh truyền hình N12 của Israel vào ngày 30/12 năm ngoái, Lực lượng Phòng vệ Israel tuyên bố rằng một "lượng lớn" vũ khí do Trung Quốc sản xuất đã được tìm thấy ở Gaza. Các loại vũ khí này đã bị thu giữ từ các phần tử Hamas trong các hoạt động tăng cường trên bộ và trên không của quân đội Israel.

Giới lãnh đạo chính trị của Israel được cho là đã xem mẫu vũ khí bị thu giữ nhưng chưa tiết lộ loại cụ thể hoặc số lượng chính xác.

Thông tin cho biết những vũ khí do Trung Quốc sản xuất này có số lượng rất lớn và không thể vận chuyển bằng tàu chở hàng. Chúng hẳn đã được đưa vào Gaza thông qua một "quy trình vận chuyển có tổ chức" chứ không phải thông qua hoạt động buôn lậu đặc biệt.

Làm thế nào những vũ khí này rơi vào tay Hamas? Bà Carice Witte, một chuyên gia về quan hệ Israel - Trung Quốc, cho rằng khó có khả năng Hamas mua chúng trực tiếp từ Bắc Kinh mà thông qua các nước Trung Đông khác.

Bà Witte nói với tờ The Jerusalem Post của Israel rằng ĐCSTQ có một ngành công nghiệp vũ khí rộng khắp và chắc chắn họ sẽ bán cho các nước Trung Đông, nhưng cuối cùng sẽ rơi vào tay các tổ chức khủng bố Palestine. “Mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nước Trung Đông được nhiều người biết đến, ngay cả những nước chịu lệnh trừng phạt của phương Tây”.

Bà Witte cho rằng Israel phải xác minh vấn đề này với chính quyền Trung Quốc.

Hamas đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel vào ngày 7/10 năm ngoái, khiến ít nhất 1.100 người thiệt mạng và bắt khoảng 250 thường dân và binh sĩ Israel làm con tin. Israel thề sẽ tiêu diệt Hamas. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh chưa bao giờ lên án các vụ tấn công khủng bố của Hamas, mà thay vào đó có thái độ mơ hồ trước hành động phản công của Israel.

Các lãnh đạo cấp cao của Hamas trước đây đã đích thân thừa nhận rằng tổ chức này có quan hệ chặt chẽ với ĐCSTQ.

Vào ngày 2/11/2023, phương tiện truyền thông Lebanon Spot Shot Video đã công bố video phỏng vấn quan chức cấp cao của Hamas là Ali Baraka trên kênh YouTube của mình. Baraka là người đứng đầu quan hệ nước ngoài của Hamas ở Lebanon.

Ông Baraka nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa Hamas với Trung Quốc và Nga. Ông nói: "Nga liên lạc với chúng tôi hàng ngày. Trung Quốc đã cử phái viên đến Doha (thủ đô của Qatar), và cả Trung Quốc và Nga đều đã gặp gỡ các lãnh đạo Hamas, chúng tôi sẽ sớm cử một phái đoàn khác đến thăm Bắc Kinh".

Ông Baraka nêu tên những nước ủng hộ Hamas trong cuộc phỏng vấn, bao gồm Triều Tiên, Iran, Nga và Trung Quốc. Ông mạnh dạn tuyên bố rằng tất cả kẻ thù của Mỹ đều đang đàm phán và ngày càng xích lại gần nhau hơn. "Có thể một ngày nào đó họ sẽ cùng nhau tham chiến và làm nên lịch sử nước Mỹ".

Vào ngày 19/10, ông Trác Trạch Tuấn (Zhai Jun), đặc phái viên của Trung Quốc về vấn đề Trung Đông, đã đến thăm Doha. Truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã đưa tin, ông Trác Tuyển đã gặp Ngoại trưởng Qatar và trao đổi quan điểm về tình hình giữa Israel và Palestine, nhưng bài báo không đề cập đến cuộc gặp của ông Trác với lãnh đạo Hamas.

Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả pháp lý và nhà bình luận thời sự sống ở Úc, cũng tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài vào tháng 10 rằng người lên kế hoạch chính cho cuộc đột kích của Hamas có quan hệ chặt chẽ với ĐCSTQ.

Ông Viên cho rằng Hamas và Mohammed Deif - người lên kế hoạch chính cho cuộc tấn công vào Israel, là tổ chức và nhân vật chính trị mà Ban Liên lạc Đối ngoại của ĐCSTQ chủ yếu liên hệ.

Ông Viên cho biết, theo một người có lương tri trong hệ thống ĐCSTQ tiết lộ, Hamas đã có thể chịu đựng được hai năm và chuẩn bị cho cuộc đột kích lớn này vào Israel bởi vì Deif đã chấp nhận cái gọi là chiến lược mạo hiểm vận may và thử thách sự táo bạo của mình.

Ông Viên cũng cho biết, ĐCSTQ đã cung cấp cho Hamas công nghệ tên lửa, công nghệ thiết bị liên lạc Huawei, công nghệ điều khiển từ xa máy bay không người lái, v.v. thông qua Iran, đây là những yếu tố then chốt giúp Hamas tăng đáng kể sức mạnh chiến đấu trong thời gian ngắn.

Deif gia nhập Hamas vào năm 1987 và đã lên kế hoạch cho nhiều vụ đánh bom liều chết nhằm vào Israel. Ông ta là tội phạm bị quân đội Israel truy nã gắt gao nhất kể từ năm 1995. Deif trở thành người đứng đầu Lữ đoàn Qassam, một nhánh của Hamas, vào năm 2002.

Các nguồn tin thân cận với Hamas tiết lộ, quyết định tấn công Israel là do Deif và thủ lĩnh Gaza Hamas Yehya Sinwar cùng đưa ra.

Ngoài ra, mạng lưới đường hầm rộng lớn của Gaza cũng bị nghi ngờ được xây dựng với sự giúp đỡ của Trung Quốc. Mạng lưới ngầm của Gaza ước tính bao gồm 1.300 đường hầm với tổng chiều dài khoảng 500 km, một số trong đó sâu tới 70m dưới lòng đất.

Ông Ngô Tử Gia, chủ tịch tờ My Formosa của Đài Loan, cho biết trong một chương trình truyền hình vào tháng 11 rằng cấu trúc đường hầm của Hamas rất phức tạp và đầy đủ chức năng, điều này không thể có được nếu chỉ dựa vào công nghệ của Hamas. Chắc chắn ĐCSTQ đã giúp đỡ xây dựng.

Ông Ngô Tử Gia đưa ra ba lý do: ĐCSTQ có kinh nghiệm chiến đấu với “chiến tranh đường hầm”; đội công binh của ĐCSTQ là “số một thế giới” về kỹ thuật ngầm; nhiều lối thoát hiểm trong đường hầm của Hamas nằm ở bệnh viện và thậm chí cả các khu vui chơi dành cho trẻ em, đều dựa trên kinh nghiệm của ĐCSTQ về “chiến thuật biển người”“sử dụng người dân làm lá chắn sống”.

Ngoài việc bị nghi ngờ ủng hộ Hamas, trên một chiến trường khác, ĐCSTQ còn ủng hộ Nga, đối thủ của Mỹ.

Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine, Trung Quốc đã tăng xuất khẩu máy công cụ tiên tiến sang Nga gấp 10 lần. Những máy CNC này có thể được sử dụng cho các hoạt động phay kim loại cực kỳ chính xác.

Theo tờ khai hải quan Nga, các nhà sản xuất Trung Quốc đã xuất khẩu máy công cụ CNC trị giá 68 triệu USD vào tháng 7 năm ngoái. Khi Nga xâm chiếm Ukraine lần đầu vào tháng 2/2022, các nhà sản xuất Trung Quốc chỉ xuất khẩu thiết bị liên quan có trị giá 6,5 triệu USD.

Các công ty lớn của Trung Quốc có xuất khẩu sang Nga tăng mạnh được cho là có quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc. Ví dụ, một trong số họ, Công ty Huazhong CNC, là nhà thầu chính cho an ninh quốc phòng của Trung Quốc.

Huazhong CNC bị Mỹ trừng phạt từ năm 2008 đến 2010 vì vi phạm dự luật của Mỹ ‘cấm chuyển giao công nghệ hoặc thiết bị vũ khí cho Syria, Iran và Triều Tiên’.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov còn tiết lộ trong bài phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Thuế và Ngân sách Duma Quốc gia ngày 16/10 năm ngoái rằng “gần như toàn bộ” máy bay không người lái hiện được Nga sử dụng đều có xuất xứ từ Trung Quốc.

Ông Siluanov cho biết: "Ngày nay, hầu hết tất cả máy bay không người lái đều đến từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chúng tôi rất biết ơn các đối tác của mình. Nhưng chúng tôi cần phát triển cơ sở tài nguyên của riêng mình và cần phân bổ nguồn vốn cần thiết".

Vào ngày 22/10 năm ngoái, lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ Mitch McConnell coi ĐCSTQ, Nga và Iran, những nước ủng hộ Hamas, là “trục ma quỷ” mới.

Ông McConnell nói: “Chúng ta phải chống lại trục ma quỷ này – Trung Quốc, Nga, Iran – đây là trường hợp khẩn cấp vì nó gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Hoa Kỳ”.

Ông McConnell cũng nói: "Về nhiều mặt, thế giới ngày nay đang gặp nhiều khủng hoảng hơn bất kỳ thời điểm nào trong đời tôi".


Điều đáng nói là cả Israel và Ukraine đều đã từng ủng hộ mạnh mẽ ĐCSTQ về mặt quân sự, tuy nhiên, để chia rẽ nước Mỹ, ĐCSTQ đã từ bỏ tất cả những gì mà nó từng sử dụng trong quá khứ.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch