'Thủ đô da' 3.000 năm tuổi của Trung Quốc mất đơn hàng, thiếu nhân lực trẻ




Một người tham dự mặc trang phục COMME des GARÇONS, túi xách Chrome Hearts trong triển lãm Art Basel Hong Kong 2022 vào ngày 27/5/2022 tại Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: Keith Tsuji/Getty Images)

“Thủ đô da” Trung Quốc - Tân Tập - đang gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh ngành sản xuất nước này đang trong đà suy yếu.

Tân Tập (Xinji), tỉnh Hà Bắc, được mệnh danh là "Thủ đô da của Trung Quốc", hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khác nhau, chẳng hạn như việc chuyển dịch đơn đặt hàng OEM sang Đông Nam Á và các vấn đề về công nhân.


Tân Tập vốn có chuỗi công nghiệp da và lông thú hoàn chỉnh nhất Trung Quốc. Vào ngày 1/1/2024, truyền thông Hong Kong đưa tin Tân Tập được cho là có lịch sử làm đồ da 3.000 năm nhưng hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Do sản xuất da là hoạt động mang tính thời vụ nên trước đây ngành da sản xuất và bán sản phẩm vào nửa cuối năm, trong khi nửa đầu năm không có đơn hàng. Vì vậy, một số công ty chọn nhận đơn đặt hàng OEM (sản xuất cho hãng khác, gắn nhãn của hãng khác) quần áo từ các thương hiệu khác. Nhưng hiện nay, đơn hàng OEM của một số thương hiệu quốc tế đã được chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Theo các bài báo, điều này có liên quan đến đại dịch và việc tăng lương của người lao động.

Trước đại dịch, Haruko làm thợ máy tại một nhà máy OEM quốc tế lớn. Lương của nhà máy đã tăng từ 200 CNY (nhân dân tệ) năm 2007 lên 2.000 CNY vào năm 2017. Khi tiền lương tăng lên hàng năm, thương hiệu thuê nhà máy này cuối cùng đã từ bỏ hoạt động sản xuất OEM tại Trung Quốc và chuyển sang các nước Đông Nam Á.

Ngoài vấn đề về đơn hàng, ngành da còn phải đối mặt với vấn đề về nguồn nhân lực.

Theo các bài báo, do sự thay đổi thái độ, giới trẻ có thái độ tránh né việc làm trong các nhà máy. Nhiều thanh niên thà giao đồ ăn còn hơn làm việc trên máy may trong nhà máy.

Hầu hết công nhân của nhà máy thuộc da hiện nay đều trên 40 tuổi. Và số lượng công nhân nhà máy đã giảm đi một nửa ở nhiều nơi. Trước đây, trong nhà máy có rất nhiều công nhân nhập cư từ nơi khác như Hà Nam, An Huy, Tứ Xuyên và thậm chí cả Quảng Đông. Bây giờ phần lớn họ là người địa phương.

Ngoài ra, Lu media cho biết vào tháng 11/2023 rằng ngành da Tân Tập thịnh vượng một thời đang gặp nhiều khó khăn, do cạnh tranh trong thị trường, áp lực ngày càng tăng về môi trường, sự yếu kém trong đổi mới sản phẩm, đơn đặt hàng ngoại thương giảm và lợi nhuận xuất khẩu giảm.



Quang cảnh một cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc vào ngày 8/3/2019. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Lĩnh vực sản xuất Trung Quốc tiếp tục đà suy yếu

Dữ liệu chính thức mới nhất của chính quyền Trung Quốc cho thấy chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất trong tháng 12 của Trung Quốc là 49, thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 49,6. Chỉ số đại diện cho ngành sản xuất Trung Quốc vẫn nằm trong diện thu hẹp (dưới 50) và đã giảm ba tháng liên tiếp.

Ngày 31/12/2023, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) sản xuất trong tháng 12 là 49,0, giảm 0,4 điểm so với tháng 11. Đây cũng là tháng giảm thứ ba liên tiếp (con số lần lượt trước đó trong tháng 9, 10, 11 là 50,2 - 49,5 - 49,4), cho thấy đà suy yếu đang tiếp tục diễn ra.

Từ tháng 4 năm 2023, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc liên tục nằm trong diện thu hẹp, ngoại trừ lần mở rộng hiếm hoi ở mức 50,2 vào tháng 9.

Trung tâm bán đồ Giáng Sinh Trung Quốc dừng bán hàng sớm

Giữa tháng 12 thường là thời gian cao điểm khi mà các thương nhân trong và ngoài nước đến Nghĩa Ô (Trung Quốc) để mua đồ Giáng Sinh trước lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên, đợt bán hàng Giáng Sinh năm 2023 của nhiều nhà cung cấp tại đây đã kết thúc sớm do nhu cầu ở thị trường châu Âu và Mỹ giảm và giá hàng hóa bị đẩy xuống thấp.

Theo Chỉ số hàng hóa nhỏ của Trung Quốc do Chính quyền thành phố Nghĩa Ô công bố, khi Giáng Sinh đến gần, các doanh nhân nước ngoài từ nhiều quốc gia khác nhau đã thực hiện các hoạt động bổ sung và mua dự trữ hàng cuối cùng, đồng thời thị trường bán hàng nội địa dịp Giáng Sinh đã bắt đầu hoạt động. Cây Giáng Sinh, tất Giáng Sinh, gậy Giáng Sinh, quần áo Giáng Sinh và các sản phẩm liên quan khác có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi tại Nghĩa Ô kể từ tháng 5. Hai phần ba sản phẩm Giáng Sinh trên thế giới đến từ Nghĩa Ô.



Những cây thông Noel trong phòng trưng bày của nhà máy sản xuất cây thông Noel nhân tạo ở Nghĩa Ô, Trung Quốc, vào ngày 7/12/2016. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP qua Getty Images)

Nhưng vào thời điểm Giáng Sinh vẫn chưa đến, nhiều nhà cung cấp ở Nghĩa Ô đã kết thúc sớm việc bán sản phẩm Giáng Sinh.

Tờ Nikkei Asian Review hôm thứ 3 (19/12/2023) đưa tin bà Jiang, một thương gia ở Nghĩa Ô, đã cất đi những chiếc mũ, tất chân và các đồ trang trí Giáng Sinh. Bà cho biết, thời kỳ cao điểm về doanh số bán hàng dịp Giáng Sinh năm 2023 là tháng 10 và doanh số bán hàng giảm 1/3 so với năm 2022.

Thành phố Hàng hóa nhỏ Nghĩa Ô là chợ bán buôn hàng hóa nhỏ lớn nhất thế giới, với phần lớn doanh thu đến từ xuất khẩu.

Đối với nhiều nhà xuất khẩu, hoạt động kinh doanh năm 2022 tốt hơn so với năm 2023. Mặc dù trong năm 2022, Bắc Kinh vẫn chưa dỡ bỏ chính sách phòng chống dịch Covid-19 nhưng đó là lúc mà người tiêu dùng toàn cầu đang trong xu hướng tiêu dùng “trả đũa” sau đại dịch.

Năm 2023, mặc dù Bắc Kinh đã dỡ bỏ các biện pháp phòng chống đại dịch nhưng mức tiêu thụ ở Mỹ, châu Âu và các nước phương Tây là yếu, cộng với tiêu dùng nội địa trì trệ ở Trung Quốc, hoạt động kinh doanh của Nghĩa Ô diễn ra tệ hơn năm 2022.

Bà Jiang cho biết, nhu cầu từ các thị trường Nga và Trung Đông đã bù đắp phần nào nhu cầu yếu kém từ các nước tiêu dùng lớn như Mỹ và châu Âu.

Các nhà cung cấp cho biết lượng khách đến cửa hàng không giảm nhưng điều này không dẫn đến số liệu doanh số bán hàng tích cực. Một lý do là nhu cầu giảm giá.

Một người bán cây thông Noel trang trí nói với Nikkei: “Khách hàng ở Mỹ và châu Âu thường yêu cầu giảm 10% giá hàng hóa của chúng tôi, lấy lý do tỷ lệ lạm phát cao ở nước họ”.

Theo phân tích trước đó của Nikkei, 70% mặt hàng xuất khẩu chính của Trung Quốc đã được bán giảm giá trong năm vừa qua và nhiều người đã chọn cách bán lượng hàng tồn kho dư thừa ra nước ngoài với giá thấp.

Phân tích của Capital Economics, tổ chức phân tích kinh tế của Anh, cũng cho thấy kể từ cuối năm 2022, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm khoảng 16% tính theo giá trị đồng USD. Tỷ suất lợi nhuận ròng của các nhà xuất khẩu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010, nếu không tính thời gian phong tỏa ban đầu do đại dịch.

Các nhà kinh tế dự đoán mức suy giảm xuất khẩu của Trung Quốc sẽ chạm đáy trong những tháng tới do thương mại toàn cầu đi lên theo chu kỳ, nhưng họ không mong đợi một sự phục hồi mạnh mẽ.

Trung Quốc ‘gồng mình’ xúc tiến chuỗi cung ứng sản xuất

Ngành sản xuất của Trung Quốc vốn là lĩnh vực phát triển mạnh, phục vụ cho các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng xa lánh Trung Quốc, chuỗi cung ứng Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Khó khăn trong xuất khẩu của Trung Quốc khi nhu cầu thế giới suy giảm càng làm trầm trọng thêm tình hình. Những điều này ảnh hưởng không nhỏ tới ngành sản xuất của nước này. Do đó, Bắc Kinh rất muốn tìm cách xúc tiến và cải thiện vị thế của chuỗi cung ứng Trung Quốc, đặc biệt trong việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.

Vào ngày 28/11/2023, Bắc Kinh đã tổ chức lễ khai mạc Hội chợ triển lãm xúc tiến chuỗi cung ứng quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất. Theo Tân Hoa Xã, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên bố trong bài phát biểu rằng ông sẽ phản đối chủ nghĩa bảo hộ và mọi hình thức "tách rời và mất kết nối". Ông Lý Cường cũng nói rằng Bắc Kinh “sẽ hội nhập sâu hơn vào hệ thống chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu” và “cung cấp nhiều sự thuận tiện hơn và sự đảm bảo tốt hơn cho các công ty từ khắp nơi trên thế giới đến đầu tư và hoạt động tại Trung Quốc”.



Các container được nhìn thấy tại bến container của Cảng Liên Vân Cảng, thuộc tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 13/7/2023. (Ảnh: STRINGER/AFP qua Getty Images)

Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết vào ngày 29/11/2023 rằng Bắc Kinh đang gặp khó khăn về kinh tế và một số lượng lớn đầu tư nước ngoài đang rút khỏi Trung Quốc. Chính quyền đang tổ chức loại hội chợ này để xúc tiến đối ngoại, cố gắng tạo ra ảo tưởng hào nhoáng rằng thị trường Trung Quốc vẫn được ưa chuộng, thu hút vốn nước ngoài.

Theo ông Phùng, khi tình hình đang hỗn loạn, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn tổ chức lại chuỗi cung ứng và giữ các chuỗi cung ứng quan trọng ở Trung Quốc.

Ông Tô Tử Vân (​​Su Ziyun), Giám đốc Viện Chiến lược và Nguồn lực của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Quốc gia Đài Loan, cũng cho biết vào ngày 29/11/2023 rằng việc Bắc Kinh tổ chức triển lãm chuỗi cung ứng phản ánh những khó khăn mà Bắc Kinh gặp phải. Bởi vì các nhà sản xuất trong các ngành khác nhau thường tự kết nối với các đối tác thượng nguồn và hạ nguồn trong chuỗi cung ứng nên không cần phải tổ chức các triển lãm đặc biệt để quảng bá. ​​Ông Tô cho rằng hội chợ này nêu bật điểm yếu của Bắc Kinh.

Ngày càng có nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào Trung Quốc.

Trong năm qua, Mỹ và Liên minh châu Âu đã kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực cụ thể và “giảm thiểu rủi ro” trong chuỗi cung ứng.


Vào ngày 30/3/2023, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu von der Leyen đã chỉ ra rằng “sự kết hợp rõ ràng giữa các lĩnh vực quân sự và thương mại” của Bắc Kinh đã mang lại rủi ro cho an ninh châu Âu và do đó cần phải giảm thiểu rủi ro.

Ngay trước khi khai mạc hội chợ triển lãm chuỗi cung ứng của Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Biden đã thành lập “Hội đồng Tòa Bạch Ốc về sự vững bền của chuỗi cung ứng” vào ngày 27/11/2023 và công bố gần 30 biện pháp mới nhằm củng cố chuỗi cung ứng, thứ đóng vai trò then chốt trong an ninh quốc gia và nền kinh tế của Mỹ.



Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (phải) nói chuyện với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo trong cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 29/8/2023. (Ảnh: ANDY WONG/POOL/ AFP qua Getty Images)

Ông Tô Tử Vân cho rằng việc Mỹ tăng cường sự vững bền của chuỗi cung ứng bắt nguồn từ yêu cầu của Tổng thống Trump vào năm 2017. Ông Trump đã đề nghị Bộ Quốc phòng Mỹ nộp báo cáo an ninh về việc làm vững mạnh chuỗi cung ứng quốc phòng của Mỹ. Sau khi ông Biden nhậm chức, một báo cáo khác vào năm 2021 được đưa ra nhằm củng cố chuỗi cung ứng của Mỹ, tăng khả năng phục hồi kinh tế. Thoát khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc là một xu hướng lớn.

Theo ông Tô, phương hướng chung trong chính sách của Mỹ đã được đặt ra. 30 biện pháp của ông Biden là nhằm thoát khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc và đảm bảo rằng chuỗi cung ứng sẽ không bị ĐCSTQ kiểm soát.

Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine và những lo ngại rằng Trung Quốc có thể xâm chiếm Đài Loan, đã khiến các công ty có vốn nước ngoài chọn không mở rộng chuỗi cung ứng ở Trung Quốc mà chuyển sang các quốc gia khác có quan hệ tốt hơn với Mỹ, chẳng hạn như như Ấn Độ, Mexico và Việt Nam.

Bảo Nguyên tổng hợp