Quần áo, giày dép ở Mỹ sắp tăng giá vì tàu chở hàng bị tấn công




WASHINGTON, DC (NV) – Việc vận chuyển hàng hóa bị chậm trễ do giao tranh trên Biển Đỏ có thể khiến quần áo, giày dép và đồ điện tử từ Á Châu nhập cảng vô Mỹ tăng giá, chuyên gia hệ thống phân phối cho tạp chí Newsweek hay hôm Thứ Ba, 9 Tháng Giêng.

Tháng Mười Một năm ngoái, Houthi, nhóm phiến quân ở Yemen, tấn công hàng loạt thương thuyền đi qua Biển Đỏ, làm gián đoạn nghiêm trọng việc vận chuyển hàng hóa quốc tế, Liên Hiệp Quốc cho hay. Quân đội Mỹ tấn công đáp trả, và giao tranh gia tăng thời gian qua buộc thương thuyền chuyển hướng qua Phi Châu, dài hơn. Phiến quân Houthi tuyên bố họ thực hiện những vụ tấn công đó để trả đũa chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza.



Quần áo trưng bày trong tiệm Marc Jacobs Madison Avenue ở thành phố New York. (Hình minh họa: Ben Gabbe/Getty Images for Marc Jacobs)

Tàu chở hàng tới Mỹ cũng đi qua Kênh Panama, mà thời gian qua, kênh đào này không đủ nước cho tàu bè qua lại.

“Giống như bị đấm liên tiếp vậy,” ông Patrick Penfield, giáo sư đại học Syracuse University về hệ thống phân phối, nói với Newsweek.

Trong số chuyến hàng từ Á Châu đi Mỹ, 40% đi qua Kênh Panama, do đó, vì Kênh Suez hiện cũng đang hạn chế tàu thuyền, tàu chở hàng tới miền Đông Hoa Kỳ nay phải giao hàng lâu hơn, ông Penfield cho biết.

“Tình trạng này đang làm mọi thứ chậm lại,” ông Penfield nói. “Nghĩa là mất thêm 10 ngày mới tới, thêm 3,500 dặm.”

Công ty nào phụ thuộc vô sản phẩm từ Á Châu sẽ bị ảnh hưởng, theo ông Penfield. Sản phẩm đó gồm quần áo, giày dép và đồ điện tử từ những nước như Trung Quốc. Những công ty đó có lẽ phải tốn thêm tiền mới nhận được hàng, và có thể họ sẽ đẩy chi phí đó sang người tiêu dùng, khiến sản phẩm tăng giá.

Hiện nay, nhiều công ty đang đàm phán hợp đồng chở hàng và nếu tình hình trên Biển Đỏ tiếp tục mất an toàn, họ có thể tăng giá sản phẩm 3% tới 5%, ông Penfield cho hay.

Tuy nhiên, ông Penfield lưu ý, vào lúc này, vấn đề hệ thống phân phối do những vụ tấn công của Houthi gây ra chưa lên tới mức bằng với khi COVID-19 làm vật giá tăng kỷ lục.



Thành viên Tuần Duyên Yemen có liên hệ với phiến quân Houthi tuần tiễu Biển Đỏ hôm 4 Tháng Giêng. (Hình minh họa: AFP via Getty Images)

“Tình hình sẽ không tệ như hồi COVID-19,” ông Penfield nói với Newsweek. “Tuy nhiên, nếu giao tranh ngày càng dữ dội và chiến tranh thực sự bùng nổ, không có gì còn chắc chắn, và lúc đó, sẽ có vấn đề về giá hàng hóa.”

Giao tranh ngày càng căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng tới giá dầu, mà giá dầu tăng thì giá xăng cũng tăng. Ông Penfield cho rằng giá xăng thời gian qua thấp vì nhu cầu thấp. Cả giá dầu Brent quốc tế và giá dầu WTI ở Mỹ đều đang giảm, theo dữ liệu của Bloomberg.

“Nhưng một lần nữa, nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn giá dầu và giá xăng sẽ tăng,” ông Penfield cho biết.

Kênh Suez là tuyến đường hệ trọng để chở hàng hóa từ Á Châu sang Âu Châu và Mỹ. Kênh đào này chiếm 12% lượng hàng hóa vận chuyển toàn cầu. Có lẽ người tiêu dùng chưa cảm nhận được tác động, nhưng tới mùa Xuân và mùa Hè, có thể họ bắt đầu thấy hàng hóa thiếu thốn.

Các công ty cũng có thể dùng phi cơ chở hàng, nhưng làm như vậy nghĩa là tốn thêm chi phí.

“Tốn kém nhiều lắm,” ông Penfield nói. “Ai có công ty lúc này cũng lâm vô tình thế nan giải, đó là bị ảnh hưởng ra sao do tình trạng vận chuyển toàn cầu này.” (Th.Long)