Tài sản Nhà nước được Báo Thanh Niên 'chuyển hoá' cho Novaland như thế nào?






Toà nhà thuộc dự án RiveGate Residence của Novaland toạ lạc tại địa chỉ 151 - 155 Bến Vân Đồn, TP HCM (ảnh chụp màn hình)

Trong tuần qua, thông tin nổi bật nhất trên truyền thông là nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế, bị bắt để phục vụ điều tra về các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Lý do bắt giữ

Ngày 16/01/2024, công an TP. HCM đã ra lệnh bắt để tạm giam ông Nguyễn Công Khế - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, và ông Nguyễn Quang Thông - nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên. Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. HCM cho biết đang điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" mà ông Khế có liên quan.

Theo thông tin công bố từ phía công an, quá trình điều tra đến nay xác định 2 ông Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông đã có nhiều vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện dự án dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại Khu đất số 151-155 Bến Vân Đồn, TP. HCM. Dự án này khởi nguồn từ khu đất công ở vị trí đắc địa được Báo Thanh Niên - một cơ quan truyền thông của Nhà nước - xin mua lại với giá rẻ của một doanh nghiệp nhà nước khác là Công ty thuốc lá Sài Gòn làm trụ sở. Sau đó, Toà báo đã dùng công ty cổ phần trực thuộc, nơi ông Khế làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, để vận hành dự án bất động sản (BĐS) khai thác trên mảnh đất vàng này.

Chuyển giao đất cho Novaland

Ông Nguyễn Công Khế là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, từ năm 1988-2008. Ông Nguyễn Quang Thông cũng là nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, trong giai đoạn 2009-2021.

Năm 2008, Báo Thanh Niên đã được chuyển giao khu đất 151-155 Bến Vân Đồn từ Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn (cũng là một doanh nghiệp nhà nước) để phục vụ các hoạt động của Toà báo. Ông Nguyễn Công Khế lúc này là Tổng Biên tập Báo Thanh Niên đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên (Báo Thanh Niên chiếm 51% vốn điều lệ) và một doanh nghiệp khác thành lập Công ty Cổ phần Bất động sản Thanh Niên. Báo Thanh Niên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng khu đất 151-155 Bến Vân Đồn vừa mới được chuyển giao.

Pháp nhân mới tạo ra là Công ty Bất động sản Thanh niên được thành lập với mục đích chính là để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cao ốc Thanh Niên tại khu đất số 151-155 Đường Bến Vân Đồn, Quận 4, TP. HCM.

Ngày 23/9/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với khu đất số CT CT02431 cho Công ty cổ phần Bất động sản Thanh Niên. UBND của TP. HCM đã duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất để xây dựng cao ốc văn phòng - trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp theo Quyết định số 4371/QĐ-UBND ngày 21/9/2009 với các chỉ tiêu quy hoạch theo Công văn số 1478QHKT-QHKTT ngày 4/6/2009 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

Trong quá trình thực hiện, Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông đã ký các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Cổ phần Bất động sản Thanh Niên không qua đấu giá theo quy định.

Trong cáo bạch của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Nova năm 2017 (pdf, trang 36) thể hiện, doanh nghiệp này đã mua lại dự án RiverGate tại số 151-155 Bến Vân Đồn, trước là khu đất của Dự án Cao ốc Văn phòng - Trung tâm thương mại và Căn hộ do CTCP Bất động sản Thanh Niên làm Chủ đầu tư. Từ đó, lô đất 151-155 Bến Vân Đồn cũng gắn với doanh nghiệp này.

Bản cáo bạch tài chính hợp nhất năm 2017 của Novaland cho biết họ đã thôn tính xong Công ty CP BĐS Thanh Niên vào Công TNHH Nova Rivergate, một công ty con của Novaland. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình Bản cáo bạch, trang 36, bởi NTDVN).
Theo cơ quan điều tra, quá trình hợp thức hoá chuyển từ tài sản Nhà nước sang tài sản khai thác thương mại và sau đó là bán toàn bộ cho Tập đoàn BĐS Novaland là hành vi gây thất thoát tài sản Nhà Nước. Đây là lý do mà ông Khế và nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên kế nhiệm ông bị bắt ngày 16/1/2024 vừa qua.

Giảm văn phòng, tăng tầng, tăng hệ số nhà ở

Theo Business Forum, tại Công văn số 1478 (đề cập ở trên), dự án tại khu đất số 151-155 Bến Vân Đồn có chiều cao 15-30 tầng; có chức năng sử dụng đất là cao ốc văn phòng - trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp; với chức năng thương mại, dịch vụ, văn phòng có hệ số sử dụng đất là 8,5 lần và chức năng ở có hệ số sử dụng đất là 2,5 lần. Quy mô dân số trong các chỉ tiêu quy hoạch là 500 người với 120 căn hộ.

Tuy nhiên, đến năm 2016, các chỉ tiêu quy hoạch theo Công văn số 1535/QHKT-QHKTT ngày 26/4/2016 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM có rất nhiều thay đổi. Trong đó, tầng cao công trình tăng thêm 3 tầng, lên 27-33 tầng; bổ sung loại hình căn hộ văn phòng Officetel.

Ngoài ra, trong khi hệ số sử dụng đất với chức năng thương mại, dịch vụ, văn phòng giảm tới 6,61 lần, hệ số sử dụng đất với chức năng ở lại tăng từ 2,5 lần lên 5,24 lần, tương đương mức tăng 2,74 lần.

Do tăng mạnh hệ số sử dụng đất với chức năng ở nên quy mô dân số ở dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp, Officetel tại Khu đất số 151-155 Bến Vân Đồn tăng từ 500 người năm 2009 lên 1.227 người; tăng thêm đến 727 người trong chỉ tiêu quy hoạch năm 2016.

Novaland đã xây dựng 2 tòa cao ốc tại lô đất trên, thay đổi tên gọi là dự án RiverGate Residence. Dự án RiverGate Residence hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2017 bao gồm 2 tòa tháp, tọa lạc tại trung tâm quận 4, tiếp giáp quận 1. Từ tầng 1 đến tầng 3 dành cho mục đích thương mại dịch vụ, cho khách thuê làm văn phòng.

Tháng 5/2022, với vi phạm bán cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ RiverGate, chủ đầu tư không gửi thông tin để đăng công khai trên cổng thông tin của Sở Xây dựng, UBND TP. HCM quyết định xử phạt Công ty TNHH Nova Rivergate 280 triệu đồng.

Như vậy, trong 10 năm, một mảnh đất vàng của nhà nước đã chuyển giao sang Báo Thanh Niên - một cơ quan nhà nước phục vụ công tác truyền thông của Đảng, nhà nước - lập tức hợp thức hoá sang mục đích thương mại, cổ phần hoá để các cá nhân có quyền lực hưởng lợi và bán sang một trong những ông lớn phát triển BĐS tư nhân là Novaland. Novaland cũng là một trong những tập đoàn phát triển BĐS khá nhiều tai tiếng trong việc vi phạm các quy định về quy hoạch.

Năm 2019, tập đoàn này từng lớn tiếng tuyên bố rằng nếu không giải cứu Novaland, hệ thống NHTM Việt Nam sẽ phải gánh khoản nợ xấu lên tới 50.000 tỷ đồng. Hiện tại, Novaland cũng được "ưu ái" trở thành thí điểm "tháo gỡ rào cản chính sách" để phục hồi nhằm tránh phá sản cho tập đoàn.

Quang Nhật tổng hợp