Chuyện về một cháu bé được mua về





Hai anh chị là người nhà bệnh nhân của tôi. Hồi mới ra trường, tôi làm phòng mạch khám đa khoa. Cái nào không biết thì hỏi, nếu vượt quá sức mình thì tìm chỗ gởi bệnh nhân đi. Vì vậy, tôi trở thành bác sĩ “gia đình” cho rất nhiều gia đình. Tôi không chỉ biết bệnh nhân, mà biết cả người nhà của họ.

Anh chị cũng cỡ tuổi tôi, lấy nhau hơn chục năm mà không có con. Đối với anh chị, tôi không chỉ là “bác sĩ gia đình”, mà còn là chỗ để họ tâm sự, và hỏi ý kiến cả về những việc không thuộc chuyên môn y khoa. Điều mà anh chị muốn hỏi tôi, là anh chị có nên xin một cháu bé không? Và nếu có thì xin như thế nào?

Thực tình thì khi đi học sản khoa, tôi chỉ chăm chăm vô chuyên môn mà không để ý đến vụ cho, bán con. Tôi chẳng có chút kiến thức nào. Thì ra, theo họ điều tra, có hẳn một đường dây, bao gồm các “cò” ở cổng các bệnh viện có khoa sản, chuyên môi giới mua bán con. Điều này xuất phát từ việc có những người có con ngoài ý muốn hoặc nghèo quá, không nuôi nổi con, và những người hiếm muộn. Sau khi đồng ý mua bán thì khi có đứa trẻ, họ trao tiền, nhận đứa trẻ, và có thể có cả giấy chứng sanh để về làm khai sanh.

Cuối cùng thì anh chị cũng có được một cháu bé qua con đường đó. Theo quy định của nhóm “cò”, anh chị và mẹ cháu bé không được biết nhau, tất cả phải thông qua “cò”, tránh việc sau này mẹ cháu bé đổi ý. Đó là một bé gái, lớn hơn con trai đầu của tôi đúng 1 tháng. Anh chị bàn với nhau và quyết định xin con gái. Điều này hơi lạ vì họ là người Hoa. Thường thì người Hoa thích con trai hơn.



Ảnh minh họa: Cảnh chị Dậu bán cháu Tý cho nhà Nghị Quế trong phim “Chị Dậu”.

Sau này, phòng mạch tôi đông quá. Lúc ấy lại chưa có hình thức phòng khám tư nhân có nhiều bác sĩ, nên tôi phải giới hạn lại, chỉ khám chuyên khoa. Sau này, khi công việc nhiều, tôi lại giới hạn, mỗi buổi chỉ khám 30 bệnh nhân. Vì vậy, tôi ít gặp anh chị dần.
Tuy nhiên, năm nào thì tôi cũng gặp anh chị và cháu ít nhất một lần. Nhà anh chị bán giò chả. Quanh năm có mua ở đâu cũng được (thực ra thì trong năm tôi chẳng bao giờ tự tay đi mua giò chả cả), nhưng cứ Tết là nhất định tôi đến mua giò chả ở tiệm của gia đình anh chị. Vậy là gặp anh chị và cháu.

Năm vừa rồi tôi đến trễ. Mọi khi, thường là 28 hay 29 tôi đến, năm rồi, đến đầu giờ chiều 30 tôi mới đến. Chị nói cả nhà bảo là chắc năm nay tôi không mua giò chả chỗ anh chị. “Nhưng con bé này nói cứ để đó chờ chú đến hết giờ hãy bán”. Chị nói và chỉ cô bé con anh chị, lúc đó đã trên 30 tuổi. Năm nào gia đình cũng để sẵn cho tôi một cặp lụa và một cặp thủ. Tiệm của gia đình anh chị rất đắt hàng, không sợ ế, tôi không mua là có người lấy liền.

Cháu đã là một cử nhân marketing, làm việc cho một công ty lớn. Cháu cũng đã lập gia đình hồi dịch, đám cưới dự định tổ chức, chưa kịp đưa thiệp mời thì bị cấm tổ chức do dịch. Theo truyền thống gia đình anh chị, đến dịp bán Tết, cả nhà phải tập trung về để bán. Những ngày đó, con đường trước cửa nhà anh chị luôn đông nghẹt, kẹt đường.

Tôi chưa bao giờ hỏi anh chị, xem cháu có biết là anh chị xin (hay mua) cháu chứ không phải là sanh ra cháu không (hồi đó, anh chị có làm giấy chứng sanh và làm khai sanh cho cháu). Tuy nhiên, những gì tôi nhìn thấy, thì họ là một gia đình, rất đầm ấm.



Võ Xuân Sơn