Bắc Triều Tiên có thực sự chuẩn bị tấn công Hàn Quốc trong thời gian tới?



Căng thẳng gia tăng ở mức chưa từng có trên bán đảo Triều Tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, và thậm chí kể từ chiến tranh Triều Tiên 70 năm trước. Bình Nhưỡng sửa đổi Hiến Pháp ngay dịp đầu năm mới, coi Hàn Quốc là “kẻ thù”. Ngày đầu năm mới, lãnh đạo Bắc Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng hủy diệt láng giềng và đồng minh Hoa Kỳ. Bình Nhưỡng liên tục thử vũ khí, tập trận bắn đạn thật sát giới tuyến.



Tổng thống V.Putin (thứ 2 từ trái) cùng lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un( thứ 2 phải) trong chuyến thăm một cơ sở công nghiệp không gian Nga tại vùng Amour, Nga, ngày 13/09/2023. AP - Artyom Geodakyan
Một số chuyên gia nói đến khả năng Bắc Triều Tiên tấn công Hàn Quốc. Ngược lại không ít người tỏ ra dè dặt. RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.

***

Trang mạng chuyên về quân sự Bắc Triều Tiên 38 North hồi giữa tháng đăng tải một bài viết của hai chuyên gia về Bắc Triều Tiên có uy tín, cựu quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ Robert L. Carlin và chuyên gia hạt nhân Siegfried S. Hecker, nhan đề : “Phải chăng Kim Jong Un đang chuẩn bị cho chiến tranh?”. Các tác giả nhận định tình hình hiện nay nguy hiểm hơn bao giờ hết kể từ tháng 6/1950, chiến tranh Triều Tiên bùng phát, quân đội Bắc Triều Tiên mở màn cuộc tổng tấn công Hàn Quốc với sự hỗ trợ của Liên Xô. Các tác giả tin rằng, cũng giống như cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, ông nội của Kim Jong Un, đương kim lãnh đạo Bắc Triều Tiên giờ đây cũng “đã đưa quyết định chiến lược” chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh.

Các tác giả bài “Phải chăng Kim Jong Un đang chuẩn bị cho chiến tranh?” chỉ trích các đánh giá hạ thấp nguy cơ chiến tranh từ phía Bình Nhưỡng, khi cho rằng các tuyên bố cũng như các đe dọa về quân sự của lãnh đạo Bắc Triều Tiên vẫn chỉ là những đe dọa suông, cho dù được nâng lên một tầm mức mới. Luận điểm căn bản của những người phủ nhận kịch bản chiến tranh là Bình Nhưỡng không dám tiến hành chiến tranh, bởi “hiểu rõ” Mỹ và Hàn Quốc sẽ hủy diệt chế độ Bắc Triều Tiên nếu Kim Jong Un có quyết định liều lĩnh như vậy.

Theo các tác giả bài viết, phủ nhận nguy cơ chiến tranh là hiểu sai về căn bản quan điểm của lãnh đạo Bắc Triều Tiên về lịch sử. Hiểu biết sai lầm như vậy có thể dẫn đến các ứng xử sai lầm từ phía Hàn Quốc và Hoa Kỳ, sẽ dẫn đến thảm họa. Vậy cụ thể quan điểm về lịch sử của chế độ Bắc Triều Tiên là gì, theo các tác giả?

Khát vọng bình thường hóa quan hệ với Mỹ và "thượng đỉnh thảm bại 2019"

Từ đầu thập niên 1990 cho đến tận năm 2019, mục tiêu đối ngoại trọng tâm của Bắc Triều Tiên là bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Năm 2019, với thượng đỉnh lần thứ hai Kim Jong Un với tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, đã đánh dấu một thay đổi sâu sắc. Thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore năm 2018 đã từng mang lại cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên niềm hy vọng thực hiện được ước mơ từ ông nội Kim Nhật Thành cho đến thân sinh Kim Jong Il: bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Theo các tác giả, Kim Jong Un đã đặt cược vào thượng đỉnh thứ hai tại Hà Nội, kết thúc với thất bại. Trước thất bại được đánh giá là không thể vãn hồi này, ngay cả vào lúc thỏa thuận khung năm 1994 hướng đến bình thường hóa quan hệ sụp đổ vào năm 2002, Bình Nhưỡng vẫn cố gắng kéo Washington trở lại với các đàm phán bằng cách mở quyền tiếp cận chưa từng có cho Hoa Kỳ giám sát cơ sở hạt nhân tại Yongbyon. Dĩ nhiên là có những người ngờ vực và chỉ trích thái độ “giả trá” của Bình Nhưỡng nhằm tạo vỏ bọc cho chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân, tuy nhiên, điều được các tác giả nhấn mạnh là mục tiêu chung của cả ba đời lãnh đạo Bắc Triều Tiên tính đến năm 2019 vẫn là bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Hy vọng này sụp đổ vào năm 2019. Các tác giả dẫn ra bức thư cuối cùng của Kim Jong Un gửi cho tổng thống Donald Trump vào tháng 8/2019 để minh chứng cho thất bại này, từ góc nhìn của lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Trật tự do Hoa Kỳ lãnh đạo suy yếu: Cơ hội cho Bắc Triều Tiêu dùng vũ lực?
Kể từ năm 2021, Bắc Triều Tiên đã có một sự điều chỉnh mang tính chiến lược về quan hệ với Hoa Kỳ. Bình Nhưỡng đánh giá là Hoa Kỳ đang có dấu hiệu thu hẹp ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Với Bình Nhưỡng, quan hệ Trung – Nga siết chặt trong bối cảnh Matxcơva xâm lược Ukraina càng khẳng định rõ bước ngoặt thay đổi lớn của thế giới đang đến.
Kể từ đó, Bình Nhưỡng có xu hướng tin tưởng là các diễn biến địa chính trị toàn cầu đang diễn ra theo xu thế có lợi cho họ, và đây thậm chí có thể là lúc để dùng một “giải pháp quân sự” nhằm giải quyết thế đối đầu kéo dài hơn nửa thế kỷ trên bán đảo Triều Tiên. Đầu năm 2023, gần một năm trước tuyên bố sửa đổi Hiến pháp, bác bỏ viễn cảnh tái thống nhất, và coi Hàn Quốc là quốc gia thù địch, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã đưa ra tuyên bố “chuẩn bị chiến tranh cách mạng để hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước”.

Theo các chuyên gia, tác giả bài viết “Phải chăng Kim Jong Un đang chuẩn bị chiến tranh?” chỉ trích Mỹ và Hàn Quốc quá tin vào sức mạnh “răn đe” quân sự hùng hậu của Hoa Kỳ và hai đồng minh Hàn – Nhật trong việc ngăn chặn Bắc Triều Tiên phiêu lưu quân sự là một ảo tưởng vô cùng nguy hại. Mỹ, Nhật, Hàn ắt sẽ chiến thắng Bắc Triều Tiên trong một xung đột quân sự, nhưng nếu để chiến tranh xảy ra sẽ là một thảm họa, cho dù đây không phải là kịch bản xác suất cao.

"Mạo hiểm tấn công là tự sát"

Quan điểm của hai nhà nghiên cứu nói trên vấp phải sự phản đối của nhiều nhà quan sát khác. Báo Mỹ New York Times đăng tải bài viết của nhà báo Choe Sang-hun, giải thưởng Pulitzer, nhan đề “Kim Jong Un thực sự có kế hoạch tấn công (Hàn Quốc) vào thời điểm này hay không ?”, tập hợp quan điểm của nhiều chuyên gia phản biện lại cách nhìn nói trên.
Theo ông Park Won-gon, chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, Bắc Triều Tiên sẽ không dại dột tấn công Hàn Quốc, trừ khi quyết định tự sát, vì họ biết sẽ không thể thắng trong cuộc chiến này. Ngược lại, mục tiêu của Bình Nhưỡng là làm cho đối phương tin vào kịch bản này, vì vậy sẽ có các nhượng bộ với chế độ Kim Jong Un, như nới lỏng trừng phạt. Bác bỏ giả thuyết về ý đồ chiến tranh của Kim Jong Un, nhà cựu ngoại giao Đức Thomas Schäfer cũng khẳng định mục tiêu của Bình Nhưỡng là giành lợi thế trong quan hệ với chính quyền Mỹ nhiệm kỳ tới, buộc Washington chấp nhận một số chương trình hạt nhân – tên lửa của Bắc Triều Tiên, thậm chí buộc Mỹ “giảm hoặc rút quân” khỏi Hàn Quốc.

Chiến thuật leo thang từng bước một và “tính toán sai lầm nhỏ” khiến xung đột bùng phát

Theo chuyên gia về Bắc Triều Tiên Victor Cha, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, trụ sở tại Washington, để đạt được mục tiêu nói trên, Bình Nhưỡng có thể chọn cách “leo thang căng thẳng từng bước một” và giai đoạn hiện nay là cơ hội thuận lợi để thực hiện chiến thuật này. Nhà báo Choe Sang-hun nhấn mạnh là Bắc Triều Tiên vốn luôn duy trì chiến thuật gây bất ổn cho đối phương vào thời điểm nhạy cảm nhất. Bầu cử Quốc Hội Hàn Quốc tháng 4/2024, bầu cử tổng thống và Quốc Hội Mỹ tháng 11/2024 chính là cơ hội đó. Theo cách nhìn này, Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục các động thái khiêu khích từ đây cho đến cuối năm (năm 2016, hai tháng trước bầu cử Mỹ, Bắc Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân).

Chuyên gia Ko Jae-hong, Viện Chiến lược An ninh Quốc gia, trụ sở tại Seoul, đặc biệt nhấn mạnh là Bắc Triều Tiên sẽ gia tăng khiêu khích trong những tuần tới để gieo rắc sợ hãi trong cử tri Hàn Quốc. Ám ảnh về một cuộc chiến hạt nhân có thể giảm bớt sự ủng hộ đối với chính quyền của tổng thống Yoon Suk Yeol.

Bài viết trên New York Times, cho dù ưu tiên các quan điểm phản biện lại giả thuyết về chiến tranh, cũng không loại trừ hoàn toàn xác suất xảy ra xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên trong trường hợp lãnh đạo Bắc Triều Tiên, “quá tự tin” vào năng lực quân sự với hệ thống hạt nhân, tên lửa phát triển từ nhiều năm nay, đặc biệt với sự hậu thuẫn của Nga, có thể đưa ra phán đoán sai lầm, khi tiến hành một “hành động gây hấn nhỏ”, có thể dẫn đến xung đột bùng phát với Hoa Kỳ và các đồng minh Đông Bắc Á.

Ấn số Trung – Nga

Bài viết của New York Times đặt hy vọng vào vai trò của Trung Quốc trong việc ngăn ngừa nguy cơ xung đột bùng phát trên bán đảo Triều Tiên. Theo chuyên gia về Trung Quốc John Delury, Đại học Yonsei ở Seoul, nếu chiến tranh bùng phát, thời kỳ tăng trưởng chưa từng có của Trung Quốc và hòa bình hơn nửa thế kỷ tại Đông Á cũng chấm dứt. Vai trò của Trung Quốc với viễn cảnh xung đột trên bán đảo Triều Tiên hiện đang là một ẩn số.

Trong tình thế hiện nay, theo chuyên gia John Delury, bản thân Trung Quốc dường như cũng đang đứng trước áp lực của Bình Nhưỡng, ỷ vào thế Nga, để đòi hỏi một số nhượng bộ. Trong khi đó, báo mạng South China Morning Post có bài dẫn lại ý kiến của nhiều chuyên gia Trung Quốc lo ngại nguy cơ Nga thúc đẩy Bắc Triều Tiên gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên để giảm áp lực trên “mặt trận” Ukraina, và thế trận đoàn kết của các đồng minh – đối tác đang khiến Nga bị cô lập. Hơn bao giờ hết tam giác Nga – Trung – Triều có vai trò lớn chưa từng có cho viễn cảnh hòa bình hoặc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.



RFI