Trung Quốc bác bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa







Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Tư (24/1) nói các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông đã được “lịch sử” chứng minh, sau khi Việt Nam vào cuối tuần qua nhắc lại rằng mình có đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo này.

Hôm 20/1, khi trả lời câu hỏi của giới truyền thông nhân sự kiện 50 năm Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa năm 1974, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa được xác lập ít nhất từ thế kỷ XVII, phù hợp với luật pháp quốc tế và được các nhà nước kế tiếp nhau của Việt Nam thực hiện một cách hòa bình, liên tục, công khai”.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tuyên bố của Trung Quốc “hoàn toàn được lịch sử và luật pháp chứng minh”.

“Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, phát triển và quản lý các đảo và quần đảo này, đồng thời tiếp tục thực thi quyền tài phán chủ quyền đối với chúng”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 24/1 khi được đặt câu hỏi về khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

“Trung Quốc phản đối các yêu sách bất hợp pháp của các nước liên quan đối với lãnh thổ Trung Quốc và sẽ tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền của mình”, đại diện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.

Sự kiện Việt Nam tái khẳng định các yêu sách chủ quyền của mình diễn ra nhân dịp 50 quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời cũng trùng hợp với việc Philippines trong những tháng qua liên tục tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ ở các khu vực khác trên Biển Đông sau các cuộc chạm trán kịch tính trên biển giữa các tàu Trung Quốc và Philippines gần khu vực tranh chấp.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr dự kiến sẽ có chuyến công du Việt Nam vào tuần tới và một thỏa thuận về hợp tác quân sự giữa lực lượng hải cảnh của hai nước được cho là sắp được triển khai, theo truyền thông Philippines.

Theo bản sao dự thảo cuối cùng của Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa hai nước mà tờ Inquirer có được nêu rõ rằng mục tiêu hợp tác hàng hải giữa lực lượng tuần duyên Philippines và cảnh sát biển Việt Nam là nhằm “tăng cường hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau và tin cậy hợp tác… hướng tới thúc đẩy, duy trì và bảo vệ lợi ích chung của họ ở khu vực Đông Nam Á”. Trước đó, Tổng thống Philippines cũng đề cập đến việc xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử riêng với Việt Nam, Malaysia và các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng trải nhiều giai đoạn căng thẳng trong những năm qua vì vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Mặc dù tình trạng căng thẳng này đã phần nào giảm bớt sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Hà Nội vào tháng 12 vừa qua, nhưng Hà Nội có thể vẫn sẵn sàng đối mặt với những thách thức trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, theo Reuters.

Trong chuyến thăm của ông Tập, Việt Nam và Trung Quốc đã ký thỏa thuận hướng tới xây dựng một cộng đồng “chia sẻ tương lai”, nhưng theo chuyên gia Greg Poling của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ, thì đây là một “lựa chọn chiến lược rõ ràng để xoa dịu Bắc Kinh trong khi tích cực theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Washington, Tokyo, Canberra và các nước khác”.


VOA