Tòa án Công lý Quốc tế ra lệnh Israel ‘ngăn chặn diệt chủng’ tại Gaza










Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) trực thuộc Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan hôm thứ Sáu (26/1) đã ra phán quyết đầu tiên về vụ Nam Phi kiện Israel liên quan đến chiến tranh Gaza. Phán quyết của ICJ ra lệnh cho Israel phải thực hiện tất cả các hành động cần thiết để ngăn chặn nạn diệt chủng ở Gaza, nhưng đã không yêu cầu Nhà nước Do Thái phải dừng hoạt động quân sự chống lại Hamas.

Ban hội thẩm gồm 17 thẩm phán của ICJ đã ra phán quyết tuyên bố rằng tòa án công lý quốc tế này có thẩm quyền xét xử vụ kiện của Nam Phi, và đã thông qua 7 “biện pháp khẩn cấp” mà nguyên đơn yêu cầu. Ngoài ra, phán quyết cũng đòi hỏi Israel phải kiềm chế phạm tội diệt chủng. Các thẩm phán ra lệnh cho Nhà nước Do Thái phải trừng phạt các thành viên quân đội Israel có hành vi diệt chủng, cũng như các quan chức công khai kêu gọi diệt chủng người Palestine. Phán quyết của ICJ cũng tuyên bố rằng Israel phải bảo lưu bằng chứng về bất kỳ hành vi diệt chủng nào đã phạm phải rồi.

Các thẩm phán cũng phán quyết rằng Israel “cần ngay lập tức thực hiện các biện pháp hiệu quả để giải quyết những điều kiện sống bất lợi tại Dải Gaza”. Nhà nước Do Thái cũng được lệnh trong vòng một tháng từ sau phán quyết này phải báo cáo với ICJ về những gì họ đang làm để tuân thủ những biện pháp đã được ban hội thẩm thông qua.

Phán quyết của ICJ hôm 26/1 đã không chuẩn thuận hoàn toàn danh sách các yêu cầu của nguyên đơn Nam Phi, trong đó bao gồm một biện pháp ra lệnh cho Israel phải “đình chỉ ngay lập tức các hoạt động quân sự bên trong và nhắm vào Gaza”.

Dù vậy, Israel cũng đã có phản ứng ban đầu với phán quyết của ICJ. Nhà nước Do Thái đề nghị tòa án công lý quốc tế hãy hủy bỏ toàn bộ vụ án và gọi đó là “không xác thực và chỉ có lý ở bề ngoài”.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hoan nghênh ICJ quyết định không ra lệnh cho Israel ngừng bắn, nhưng ông phủ nhận cáo buộc diệt chủng, gọi cáo buộc đó là “xúc phạm”. Ông tuyên bố Israel sẽ tiếp tục tự vệ.

Mặc dù các phán quyết của ICJ là cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý, nhưng tòa án quốc tế này lại không có bất kỳ biện pháp nào để thực thi các phán quyết họ đưa ra. Tuy vậy, Bộ ngoại giao Palestine hôm 26/1 cũng đã lên tiếng hoan nghênh phán quyết của ICJ và gọi đó là “sự nhắc nhở quan trọng” rằng không quốc gia nào đứng trên pháp luật.

Quan chức cấp cao của Hamas, ông Sami Abu Zuhri nói với Reuters rằng phán quyết của ICJ góp phần “cô lập quân chiếm đóng và phơi bày tội ác của chúng tại Gaza”.

Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor hôm 26/1 nói rằng mục tiêu của đất nước bà là “nhấn mạnh cảnh ngộ khổ đau của những người dân vô tội tại Palestine” “thu hút sự chú ý về việc thiếu công lý và tự do”. Bà Pandor nói với Đài phát thanh Ubuntu rằng cho dù vụ án này diễn ra thế nào, thì Pretoria cũng đã đạt được những mục đích của mình rồi.

Nam Phi đã khởi kiện Israel lên ICJ vào tháng 12/2023, lập luận rằng Nhà nước Do Thái đang vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Diệt chủng thông qua việc “giết hại người Palestine ở Gaza, gây cho họ những tổn hại nghiêm trọng về thể xác và tinh thần, và đẩy họ vào những điều kiện sống có ý định khiến họ bị hủy hoại thân thể”.

Hoạt động quân sự của Israel tại Gaza sau ngày 7/10 đến nay đã khiến hơn 26.000 người Palestine thiệt mạng, trong đó có khoảng 2/3 là phụ nữ và trẻ em, theo số liệu mới nhất do Bộ Y tế Gaza của Hamas công bố. Ngoài ra, báo cáo của Liên Hiệp Quốc được công bố đầu tháng này cho biết khoảng 60% cơ sở hạ tầng tại Gaza đã bị phá hủy và ¼ dân số ở đây đang bị đói và không thể tiếp cận được nước sạch.

Hải Đăng