Nguồn gốc của con bò đắt nhất thế giới




Để tạo ra con bò 4,3 triệu USD, các chuyên gia lai bò bezu với bò Ongole của Ấn Độ nhằm tạo ra loài chịu nắng nóng, kháng ký sinh trùng và cho sản lượng thịt cao.

Một con bò trắng sừng sững với phần bướu đặc trưng ở lưng và những nếp da chảy quanh cổ trông giống chiếc khăn thời thượng đã lập kỷ lục đấu giá hồi tháng 6 năm ngoái tại Arandú, Brazil. Đó là một chiến thắng danh giá trên thị trường thịt bò toàn cầu, nhất là ở Brazine, nơi bò được nhân giống và nuôi dưỡng cẩn thận nhất, theo National Geographic.



Con bò tên Viatina-19 FIV Mara Imóveis đạt mức đấu giá 4,3 triệu USD năm ngoái. (Ảnh: OBT)

Khi cuộc đấu giá kết thúc, các nhà đầu tư phải trả mức giá kỷ lục 4,3 triệu USD cho con bò thuộc giống Nelore của Brazil, lai từ giống bò zebu cổ. Con bò chứng minh năng lực của Brazil trong ngành chăn nuôi gia súc hiện đại. Brazil đang giữ vị trí nước xuất khẩu thịt bò số 1 thế giới, đạt vị trí cao nhất cách đây 3 năm khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu từ Brazil sau khi đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi nghiêm trọng giết chết 28% số lợn nuôi trong nước. Brazil cũng xây dựng 4 lò mổ mới để phục vụ thị trường Trung Quốc, theo nhiếp ảnh gia kiêm nhà thám hiểm National Geographic Explorer Carolina Arantes.

Ngành chăn nuôi gia súc là một trong những tác nhân chính dẫn tới nạn chặt phá rừng ở Amazon trong 65 năm. Ngày nay, số lượng gia súc ở Brazil là 225 triệu con và nước này dự kiến tiếp tục thống trị thị trường thông qua tăng trưởng 35% trong 20 năm tới. Nhằm thúc đẩy ngành gia súc vào giữa thế kỷ 20, chính phủ Brazil trợ cấp cho các gia đình và nông dân chuyển tới vùng đồng quê, biến đổi rừng mưa thành đồng cỏ. Khi chăn nuôi phát triển, Brazil tìm cách cải thiện gia súc thông qua lai tạo. Thách thức nằm ở chỗ tìm ra động vật có thể chịu được khí hậu nhiệt đới và hệ sinh thái đa dạng trong nước. Các giống bò châu Âu (Bos taurus) như Herefords và Angus chịu được áp lực nhiệt nhưng năng suất rất thấp.


Bò zebu (Bos indicus), loài bò bản xứ ở Đông Nam Á, châu Phi và Trung Quốc, dẻo dai hơn. Nhìn chung, bò zebu thích nghi tự nhiên với nắng nóng nhờ sở hữu nhiều tuyến mồ hôi lớn. Da của chúng dày với bộ lông mịn phủ kín, giúp chúng ít bị côn trùng hút máu như muỗi đốt hơn. Việc lai với giống bò Ongole ở quận Nellore thuộc bang Pradesh, Ấn Độ, tạo ra giống bò thậm chí còn cứng cáp hơn là Nelore.

Bò Nelore có sức đề kháng với nhiều ký sinh trùng truyền nhiễm, có thể hạn chế vấn đề về dạ dày, nhưng Nelore và zebu, giống như mọi gia súc, đều thải ra methane thông qua chứng ợ hơi và đầy hơi. Methane có hại đối với khí quyển hơn carbon dioxide và khí ợ của bò chiếm 14,5% tổng lượng thải khí nhà kính toàn cầu. Một con bò có thể tạo ra 70 - 120 kg khí methane, theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ.

Với khả năng chịu nhiệt cao bẩm sinh và sống sót qua điều kiện khắc nghiệt như hạn hán, các giống lai từ bò zebu được xem như biểu tượng cho sản xuất thịt thân thiện với môi trường. Một số phân loài có tỷ lệ cơ bắp lớn hơn, qua đó giảm tác động tới môi trường thông qua sản xuất nhiều thịt từ diện tích đồng cỏ nhỏ hơn. Theo Gabriel Garcia Cid, chủ tịch Hiệp hội bò zebu Brazil, nguồn gene zebu là một trong những công cụ chính để chăn nuôi bền vững.


Sưu Tầm