Các chính sách năng lượng thiếu hiểu biết của Tổng thống Biden có thể khiến ông không tái đắc cử được







‘Generational’ Arctic blast hits Northeast US, Canada

Vụ "bung tỏa" gần đây ở Bắc Cực (Arctic Blast = ý muốn nói là luồng khí rất lạnh bung tỏa từ bắc cực tràn về BắcMỹ) là rất tốt cho nhu cầu khí đốt tự nhiên, nhưng vào thứ Sáu tuần trước (26/01), tôi đã kinh ngạc khi chính phủ Tổng thống Biden thông báo tạm dừng cấp giấy phép mới để xuất cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) do lo ngại về biến đổi khí hậu và an ninh quốc gia. Cụ thể, Tổng thống Joe Biden cho biết: “Chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng các tác động của việc xuất cảng LNG đối với chi phí năng lượng, an ninh năng lượng của Mỹ, và môi trường của chúng ta. Việc tạm dừng phê chuẩn LNG mới này cho thấy bản chất của cuộc khủng hoảng khí hậu: mối đe dọa sinh tồn của thời đại chúng ta.”

Trớ trêu thay, những người ủng hộ môi trường lại khẩn thiết muốn các quốc gia đang phát triển ngừng sử dụng than và đang thúc giục châu Âu cung cấp năng lượng cho nền kinh tế của mình mà không cần sử dụng khí đốt tự nhiên của Nga. Cho đến nay, mọi thứ vẫn tốt: Mong muốn này mở ra thị trường to lớn cho LNG của Hoa Kỳ. Nhưng chính những nhà bảo vệ môi trường này lại từ chối xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để vận chuyển LNG. Sự khước từ này bảo đảm khí đốt tự nhiên của chúng ta sẽ bị lãng phí (đốt cháy hết) trong các thế hệ mai sau. Tôi chỉ có thể nói rằng “sự không sáng suốt này là khó sửa đổi.” Việc ngừng mở rộng xuất cảng LNG sẽ chỉ dẫn đến lãng phí khí đốt tự nhiên của chúng ta. Theo tôi, một số kẻ quá khích trong chính phủ ông Biden đã ngốc nghếch đến mức cần phải loại bỏ.

Việc cấm xuất cảng LNG sẽ chỉ dẫn đến việc đốt than nhiều hơn, vốn đang bùng nổ trên toàn cầu, vì than rẻ và phổ biến ở Trung Quốc, Đông Âu, Ấn Độ, Indonesia, và nhiều nền kinh tế mới nổi khác. Hoa Kỳ đang dư thừa khí đốt tự nhiên vì phần lớn trong số đó là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất dầu thô. Vì chúng ta có nhiều khí đốt tự nhiên hơn mức chúng ta có thể sử dụng ở Hoa Kỳ, nên khí đốt sẽ bị lãng phí nếu chúng ta không xuất cảng.

Ông Mike Sommers, chủ tịch Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API), cơ quan vận động hành lang lớn nhất của ngành dầu khí, đã chỉ trích quyết định của chính phủ Tổng thống Biden, nói rằng quyết định này có lợi cho Nga và là một sự thất hứa với các đồng minh của chúng ta. Ông cũng cho biết thêm, “Đã đến lúc chính phủ phải ngừng chơi trò chính trị với an ninh năng lượng toàn cầu.” Ngoài ra, ông Neil Chatterjee, cựu chủ tịch Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang (FERC), do Tổng thống đương thời Donald Trump bổ nhiệm, nói rằng các dự án LNG giúp ích cho việc làm không chỉ ở các tiểu bang thuộc Đảng Cộng Hòa như Texas và Louisiana, nơi có hầu hết các cơ sở LNG, mà còn ở các tiểu bang chiến địa như Ohio và Pennsylvania, những nơi sản xuất một tỷ lệ đáng kể khí đốt tự nhiên cho Hoa Kỳ. Nói cách khác, Tổng thống Biden vừa thua ở Ohio và Pennsylvania, hai tiểu bang chiến địa quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) báo cáo rằng tồn kho dầu thô của Hoa Kỳ đã giảm trong những tuần gần đây và hiện ở mức 430 triệu thùng, tương đương 4% so với một năm trước. Tuần trước API đã đưa tin cho biết rằng tồn kho dầu thô đã giảm 6.7 triệu thùng trong tuần gần nhất. Tuy nhiên, API cũng báo cáo rằng tồn kho xăng đã tăng 7.2 triệu thùng trong tuần mới đây nhất, và nhiều người Mỹ đã không ra đường trong vụ bung tỏa khí lạnh ở Bắc Cực gần đây, vì vậy giá xăng tại trạm dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp cho đến khi nhu cầu tăng vào mùa xuân. Cho đến nay, giá dầu thô đã tăng hơn 10% kể từ ngày 08/01 do tồn kho thấp, hoạt động vận chuyển ở Hồng Hải bị gián đoạn, và bằng chứng cho thấy nhu cầu dầu thô có thể tăng do bất kỳ biện pháp kích thích kinh tế nào của Trung Quốc cũng như tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ.

Sự lan rộng của cuộc chiến ở Trung Đông cũng đã giúp thúc đẩy giá dầu thô, với việc các lực lượng ủy nhiệm của Iran đóng cửa hoạt động vận chuyển ở Hồng Hải một cách hiệu quả. Hơn nữa, quân đội Hoa Kỳ giờ đây thực sự là những “con piñata”, bị tấn công không ngừng nghỉ. Một số nhóm binh sĩ gần đây đã bị “chấn thương sọ não” do các cuộc tấn công bằng phi đạn vào căn cứ không quân Ain al-Asad ở Iraq. Các cuộc tấn công của hải quân Hoa Kỳ và Anh nhằm vào phiến quân Houthi ở Yemen vẫn tiếp diễn, và tám mục tiêu mới đã bị tấn công hôm thứ Hai tuần trước (22/01) trong một cuộc tấn công lớn. Ngoài ra, Hoa Kỳ đã tấn công các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Iraq sau vụ tấn công căn cứ không quân Ain al-Asad. Sự leo thang mới nhất là vụ tàu chở dầu Marlin Luanda bị một phi đạn của Houthi bắn trúng ở Vịnh Aden hôm thứ Sáu (26/01). Ngọn lửa đã không dập tắt được cho đến thứ Bảy (27/01). Trớ trêu thay, tàu Marlin Luanda lại chở naphtha của Nga, một sản phẩm dùng để sản xuất nhựa và xăng.

Do sự hỗn loạn ở Trung Đông và các tuyến đường vận chuyển bị gián đoạn, việc vận chuyển và sản xuất dầu thô có thể bị gián đoạn trong những tháng tới. Đừng ngạc nhiên nếu giá dầu thô đạt 80 USD trong đợt bùng phát tiếp theo ở Trung Đông. Sau khi Ukraine oanh tạc đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga và tuyến Đường sắt Xuyên Siberia, ngày càng có nhiều lo ngại rằng đường ống dẫn dầu thô của Nga có thể bị oanh tạc, điều cũng có thể khiến giá dầu thô tăng vọt. Cuộc tấn công lớn mới nhất của Ukraine là cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái vào cơ sở vận chuyển hóa chất ở cảng Ust-Luga vào tuần trước, cách St. Petersburg khoảng 100 dặm về phía tây nam. Cảng này là vị trí quan trọng đối với cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga. Cảng do Novatek, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai của Nga, vận hành.

••••••••••

Tôi vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào nguồn dự trữ năng lượng và lọc dầu sẽ tăng mạnh khi nhu cầu dầu thô theo mùa tăng lên vào mùa xuân. Vì bảy trong số tám người (87%) sống ở Bắc Bán Cầu — bảy tỷ so với một tỷ ở Nam Bán Cầu — nên nhu cầu dầu thô sẽ tăng lên một cách tự nhiên khi thời tiết cải thiện.


Louis Navellier
Biên dịch : Vân Du
Nguồn: The Epoch Times Vn