Ông Biden nổi giận khi bị công tố viên đặc biệt nói có 'trí nhớ kém'





Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng vào ngày 8/2/2024 tại Washington, DC. khi giải quyết báo cáo của Công tố viên đặc biệt Rober Hur. (Ảnh: Nathan Howard/Getty Images)
Công tố viên đặc biệt Robert Hur công bố kết quả điều tra vụ Tổng thống Mỹ xử lý tài liệu mật, trong đó nói ông Biden có trí nhớ kém. Ngay sau đó, ông Biden đã phẫn nộ phản bác kết luận này.

Công tố viên đặc biệt Robert Hur cho biết trong một báo cáo rằng ông đã chọn không đưa ra cáo buộc hình sự sau cuộc điều tra kéo dài 15 tháng vì ông Biden hợp tác và sẽ khó kết tội, đồng thời mô tả ông là một "người đàn cao tuổi, có thiện chí và trí nhớ kém".

Ông Hur hôm 8/2 công bố báo cáo dài 388 trang về việc Tổng thống Joe Biden, 81 tuổi, xử lý tài liệu mật, xác định ông Biden đã "cố tình" giữ lại những tài liệu về chính sách ngoại giao và quân sự ở Afghanistan.

Điều gây chú ý trong báo cáo là công tố viên đặc biệt Hur nói đã phát hiện ra Tổng thống Biden suy giảm năng lực trí tuệ tới mức không thể nhớ thời gian giữ chức phó tổng thống Mỹ dưới thời ông Barack Obama và ngày con trai Beau qua đời vì ung thư vào năm 2015.

Tài liệu của công tố viên Hur nhiều lần đề cập tới việc Tổng thống Biden phải gắng nhớ nhiều điều khi đọc thông tin cho người chắp bút cuốn hồi ký cũng như khi nói chuyện với các điều tra viên.

"Trong cuộc thẩm vấn với chúng tôi, trí nhớ của ông Biden còn tệ hơn", công tố viên Hur cho biết thêm.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson và nhiều lãnh đạo cấp cao đảng Cộng hòa tại Hạ viện cho biết tài liệu của công tố viên Hur "đáng quan ngại" và cho thấy ông Biden không phù hợp với vị trí tổng thống.

"Người đàn ông không có khả năng chịu trách nhiệm về việc xử lý sai tài liệu mật chắc chắc không phù hợp ngồi ở Phòng Bầu dục", các nghị sĩ Cộng hòa ra tuyên bố.

Sau khi báo cáo của công tố viên đặc biệt Hur được công bố, nhà lãnh đạo Mỹ đã có những phản ứng đầu tiên.

"Trí nhớ của tôi ổn. Thậm chí báo cáo còn đề cập rằng tôi không nhớ con trai mình qua đời lúc nào. Sao ông ta dám nói tới điều đó?", Tổng thống Biden phát biểu trên truyền hình trực tiếp hôm 8/2, cố kiềm chế cảm xúc phẫn nộ khi nhắc về tài liệu điều tra của công tố viên đặc biệt.

Khi được các phóng viên tại Nhà Trắng hỏi về kết luận trong báo cáo của Hur, ông Biden đáp trả: "Tôi là người cao tuổi có thiện chí và cũng biết rõ mình đang làm gì".

"Tôi là Tổng thống và tôi đã đưa đất nước này phục hồi. Hãy nhìn xem tôi đã làm được gì kể từ khi trở thành tổng thống",
ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.

Tổng thống Biden đã tuyên bố tái tranh cử vào tháng 11 năm nay và là ứng viên sáng giá nhất của đảng Dân chủ. Ông đang là tổng thống Mỹ đương nhiệm cao tuổi nhất lịch sử và nếu tái đắc cử, ông sẽ lãnh đạo nước Mỹ tới khi 86 tuổi.

Ông nhiều lần bị các đối thủ chính trị công kích vì các sự cố phát biểu nhầm và vấn đề tuổi tác, nhưng Tổng thống Mỹ khẳng định tuổi cao giúp ông có lợi thế là sự khôn ngoan và kinh nghiệm phong phú.

Tuy nhiên, hôm 7/2, Tổng thống Biden nhầm lẫn cuộc trò chuyện giữa ông với bà Merkel năm 2021 là diễn ra với cố thủ tướng Đức Helmut Kohl, người qua đời năm 2017.

Tại một buổi gây quỹ ở New York hôm 7/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kể lại cuộc trò chuyện năm 2021 giữa ông các lãnh đạo G7. Trong cuộc bàn luận này, các lãnh đạo cùng nói về vụ bạo loạn Đồi Capitol ở Washington vào ngày 6/1/2021.

"Khi tôi vừa được bầu làm tổng thống, tôi đã tham dự cuộc họp G7 với 7 nguyên thủ quốc gia ở châu Âu và Anh. Tôi ngồi xuống và nói 'chà, nước Mỹ đã quay trở lại'. Tổng thống Pháp liền nhìn tôi hỏi 'trong bao lâu?'. Tôi chưa bao giờ nghĩ theo cách này", ông Biden phát biểu trước đám đông tham dự sự kiện ở New York.


"Sau đó, Helmut Kohl của Đức nhìn tôi hỏi 'ông sẽ nói gì, thưa Tổng thống, nếu sáng mai ông đọc tờ London Times và biết rằng 1.000 người đã phá cửa trụ sở quốc hội Anh và giết chết một số người?", Tổng thống Mỹ kể tiếp.

Thực tế, người trò chuyện cùng ông Biden và các lãnh đạo G7 khi ấy là bà Angela Merkel, thủ tướng Đức lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng lại nhầm bà với cố thủ tướng Helmut Kohl, người lãnh đạo Đức từ năm 1982 đến 1998, là nam giới và đã qua đời từ năm 2017.

Trước đó, ông Biden cũng nhầm Tổng thống Emmanuel Macron với cố lãnh đạo Pháp Francois Mitterand, người qua đời năm 1996, khi vận động tranh cử ở Las Vegas.

Trong bài phát biểu ở thành phố Las Vegas, bang Nevada ngày 5/2, Tổng thống Mỹ Biden kể lại cuộc trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức khi đó Angela Merkel tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh tháng 6/2021.

"Ngay sau khi đắc cử, tôi đến dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở miền nam nước Anh. Tôi ngồi xuống và nói 'Nước Mỹ đã trở lại'. Tổng thống Đức Mitterand, ý tôi là Pháp, nhìn tôi và nói 'Các ông sẽ trở lại trong bao lâu'", ông Biden nói.

Mitterand là tổng thống Pháp từ năm 1981 đến năm 1995. Ông qua đời năm 1996. Nhà Trắng sau đó đăng tải nội dung bài phát biểu trên trang web với phần tên "Mitterrand" đã được thay thế bằng "Macron".

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã chế giễu sự cố nhầm lẫn của Tổng thống Mỹ. "Thế giới đang gặp nguy hiểm khi người nắm giữ các mã hạt nhân nói chuyện với tổng thống Pháp quá cố Mitterand", ông Medvedev viết.

Cựu tổng thống Trump, 77 tuổi, đối thủ tiềm năng của ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11, hiện cũng đang phải đối mặt cáo buộc liên quan việc xử lý sai tài liệu mật. Ông Trump bị công tố viên đặc biệt Jack Smith truy tố và cáo buộc gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia khi giữ thông tin quốc phòng, hạt nhân tuyệt mật sau khi rời Nhà Trắng.

Viên Minh (tổng hợp)