Ba thất bại lớn nhất trong giáo dục mang lại bất hạnh cho tương lai của trẻ




Giáo dục là nỗ lực chung và không bao giờ là kết quả từ một phía. Giáo dục thành công đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp của nhiều bên, từ gia đình, ông bà, học sinh đến nhà trường và thầy cô giáo. Tất cả các bên đều cần cùng nhau đồng hành và hỗ trợ để đạt được hiệu quả tốt nhất. Trên con đường giáo dục, phụ huynh, giáo viên và học sinh mỗi người cần làm tròn trách nhiệm, phát huy vai trò của mình thì giáo dục mới có thể thành công.



Giáo dục thành công đòi hỏi sự nỗ lực chung của nhiều bên, từ gia đình, ông bà, cha mẹ, giáo viên, học sinh,…(Ảnh: Prostock-studio/ Shutterstock)

Ba hiện tượng thất bại nhất trong giáo dục có hại rất lớn đối với con trẻ. Trong đó: sự “vượt quyền” của cha mẹ trong giáo dục có tác hại lớn nhất đối với trẻ, sự “nhượng bộ” của giáo viên là thiếu trách nhiệm đối với học sinh, học sinh hiểu sai về giáo dục sẽ khiến các em đánh mất tương lai của mình.

Cha mẹ “quá phận”, nuông chiều quá mức

Cha mẹ nào cũng đều yêu thương và mong muốn bảo bọc con cái của mình, nhưng đôi khi sự cưng chiều quá mức sẽ khiến con cái không thể tiến xa được trong tương lai. Vì vậy, việc cha mẹ thương con là điều dễ hiểu nhưng phải biết cách giáo dục con đúng cách để chúng có thể trưởng thành và có đủ năng lực để sống một cách độc lập.

Trên thực tế, có quá nhiều bậc cha mẹ thường thích “vượt quá bổn phận” của mình và chăm lo mọi mặt trong cuộc sống với hy vọng con cái có một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng sự nuông chiều quá mức như vậy thường gây phản tác dụng.

Có một câu chuyện như thế này: Tại Trung Quốc, một thần đồng 13 tuổi đã được nhận vào một trường danh tiếng với điểm số cao và trở thành sinh viên đại học trẻ nhất lúc bấy giờ, năm 17 tuổi cậu được nhận vào Học viện Khoa học Trung Quốc với tư cách là một nghiên cứu sinh. Nói một cách logic, tương lai của cậu vô cùng tươi sáng, nhưng năm 20 tuổi cậu đã bị Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc khuyên nghỉ việc. Lý do chính là vì cậu không thể tự chăm sóc bản thân.

Hóa ra người mẹ của cậu bé nghĩ rằng chỉ cần con mình học tập tốt là đủ rồi, cô sẽ làm mọi việc khác cho con, từ giặt quần áo cho con, bưng thức ăn, rửa mặt cho con, thậm chí còn tự mình đút thức ăn cho con đề phòng trường hợp con đang đọc sách trong khi ăn.

Nếu một đứa trẻ không phát triển khả năng sống tự lập khi còn nhỏ thì khi lớn lên đương nhiên sẽ không thể tự lo cho cuộc sống của mình, có thể đứa trẻ sẽ học rất giỏi, nhưng nó lại không thể chịu đựng được bất kỳ thử thách khó khăn nào.



Nếu một đứa trẻ không phát triển khả năng sống độc lập khi còn nhỏ, nó có thể không chịu được bất kỳ trở ngại nào. (Ảnh: milatas/ Shutterstock)

Giáo viên nhượng bộ, từ bỏ nguyên tắc

Nếu giáo viên không dám kỷ luật trong giảng dạy sẽ đánh mất tương lai của học sinh. Trong giáo dục trước đây, “thước kẻ” luôn nằm trong tay giáo viên. Nhưng bây giờ không chỉ thước kẻ đã mất đi tác dụng của mình mà quyền kỷ luật học sinh của giáo viên cũng dần mất đi. Thời nay, cho dù giáo viên có muốn quản lý học sinh nhưng không quản lý được và không dám quản lý.

Một giáo viên đã kể lại trải nghiệm của chính mình. Trong lớp có một học sinh nghịch ngợm, thầy đã nhắc nhở nhiều lần nhưng học sinh này không chịu nghe, cuối cùng không chịu nổi nữa, thầy bắt học sinh đó đứng im 15 phút. Kết quả là sau khi về nhà, học sinh này đã nói với phụ huynh rằng bị giáo viên đánh.

Phụ huynh rất tức giận mà không phân biệt trắng đen đã đến trường gây rắc rối cho giáo viên này, thậm chí sau đó còn viết đơn kiện lên Phòng Giáo dục. Dù sự thật cuối cùng cũng được phơi bày, giáo viên không bị trách phạt. Nhưng sau sự việc này, người giáo viên trở nên im lặng hơn và không còn muốn quản giáo học sinh nữa, bởi vì thêm một chuyện không bằng bớt đi một chuyện. Suy cho cùng vị giáo viên vẫn cần phải nuôi gia đình, nếu còn muốn làm giáo viên thì không thể quản giáo quá nhiều đối với học sinh được.

Trước đây, khi giáo viên phạt học sinh, phụ huynh biết được còn đến cảm ơn giáo viên và yêu cầu giáo viên tiếp tục giáo dục con mình một cách nghiêm khắc. Tuy nhiên, khi giáo viên bỏ bê, không quản giáo học sinh nữa thì người chịu thiệt thòi tạm thời là giáo viên, nhưng chính học sinh lại là người chịu thiệt thòi suốt quãng đời còn lại.



Khi giáo viên bỏ rơi học sinh và không kỷ luật học sinh nữa thì người thầy là người chịu thiệt nhất thời, còn đứa trẻ là người thiệt thòi cả đời. (Ảnh: New Africa/ Shutterstock)

Học sinh hiểu sai về giáo dục làm lãng phí cuộc đời của bản thân

Quá trình học tập không chỉ để học sinh tích lũy kiến thức, rèn luyện năng lực mà còn tạo dựng nền tảng giúp các em có thể lưu lại xã hội và phát triển bản thân.

Ngày nay, nhiều học sinh thường phàn nàn về việc học tập nhàm chán, nhưng không biết rằng vì sự lười biếng của bản thân mà sau này chúng có thể sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

Có câu nói “ngành nghề nào cũng có trạng nguyên”, ý nói chỉ cần quyết tâm, nhiệt tình học tập rèn luyện thì dù làm ở ngành nghề nào cũng sẽ có thành tựu, nhưng không biết từ bao giờ trong xã hội lại lưu hành thuyết “học tập là vô ích”.

Bây giờ có rất nhiều người nói kiểu như: “Tốt nghiệp đại học lại thất nghiệp, đọc nhiều sách như vậy có ích gì?” “Tốt nghiệp cử nhân thì sao? Cũng chỉ để làm việc cho một ông chủ có trình độ học vấn thấp thôi sao”.

Kết quả là, những đứa trẻ chịu áp lực học tập lớn sẽ không còn ham thích học tập và học tập một cách chăm chỉ nữa. Chúng chỉ muốn suốt ngày xem TV, chơi game… thậm chí còn muốn bỏ dở việc học và sớm làm việc ngoài xã hội. Cuối cùng, bước đầu tiên sai và kéo theo các bước sau đều sai, từ đó làm hỏng tương lai và sự nghiệp sau này của bản thân.

Nếu không muốn bây giờ phải chịu khổ trong học tập thì sau này sẽ phải chịu khổ trong cuộc sống. Có người nói: “Sự lười biếng học hành có thể rất sung sướng bây giờ nhưng nó sẽ trở thành một ‘cái tát vào mặt bạn’ trong tương lai”. Là học sinh việc nhiệm vụ quan trọng nhất ở giai đoạn này là nắm vững kiến ​​thức và đặt nền móng tốt cho cuộc sống sau này của bản thân. Cho dù đó là học tập ở trường lớp hay tự học ở nhà thì đây vẫn là quá trình trưởng thành không thể thiếu của bất kỳ ai trong cuộc sống.

Đằng sau mỗi đứa trẻ xuất sắc là một quá trình nỗ lực, cũng như sự cống hiến hết mình của phụ huynh và thầy cô. Trên thế giới này không bao giờ có bữa trưa miễn phí và quá trình giáo dục đều cần có sự nỗ lực chung sức của tất cả các bên.

Gia Huệ, Vision Times