Ở Trung Quốc có bao nhiêu căn hộ bị bỏ trống? 82 triệu người Đức chuyển vào ở cũng vẫn không thể lấp đầy






Một người phụ nữ đi ngang qua khu phức hợp Evergrande Palace của Tập đoàn Evergrande ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 29/1/2024. (Ảnh: GREG BAKER/AFP via Getty Images)

Có bao nhiêu ngôi nhà bị bỏ trống ở Trung Quốc? Một doanh nhân người Đức ở Trung Quốc nói rằng nếu tính cả dân số Đức, mỗi người ở một căn hộ cũng vẫn dư thừa.

Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, gần đây đã trả lời phỏng vấn trong chương trình “60 Minutes” của CBS và nói về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng như cuộc khủng hoảng bất động sản.

Doanh nhân người Đức này đã sống và làm việc tại Trung Quốc hơn 30 năm. Ông là đại diện cho công ty BASF của Đức ở Trung Quốc, nhà sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới.

Khi nói về tác động của các chính sách chống dịch Covid-19 đối với Trung Quốc, ông Wuttke nói rằng ông chưa bao giờ thấy một sự biến động như vậy ở Trung Quốc kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989. "Điều mà chính quyền [Trung Quốc] không sẵn sàng chấp nhận nhất chính là sự biến động".

Ông Wuttke mô tả Trung Quốc hiện nay là một quốc gia mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD): “Nhiều thành phố ở Trung Quốc đã bị phong tỏa [trong thời kỳ dịch bệnh] và mọi người đều bị sang chấn vì lệnh phong tỏa này”.

Ông kể rằng trong thời gian phong tỏa, người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gửi đi thông điệp rằng: “Đây là vì sự an toàn của người dân”. Nhưng đột nhiên Bắc Kinh lại dỡ bỏ lệnh phong tỏa - thực tế là họ không thể không mở cửa.

"Các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ nhận rằng họ đã sai. Đây không phải là một hệ thống [dám] thừa nhận rằng họ đã làm sai điều gì đó. Sau đó, Covid quét qua Trung Quốc như một cơn sóng thần", ông Wuttke nói.

Ông cho rằng sau khi chính sách ngăn chặn dịch bệnh được nới lỏng, có khoảng 1 tỷ người Trung Quốc đã bị nhiễm bệnh vào tháng 12/2022 và tháng 1/2023.

Ông nói thêm: "Tất nhiên, rất nhiều người đã chết. Một môi trường như thế này thực sự sẽ làm bạn thay đổi thái độ đối với cuộc sống. Và sau đó là công việc kinh doanh, chúng tôi những tưởng rằng có thể làm lại … nhưng sau đó nền kinh tế [Trung Quốc] về cơ bản đã đi ngang".

So với các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, nơi có sự phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng sau dịch Covid, tại sao điều tương tự lại không xảy ra ở Trung Quốc?

Ông Wuttke nói: "Tôi nghĩ rằng dịch bệnh đã che đậy một số vấn đề dài hạn mà Trung Quốc đã tích lũy từ lâu. Ví dụ như trong lĩnh vực bất động sản".

Khi được hỏi ước tính có bao nhiêu căn nhà trống ở Trung Quốc, ông Wuttke trả lời: “Cả nước Đức có 82 triệu người, toàn bộ số người này có thể chuyển đến đây ở ngay lập tức, [ở Trung Quốc] có ít nhất 80 đến 90 triệu căn hộ trống và chưa hoàn thiện”.

Trong nhiều năm qua, bùng nổ bất động sản đã tạo ra hàng triệu việc làm, và các ngân hàng Trung Quốc cũng rất sẵn lòng cho các nhà phát triển vay vốn.

Nhưng đến năm 2020, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra chính sách trấn áp các chủ đầu tư bất động sản và hạn chế ngân hàng cho vay, điều này khiến các chủ đầu tư lớn vỡ nợ và cạn vốn, thậm chí còn không đủ khả năng chi trả cho việc dỡ bỏ cần cẩu.

Phóng viên cấp cao của CBS, bà Lesley Stahl, nói rằng 10 năm trước, khi họ đưa tin về ngành bất động sản ở Trung Quốc, họ đã nhìn thấy những tòa nhà bị bỏ trống ở hết thành phố này đến thành phố khác; 10 năm sau, họ thấy những căn hộ đó vẫn chưa có người ở và chưa hoàn thiện.

Bong bóng bất động sản ở Trung Quốc ngày càng lớn và cuối cùng vỡ tung, mà cuộc khủng hoảng nhà ở này lại là nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Bên cạnh các chủ đầu tư, còn có hàng triệu người dân bình thường ở Trung Quốc rơi vào cảnh khốn cùng vì đã mua nhà tại những dự án còn dang dở này.

Ông Wuttke nói: "Các nhà phát triển nợ khách hàng (người mua nhà) 1 nghìn tỷ USD. Không còn tiền nữa, kết thúc rồi. Vậy nên, ý tôi là, nó thực sự rất kịch tính".


Ông nói rằng, 10 năm trước, người dân Trung Quốc đã tiết kiệm tiền để mua nhà và nghỉ hưu, 2/3 tài sản của gia đình họ đều đặt vào căn nhà; 10 năm sau, sự mất mát tài sản đã tiếp tục kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng và kéo nền kinh tế của Trung Quốc đi xuống.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch