Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu cán bộ Ngân Hàng Nhà Nước nhắc vụ 3 người chết





SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tại phiên tòa xử vụ Vạn Thịnh Phát đang diễn ra ở Sài Gòn, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh Tra của Ngân Hàng Nhà Nước, khai rằng muốn trả lại $5.2 triệu mà bà đã nhận hối lộ, nhưng không dám vì “thấy nhiều người chết.”

Theo báo Dân Việt hôm 8 Tháng Ba, khoản tiền nêu trên được bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhờ thuộc cấp, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc ngân hàng SCB, đưa cho bà Nhàn trong bốn lần gặp tại Hà Nội.



Lần hiếm hoi bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh Tra của Ngân Hàng Nhà Nước, ngẩng mặt nhìn lên tại phiên tòa xử vụ Vạn Thịnh Phát ở Sài Gòn. (Hình: Lê Giang/Dân Việt)

Cáo trạng vụ án Vạn Thịnh Phát quy kết rằng bị cáo Nhàn cùng một số cán bộ của Ngân Hàng Nhà Nước nhận hối lộ của bà Lan rồi báo cáo không trung thực, bao che, bưng bít thông tin, giúp ngân hàng SCB, thuộc sở hữu của bà Lan, không bị liệt vào diện “theo dõi đặc biệt” mà được “tái cơ cấu.” Từ đó, bà Trương Mỹ Lan tiếp tục thao túng, rút tiền của nhà băng này.

Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Đỗ Thị Nhàn biện hộ rằng bà không muốn nhận $5.2 triệu nhưng lại bị bị cáo Văn dọa: “Đừng làm khó Văn và cũng đừng làm khó bản thân.”

Bị cáo Nhàn nói thêm rằng, đoàn cán bộ thanh tra của Ngân Hàng Nhà Nước từng trả lại quà của SCB một lần và sau đó, có một người tự xưng là “bạn của Văn” đến nơi làm việc để “nói chuyện” khiến mọi người “rất sợ.”

Đây là lần hiếm hoi các báo ở Việt Nam đả động chuyện có người chết “bí ẩn” trong vụ án Vạn Thịnh Phát, kể từ thời điểm bà Trương Mỹ Lan bị bắt vào hồi Tháng Mười, 2022.

Trước đó báo VietNamNet hôm 5 Tháng Ba xác nhận có ba trường hợp thiệt mạng đều bị cáo buộc là “người giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của ngân hàng SCB,” nhưng do những người này đã qua đời nên không bị xem xét xử lý hình sự.

Đó là trường hợp bà Nguyễn Phương Hồng (phó tổng giám đốc ngân hàng SCB), ông Nguyễn Tiến Thành (thành viên Hội Đồng Quản Trị ngân hàng SCB) và ông Nguyễn Ngọc Dương (tổng giám đốc tập đoàn Sài Gòn Peninsula, công ty con của Vạn Thịnh Phát).



Bị cáo Trương Mỹ Lan (giữa), cựu chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát. (Hình: Lê Giang/Dân Việt)

Hồi hồi Tháng Mười, 2022, trong lúc các báo Việt Nam né tránh tin về ba cái chết kể trên, báo The Singapore Post của Singapore đưa tin rằng ông Chu Nap Kee (Chu Lập Cơ), chồng bà Trương Mỹ Lan, là người Quảng Đông và kinh doanh bất động sản, được cho là “có họ hàng xa” với ông Chu Vĩnh Khang, cựu bộ trưởng Công An Trung Quốc. Ông Khang tuy bị “thất sủng” nhưng vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các thành viên cấp cao của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Báo này nêu suy đoán rằng ông Nguyễn Tiến Thành, ông Nguyễn Ngọc Dương và bà Nguyễn Phương Hồng “đã bị gián điệp Trung Quốc” loại bỏ để cứu bà Trương Mỹ Lan, vì ba người này nắm giữ bằng chứng cho tất cả những hành vi sai trái của bà ta. (N.H.K)