10.000 bước mỗi ngày giúp người ngồi lâu giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong: Nghiên cứu







Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên cho thấy mối liên hệ giữa số bước đi với việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong. (Pickpik)

Trong một thế giới mà công việc bàn giấy và giải trí kỹ thuật số giam chân chúng ta vào ghế, nghiên cứu này vẫn đóng vai trò như một lời kêu gọi hành động: Sức mạnh để thay đổi vận mệnh sức khỏe thực sự nằm ngay dưới chân mình.

Trong thời đại mà lối sống ít vận động đã trở thành chuẩn mực, một nghiên cứu từ Trung tâm Charles Perkins thuộc Đại học Sydney khẳng định rằng đi bộ trung bình 10.000 bước mỗi ngày có thể giảm 39% nguy cơ tử vong và 21% nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bất kể bạn ngồi bao lâu. Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Y học Thể thao Anh.


Với sự tham gia của hơn 72.000 cá nhân, nghiên cứu này nổi bật là nghiên cứu đầu tiên đo lường một cách khách quan, thông qua các thiết bị đeo ở cổ tay, tác động của các bước đi hàng ngày trong việc bù đắp những nguy cơ tiềm ẩn của việc ngồi lâu và không hoạt động.

Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên cho thấy mối liên hệ giữa số bước đi với việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong.

Trong một thế giới mà công việc bàn giấy và giải trí kỹ thuật số giam chân chúng ta vào ghế, nghiên cứu này vẫn đóng vai trò như một lời kêu gọi hành động: Sức mạnh để thay đổi vận mệnh sức khỏe thực sự nằm ngay dưới chân mình.

Tác giả chính và nhà nghiên cứu tại Trung tâm Charles Perkins, Matthew Ahmadi, nhấn mạnh rằng mặc dù việc tăng số bước đi hàng ngày là tốt nhưng nó không thể thay thế cho việc giảm thời gian ngồi lâu.

"Đây không phải là tấm thẻ 'miễn tội' cho những người ngồi quá nhiều trong thời gian dài, tuy nhiên, nó mang lại một thông điệp quan trọng về sức khỏe cộng đồng rằng mọi hoạt động đều có ý nghĩa, mọi người có thể và nên cố gắng bù đắp những hậu quả về sức khỏe của thói quen ngồi quá lâu bằng cách tăng số bước đi hàng ngày," ông Ahmadi nói.

Với sự phát triển của các thiết bị đeo kỹ thuật số giúp theo dõi hoạt động thể chất thuận tiện hơn, Giáo sư Emmanuel Stamatakis, tác giả chính, Giáo sư và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị đeo Mackenzie tại Trung tâm Charles Perkins, cho biết: “Nghiên cứu này sử dụng thiết bị đo mang lại cơ hội to lớn cho sức khỏe cộng đồng”.

“Số bước chân là một thước đo hoạt động thể chất dễ hiểu và hữu hình, có thể giúp mọi người trong cộng đồng và cả các chuyên gia y tế theo dõi chính xác hoạt động thể chất”.

“Dựa vào thiết bị đo, chúng tôi hy vọng nó sẽ cung cấp thông tin cho thế hệ đầu tiên về hướng dẫn hoạt động thể chất và hành vi ít vận động, bao gồm các khuyến nghị chính về việc đi bộ hàng ngày”.

Sử dụng dữ liệu từ Biobank Vương quốc Anh, những người tham gia nghiên cứu có độ tuổi trung bình là 61 và 58% là nữ.

Theo dõi hoạt động thể chất trong bảy ngày, các thiết bị đeo ở cổ tay cung cấp thông tin chi tiết về số bước đi hàng ngày của mỗi người tham gia và lượng thời gian họ dành cho trạng thái ít vận động, chẳng hạn như ngồi hoặc nằm khi thức.

Nhóm nghiên cứu cũng theo dõi kết quả sức khỏe của người tham gia bằng cách kiểm tra hồ sơ bệnh viện và sổ đăng ký tử vong theo thời gian.

Nghiên cứu đã tìm thấy trung bình mỗi ngày chủ thể nghiên cứu thực hiện khoảng 6.222 bước, với 5% nhóm có số bước thấp nhất đi xấp xỉ 2.200 bước mỗi ngày. Lượng bước chân thấp hơn này được dùng như là mức cơ sở để đánh giá tác động của việc tăng cường hoạt động thể chất lên nguy cơ tử vong và bệnh tim mạch.

Những người tham gia được phân loại dựa trên thời gian ngồi của họ, với những người dành hơn 10.5 tiếng mỗi ngày cho các hoạt động ít vận động được coi là có lối sống ngồi lâu, và những người dành ít thời gian hơn được coi là có lối sống ít ngồi.

Để đảm bảo tính chính xác của những phát hiện, các nhà nghiên cứu đã điều chỉnh các yếu tố thiên lệch tiềm ẩn khác nhau, loại trừ những người có tình trạng sức khỏe từ trước, những người thiếu cân hoặc đã trải qua một sự kiện sức khỏe trong hai năm đầu tiên của nghiên cứu.

Họ cũng cân nhắc các yếu tố như tuổi tác, giới tính, dân tộc, trình độ học vấn, thói quen hút thuốc, lượng rượu bia tiêu thụ, chế độ ăn uống và tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch và ung thư.


Sau thời gian theo dõi trung bình 6,9 năm, đã có 1.633 trường hợp tử vong và 6.190 sự cố về tim mạch xảy ra trong số những người tham gia.

Cân nhắc những ảnh hưởng có thể có khác, nghiên cứu xác định rằng số bước lý tưởng hàng ngày để giảm tỷ lệ tử vong và nguy cơ mắc bệnh tim mạch dao động từ 9.000 đến 10.000 bước.

Đối với cả hai kết quả, một nửa lợi ích về sức khỏe đã đạt được với số bước đi hàng ngày từ 4.000 đến 4.500 bước.

Trung tâm Charles Perkins thuộc Đại học Sydney báo cáo rằng nghiên cứu có những hạn chế, đồng thời cho biết thêm rằng mặc dù nghiên cứu chỉ mang tính quan sát và không thể xác định mối quan hệ nhân quả trực tiếp, bất chấp quy mô mẫu lớn và thời gian theo dõi kéo dài giúp giảm thiểu sai lệch, các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng các yếu tố không được tính đến vẫn có thể ảnh hưởng đến kết quả.

Tuy nhiên, nghiên cứu nhấn mạnh những lợi ích về sức khỏe của việc tăng số bước đi hàng ngày.

“Bất kỳ lượng bước đi hàng ngày nào vượt quá mức tham chiếu 2.200 bước đều có liên quan đến tỷ lệ tử vong và nguy cơ mắc bệnh tim mạch (CVD) thấp hơn, bất kể thời gian ngồi ít hay nhiều,” các tác giả kết luận.

Theo Kerry Meadows-Bonner - The Epoch Times
Hoàng Tuấn