Nhiều hãng Mỹ đến Việt Nam tìm cách bán thiết bị cho công an





HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hàng chục công ty Mỹ sẽ gặp gỡ Bộ Công An và Bộ Quốc Phòng CSVN vào tuần tới nhắm tới việc ký một thỏa thuận nhằm tạo điều kiện cung cấp (bán) thiết bị cho công an, theo Reuters.

Các cuộc gặp dự trù diễn ra vào ngày 18 Tháng Ba, là một phần của cuộc đối thoại dẫn tới việc nâng cấp quan hệ lên “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện” vào Tháng Chín, 2023, khi Tổng Thống Joe Biden đến Hà Nội và Washington tìm cách giành được ảnh hưởng ở quốc gia Đông Nam Á mang tính chiến lược này.



Xe bọc thép của lực lượng Cảnh Sát Cơ Động ở Hà Nội. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP via Getty Images)

Đồng thời, cần lưu ý rằng Việt Nam cũng có quan hệ chiến lược với Trung Quốc.

Ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội Đồng Kinh Doanh Mỹ-Asean (US-ABC), nhóm vận động tổ chức sự kiện, cho Reuters biết, thỏa thuận không ràng buộc có thể được ký kết bên lề các cuộc họp và sẽ giúp các giao dịch trong tương lai trở nên dễ dàng hơn.


Ông Thành lưu ý rằng nhóm này trong những năm qua đã ký các hiệp định tương tự với các bộ khác của Việt Nam.

US-ABC đã thảo luận trong nhiều tháng về biên bản ghi nhớ với Bộ Công An, ông Thành cho biết và lưu ý rằng thỏa thuận sẽ là giữa Bộ Công An và US-ABC, không có sự tham gia trực tiếp của các công ty.

Ngoài ra ông Thành cũng cho biết hãng hàng không và quốc phòng khổng lồ Boeing sẽ tham gia các cuộc họp, nhưng không tiết lộ danh sách đầy đủ những người tham gia và từ chối cho biết liệu các công ty Mỹ tham gia vào các cuộc đàm phán quốc phòng trước đây có tham dự hay không.


“Boeing sẽ nêu bật mối quan hệ hợp tác ngày càng tăng của công ty với Việt Nam và các cơ hội tăng cường năng lực không gian của nước này”, đại diện Boeing nói với Reuters trong qua email.

ATMO, hãng cung cấp dự báo khí tượng bằng AI- trí tuệ nhân tạo- cho các chính phủ và quân đội, cũng sẽ tham gia các cuộc họp, ông Thành và công ty này cho biết.

US-ABC, với các thành viên bao gồm một số tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, đã gửi bản dự thảo thỏa thuận tới Bộ Công An, bao gồm các lĩnh vực mà “các công ty của chúng tôi có thể trợ giúp,” bao gồm cung cấp công nghệ phát hiện và ngăn chặn tội phạm, phân tích dữ liệu lớn, máy bay trực thăng, dịch vụ hàng không và an ninh mạng, theo lời ông Thanh.

Chi tiết về cuộc đàm phán với lực lượng an ninh của đất nước do chính quyền Cộng Sản cai trị nêu trên chưa từng được tiết lộ trước đó.

Ông Thành cho biết vẫn chưa rõ liệu Bộ Công An có ký thỏa thuận hay không. Bộ Công An đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Quốc Hội CSVN đã phê chuẩn vào Tháng Sáu, 2022, việc thành lập một đơn vị cảnh sát cơ động để giải quyết tội phạm, khủng bố và bạo loạn. Đơn vị này cần được cung cấp các trang bị, bao gồm cả máy bay trực thăng.

Giới chức Mỹ đã công khai nói rằng Washington sẵn sàng tăng cường phòng thủ cho Việt Nam, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi thường xuyên mâu thuẫn với Trung Quốc về các tranh chấp chủ quyền lãnh hải.

Việc hỗ trợ cho lực lượng công an có thể gây ra nhiều tranh cãi.

Báo cáo mới nhất của Bộ Ngoại Giao Mỹ về nhân quyền ở Việt Nam, công bố năm ngoái, đã cảnh báo về những vi phạm nghiêm trọng và trích dẫn “những báo cáo đáng tin cậy cho thấy các thành viên của lực lượng an ninh đã có nhiều hành động vi phạm.”

Bộ Ngoại Giao CSVN cho biết báo cáo này có tính thiên vị và dựa trên thông tin không chính xác.

SpaceX, công ty đã tham gia một phái đoàn doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đến Việt Nam vào năm ngoái, sẽ không tham gia các cuộc họp vào tuần tới, sau khi công ty không xin được giấy phép cho dịch vụ quốc phòng và liên lạc vệ tinh Starlink tại Việt Nam, ông Thành cho biết.

Reuters đưa tin độc quyền vào Tháng Hai rằng các cuộc đàm phán của SpaceX với Việt Nam về Starlink đã bị tạm dừng.

Ông Thành cho biết, các cuộc hội thảo về an ninh vào tuần tới sẽ là nơi gặp gỡ giữa các giới chức chính phủ Việt Nam và đại diện của khoảng 50 công ty Mỹ, đây là một phần trong việc kinh doanh của Mỹ tại Việt Nam. (MPL)