50 NĂM TƯỞNG NIỆM HOÀNG SA
CÓ CÁCH NÀO LẤY LẠI HS/TS ?





Dù quốc tế hay Việt Nam, bất cứ cuộc tranh luận nào về quần đảo Hoàng Sa/Trường Sa đều không thể không nhắc đến quân đội VNCH đã bảo vệ Hoàng Sa trong một trận hải chiến giữa VNCH và Trung Cộng vào ngày 19-1-1974. Cho nên trận hải chiến này và 74 chiến sĩ VNCH đã tử trận tại đây là “tấm bia chủ quyền bằng máu” sẽ còn mãi trong lịch sử thế giới. Bia bằng đồng, bằng đá có thể bị di dời, phá bỏ, nhưng bia sử sách về trận hải chiến này sẽ còn mãi. Tên tuổi của 74 chiến sĩ hy sinh được tổ quốc ghi ơn và ngay cả nhà cầm quyền CSVN hiện nay, dù muốn dù không, cũng phải nhờ đến những hy sinh này như một trong những chứng tích quan trọng để chứng minh chủ quyền của VN trên vùng Hoàng Sa/Trường Sa (HSTS).


Ngày nay TC đã chiếm giữ và xây cất nhiều căn cứ quân sự tại HSTS và đang cố kiểm soát cả vùng biển bao la xung quanh để biến thành tiền đồn bảo vệ đất nước của họ, vậy VN có cách nào để dành lại chủ quyền trên vùng biển và đảo này không?

VN có cách nào dành lại chủ quyền trên Biển Đông và Hoàng Sa/Trường Sa?
VN từng là chủ sở hữu HSTS theo truyền thống và lịch sử, được quốc tế công nhận qua nhiều Hiệp Định khác nhau, nhưng thực tế hiện nay TC đã chiếm giữ toàn thể Hoàng Sa, phần lớn Trường Sa với những căn cứ hảI quân, không quân to lớn, lại thêm tàu cảnh sát biển và ngư dân võ trang luôn có mặt trên khắp Biển Đông đe doạ ngư dân VN, đôi khi chỉ cách đất liền VN chừng 100 km. Chính TC đã đã đưa tàu thăm dò đại dương vào hoạt động trong hải phận VN và tàu hải quân hoặc cảnh sát biển TC đã cản trở việc thăm dò và khai thác dầu khí của VN ngay trong hải phận của mình. Mỗi lần như vậy, Bộ Ngoại Giao VN lại lên tiếng “VN có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền trên HSTS/ Biển Đông, không thể tranh cãi, và chỉ trích TC có những hành động nguy hiểm, yêu cầu phía TC phải chấm dứt ngay những hành động tương tự”.

Thế thôi! Những hành động của TC vẫn lại tái diễn trong nhiều năm qua. Tại sao chính quyền Hà Nội không làm gì khác hơn nữa hoặc kiện TC ra trước toà án quốc tế? Liệu VN có cách nào dành lại chủ quyền trên Biển Đông và HSTS không?

1- Giải pháp “Tiên lễ, hậu binh”?

Từ xa xưa để giải quyết những bất đồng về quyền lợi giữa các quốc gia, các nhà cầm quyền thường áp dụng giải pháp “tiên lễ, hậu binh” nghĩa là thương lượng trước và nếu không được thì phải dùng tới súng đạn. Từ gần 1 thế kỷ qua, nền kinh tế và giao thương toàn cầu phát triển hơn, nên kinh tế cũng trở thành một sức mạnh để nước này dùng làm áp lực đối với nước khác.

Do đó để giải quyết những xung khắc, nhiều nước dùng áp lực kinh tế để dành ưu thế cho mình, chẳng hạn như tăng thuế lên hàng hoá nhập cảng từ nước đối thủ (như Mỹ đang áp dụng đối với TC), đặt thêm những điều kiện khó khăn hơn đối với hàng hoá nhập cảng (như TC áp dụng đối với VN) hoặc mạnh hơn, có thể là “cấm vận” (như Mỹ và Âu châu đối với Nga hiện nay).

Như vậy VN có thể dùng một hoặc cả ba biện pháp ngoại giao, kinh tế, quân sự đối với TC để đòi lại HS/TS không?

Dùng ngoại giao để đòi lại biển đảo? VN đã có làm, đã hội họp thương lượng với TC hàng năm trời để phân định ranh giới trên bộ và kết quả là VN mất hàng ngàn cây số vuông so với biên giới cũ: Nhiều điểm chiến lược ở Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng mà VN dùng để chống TC năm 1979 nay thuộc về TC, ải Nam Quan, thác Bản Giốc cũng không còn như cũ. Rồi cũng hàng năm trời hội họp phân định ranh giới trên biển, VN lại phải cắt cho TC hàng chục ngàn cây số vuông ở Vịnh Bắc Việt: Theo hiệp định đã ký kết từ thời nhà Thanh, ranh giới vịnh Bắc Việt là 1 đường thẳng từ Móng Cái xuống phía nam song song kinh tuyến 108 và như vậy VN có 2/3 diện tích vùng biển này, nhưng sau khi “ngoại giao” nay ranh giới phân chia vịnh Bắc Việt là đường cong theo bờ biển VN, nên VN mất cả chục ngàn cây số vuông trong vùng biển này vào tay TC mặc dù hai nước vẫn “vừa là đồng chí, vừa là anh em”!

Còn kinh tế và quân sự có thể giúp VN đòi lại biển đảo được không? Thật không may, thế và lực của VN hiện nay về kinh tế hay quân sự đều không cân sức đối phó TC, mà chỉ mong ngược lại là TC đừng dùng kinh tế, quân sự để chiếm hết cả biển đảo của VN. Ông Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Nếu xảy ra đụng độ trên biển thì giờ đây ta có thể ngồi đây mà bàn đại hội đảng được không?”. Thật chua chát! Tóm lại, VN không thể dùng giải pháp ngoại giao, kinh tế, quân sự để dành lại vùng biển đảo đã và đang bị TC xâm chiếm hoặc đe doạ. Vậy có kiện TC được không?

2- Giải pháp kiện TC ra trước toà án quốc tế?

Rất nhiều người và cả nhà cầm quyền Hà Nội thỉnh thoảng cũng vẫn nhắc tới việc VN cần phải kiện TC ra trước toà án quốc tế để đòi lại HSTS. Kiện ra toà QT để giải quyết tranh chấp đã có nhiều nước áp dụng, ngay cả Philippines cũng đã kiện TC và đã thành công. Tuy nhiên việc này rất khó đối với VN vì những lý do sau đây:

2.1 Nhà cầm quyền Hà Nội không dám kiện TC:

Trên những văn bản chính thức VN vẫn tự nhận là cùng ý thức hệ CS, với phương châm 16 chữ vàng, tinh thần 4 tốt, đồng chí tốt và gần đây “cộng đồng chung vận mệnh”. Trên thực tế VNCS từ khi thành lập cho đến những năm chiến tranh và ngay cả hiện nay, đều phải nhờ vào TC để sống còn cả về ngoại giao, kinh tế, quân sự và ngay cả việc cắt cử những người lãnh đạo cũng phải được sự đồng ý của TC thì làm sao dám kiện TC ra toà án QT. Việc rõ ràng nhất là năm 2014, Philippines có mời VN cùng tham gia vụ kiện TC về đường lưỡi bò, VN cũng không dám nhận lời.

2.2 Không tìm được toà án nào xét xử:

Để kiện một quốc gia khác về chủ quyền lãnh thổ hay một tranh chấp pháp lý, chỉ có thể kiện ở một trong hai toà án: Toà án Công Lý QT- International Court of Justice (ICJ) hoặc Toà án QT về luật biển – International Tribunal for the Law of the Sea (ITLOS), nhưng 2 toà này sẽ không nhận thụ lý, nếu một quốc gia trong vụ kiện không chấp nhận ra toà để được xét xử. Do TC luôn luôn tìm cách trốn tránh ra toà QT, bằng lập luận “ăn cướp” rằng có đủ bằng chứng lịch sử về chủ quyền HSTS không thể tranh cãi, nên không chịu cho toà xét xử, nên VN không thể kiện tại 2 toà này.

Còn Toà Trọng Tài Thường Trực - Permanent Court of Arbitration (PCA) có thể nhận đơn kiện, dù chỉ có 1 nước yêu cầu xét xử, nhưng toà này lại không có thẩm quyền xét xử về chủ quyền biển đảo, mà chỉ có thể làm trọng tài, giải thích luật QT… nên nếu VN muốn kiện TC đòi chủ quyền HSTS thì toà Trọng Tài này không có thẩm quyền. Do đó VN không thể kiện TC ra toà Trọng Tài để đòi lại HSTS.

Trong vụ kiện của Philippines, TC không hầu toà và toà Trọng Tài không xét xử nước nào làm chủ đảo nào, nhưng đã ra phán quyết theo luật biển LHQ thì vùng HSTS không có mỏm đất/đá nào được coi là “đảo” vì không đủ rộng, không thể có đời sống kinh tế tự túc, nên những bãi đá này chỉ có thể có lãnh hải 12 hải lý xung quanh mà thôi. Những bãi đá nào bị chìm dưới mặt nước, khi nước thuỷ triều lên cao, thì không được gọi là bãi đá, không có lãnh hải 12 hải lý và cũng không nước nào được phép nhận làm chủ. Ngoài ra, vùng biển rộng lớn ngoài 12 hải lý của các bãi đá (mà TC gọi là 'vùng lưỡi bò') sẽ là hải phận hay vùng đặc quyền kinh tế của những nước ở gần trong khoảng từ 200 đến 350 hải lý, do đó vùng biển này hầu như thuộc VN hay Philippines. VN không tham gia vụ kiện này, nhưng phán quyết của toà là một án lệ rất có lợi cho VN khi tranh chấp pháp lý về HSTS với TC.

2.3 Không chắc gì đã thắng được TC:

Cả hai nước TC và VN hiện nay đều nhắc đi nhắc lại rằng mỗi nước đều có những bản đồ xưa, những bằng chứng lịch sử, pháp lý, không thể chối cãi về chủ quyền của mình. Chưa thấy hai nước chính thức trưng ra tất cả những bằng chứng đó, nên chưa hẳn bằng chứng nào có giá trị hơn trước toà án. Do đó nếu chỉ là những bằng chứng trên sách cổ, bản đồ xưa thì chưa chắc gì VN đã thắng kiện. Tuy nhiên những bằng chứng sách vở, bản đồ xưa cũng mới chỉ là một trong nhiều loại bằng chứng có thể dùng, nhưng nếu bên nào có thêm những bằng chứng xác thực hơn, hữu lý hơn, có thể dành phần thắng trước toà nếu có phiên toà xét xử.

Trường hợp này, VN may mắn còn có thêm một số bằng chứng pháp lý được quốc tế công nhận và ngay cả TC cũng mặc nhiên công nhận mà không thể phản biện:xxx

a/ Hải chiến Hoàng Sa 1974: Từ trước thế chiến thứ 2, Pháp bảo hộ VN, đã đóng quân và khai thác tài nguyên tại nhiều nơi ở HSTS và khi rút về nước theo HĐ Geneve 1954, đã trao trả cho VNCH quyền quản trị và bảo vệ. Năm 1974 TC đem dân quân đến xâm chiếm một số đảo nhỏ, quân trú phòng VNCH đánh đuổi nên sau đó TC đem thêm lực lượng hải quân đến tiếp viện và đã xảy ra trận hải chiến giữa VNCH/TC. Dù phía VNCH thua trận, đảo bị chiếm, nhưng sự việc này đã chứng minh rằng chính quyền VN đã từ lâu đả thực thi chủ quyền trên đảo và bị TC dùng võ lực cướp đoạt HS từ tay của VNCH.

b/ Hội nghị San Francisco 1951 khi bàn về hoà bình với Nhật sau thế chiến 2, có 51 nước tham dự, Nhật đã tuyên bố trả lại những vùng đất đã chiếm: Trả lại Trung Hoa vùng Mãn Châu, Nội Mông, các đảo Đài Loan, Bành Hồ. Trưởng phái đoàn Nga Andrei Gromyko đã yêu cầu trao cho Trung Hoa vùng đảo HSTS, nhưng 46/51 nước dự hội nghị đã bác bỏ, trong khi đó Thủ Tướng Trần Văn Hữu, trưởng đoàn “Quốc Gia VN” (VNDCCH không được tham dự) đã phát biểu: “để dập tắt những mầm mống tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo HSTS, từ xưa đến nay vẫn thuộc chủ quyền VN”. Điều này được ghi vào biên bản của hội nghị và 50 nước không nước nào phản đối, kể cả phái đoàn Nga.

c/Hội nghị Geneve 1954 chia cắt VN ở vĩ tuyến 17, cả trong đất liền kéo thẳng ra cả biển Đông. Phía bắc vĩ tuyền 17 thuộc VNDCCH và phía nam vĩ tuyến 17 trong đó có HSTS thuộc QGVN dưới thời QT Bảo Đại. TC là 1 trong những nuớc tham dự hội nghị và có ký tên trong bản “hiệp định đình chiến 1954”, đã không có ý kiến gì về HSTS đề cập trong hiệp định này. Như vậy TC đã mặc nhiên công nhận HSTS thuộc về phía Quốc Gia.

d/ Hội nghị Paris 1973 chấm dứt chiến tranh. TC cũng tham dự và chứng kiến ký kết bản hiệp định này. Ngay điều 1 của Bản hiệp định có ghi: các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN như đã đề qui định theo HĐ Geneve 1954. Lúc đó VNCH đang có quân đội đồn trú ở HSTS và có hải quân tuần tiễu vùng biển xung quanh. Như vậy một lần nữa TC đã mặc nhiên công nhận chủ quyền của VNCH tại HSTS và tôn trọng chủ quyền đó.

Tuy nhiên nhà cầm quyền Hà Nội hiện nay không hẳn đương nhiên xử dụng những bằng chứng trên đây được, vì những lý do sau: Theo những hiệp định ký kết ở San Francisco 1951, Geneve 1954 và Paris 1973 thì Quốc Gia VN sau là VNCH có chủ quyền vùng HSTS chứ không phải VNDCCH (chính quyền Hà Nội hiện nay). Nhà cầm quyền Hà Nội không thể nhận là “kế thừa” chủ quyền từ Quốc Gia VN được, vì Hà Nội đã coi VNCH là “nguỵ quyền” nghĩa là không phải là chính quyền thì làm sao mà “kế thừa”? Còn nếu “tiếp thu” hay “chiếm đoạt” thì trái với hiến chương của LHQ, vì dùng võ lực để xâm lăng. Cho nên Hà Nội phải làm sao giải quyết vấn đề “nguỵ quyền” VNCH một cách ổn thoả trước, rồi mới nói đến quyền “kế thừa” sau, và từ đó mới có thể dùng những bẳng chứng kể trên trong những tranh chấp pháp lý quốc tế được.

Còn một vấn đề khác cũng khá khó khăn để giải thích: Công hàm mà Th/Tg Phạm Văn Đồng gửi TC ngày 14-9-1958. Nhiều nhà nghiên cứu trong nước cho rằng HSTS thuộc quản lý của chính phủ VNCH hoặc Th/Tg PVĐ chưa chuyển thư qua Quốc Hội phê chuẩn, nên văn thư đó không có hiệu lực pháp lý. Chưa vội bàn về mặt pháp lý của công hàm, chỉ cần nêu việc Th/Tg PVĐ hành xử như một “nhân chứng”. Đúng! Một nhân chứng tự nguyện nhìn nhận HSTS là của TC, nên mới ra lệnh cho các cấp thừa hành tôn trọng tuyên bố của TC về lãnh hải 12 hải lý tại HSTS. Thật khó khăn bác bỏ tư cách “nhân chứng” của một Thủ Tướng chính phủ trong trường hợp này!

Cho nên giải pháp kiện TC để lấy lại HSTS cũng gần như vô vọng, ấy là chưa kể dù có thắng kiện tại toà, mà TC không tuân hành thì cũng như không kiện. Phillippines thắng kiện năm 2016, nhưng cho đến nay TC vẫn thường xuyên cấm cản ngư dân và tàu thuyền của Philippines trên vùng biển đặc quyền kinh tế của mình mà Philippines vẫn chưa làm gì được.

Như vậy phải chăng VN không còn cách nào để mong lấy lại HSTS? Đành bất lực, buông xuôi như hiện nay? Không! Vẫn còn một giải pháp khác!

3- Giải pháp áp lực chính trị.

Những cuộc biểu tình của người dân, của nghiệp đoàn, của nông dân nhiều khi đã buộc nhà cầm quyền phải thay đổi chính sách. Điều này không phải chỉ xảy ở những nước dân chủ Tây phương, mà ngay cả ở những nước độc tài: CS Ba Lan sụp đổ vì những cuộc biểu tình của công nhân. Chính phủ độc tài Tunisia bị lật đổ do cuộc cách mạng “hoa nhài” bằng những cuộc biểu tình sau cuộc tự thiêu cùa 1 thanh niên phản đối chính quyền. Chính quyền Libya cũng sụp đổ sau những cuộc biểu tình của dân chúng trong các thành phố lớn. Nhà cầm quyền Bắc Kinh lo sợ trước những người tu luyện “Pháp Luân Công”, lo sợ phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, lo sợ phong trào “giấy trắng” vài năm trước đây. Cũng chính Bắc Kinh năm 2014 đã phải cho rút tàu thăm dò HD 981 ra khỏi hải phận VN vì cuộc biểu tình mạnh mẽ phản đối của người Việt ở nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Saigon, Vũng Áng, Hà Nội. Cũng chính Bắc Kinh lo sợ người dân Việt sẽ “liều thân” chống Tàu, nên buộc chính quyền Hà Nội cấm người dân nhắc đến chiến tranh biên giới 1979, cấm tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa, Gạc Ma, cấm những người mặc áo HSTS, cấm cả đội bóng tròn thanh niên “No U”.

Bắc Kinh biết sợ, sợ “áp lực chính trị” của dư luận VN và thế giới! Tuy nhiên chỉ áp lực như vậy chưa đủ, phải đẩy áp lực này mạnh hơn thế nhiều nữa. Áp lực mạnh cần hai yếu tố: phát huy nội lực mạnh và bạn bè quốc tế nhiều.

3.1- Phát huy nội lực:

Nội lực chính là lòng dân. Trước hết nhà cầm quyền phải thật tâm “nói và làm”, thật tâm với người dân và khơi dậy khí phách dân tộc trước ngoại xâm thay vì cấm cản, phải để cho người dân phát huy lòng yêu nước bằng nhiều hành động khác nhau, trong mọi nơi, mọi lúc, mọi lãnh vực. Dân Việt từ Bắc đến Nam, từ trong nước đến hải ngoại đã nhiều lần nức lòng chống TC âm mưu chiếm cứ biến đảo, chỉ cần nhà cầm quyền Hà Nội dám nhận trách nhiệm đứng lên bảo vệ quê hương, lập tức sĩ khí dân tộc sẽ tụ hội thành sức mạnh tạo nên một “áp lực chính trị” được truyền đi khắp thế giới. Dư luận thế giới đang công kích TC sẽ sẵn sàng ủng hộ VN. Chắc chắn TC phải chùn tay!

Gương sáng tiền nhân qua nhiều triều đại từ Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung … dù thế yếu nhưng lòng dân mạnh, vẫn thắng kẻ thù phương Bắc mạnh hơn nhiều lần. Tại sao nhà cầm quyền Hà Nội còn chần chừ, e ngại?

3.2- Kết nối bạn bè:

Biển Đông thuộc đất nước của VN, là nguồn lợi sinh tồn cho người dân Việt. Những nước như Nhật, Hàn, Phi, Mỹ, Ấn không có ý định chiếm đảo, chiếm biển Đông, nhưng đây là đường giao thương sinh tử của họ, nên họ cũng không muốn để TC kiểm soát vùng biển này. Do đó những nước này có cùng quyền lợi như VN, nên họ sẵn sàng cùng VN giữ an ninh trong vùng biển này. Nếu có sự hợp tác của càng nhiều nước bạn thì “áp lực chính trị” càng mạnh. Tại sao nhà cầm quyền Hà Nội e ngại cộng tác với họ? Cộng tác không phải là cầu cạnh, không phải là lệ thuộc mà là láng diềng có nhau khi “tắt lửa tối đèn” như truyền thống VN. Philippines là nước nhỏ và yếu hơn VN, họ cũng thường xuyên bị TC sách nhiễu, nhưng từ năm ngoái khi có vị Tổng Thống mới, kết bạn gần hơn với Mỹ, với Nhật, tập trận hải quân chung với Mỹ, với Úc thì TC đã xuống nước.

Thế giới như thu hẹp lại vì toàn cầu hoá, vì sự phát triển quá nhanh của truyền thông qua internet, bất cứ một sự kiện nào cũng sẽ được cả thế giới biết đến chỉ trong một vài giờ hoặc ngày, nên sức mạnh của tiếng nói cũng mạnh mẽ và gây ảnh hưởng lớn lao tạo ra một “áp lực chính trị” mà không quốc gia nào dám coi thường. Không thể dùng ngoại giao, kinh tế, quân sự hay kiện tụng để lấy lại HSTS trong lúc này, thì có lẽ “áp lực chính trị” đối với TC là một giải pháp hữu hiệu để TC không thể lấn dần và lấn mãi trong vấn đề HSTS.

Tuy nhiên, dù giải pháp nào thì việc đầu tiên vẫn là chính quyền phải dám làm, chân thành làm, kết tụ được lòng dân trong việc làm. Chống TC cướp đất cướp biển dù chưa thắng vẫn là trách nhiệm của chính quyền phải làm và lịch sử lưu danh nếu có làm.

NGUYỄN TRẦN QUÝ
1/19/2024