Được cử đi học, 25 cán bộ, giảng viên Đại Học Đà Nẵng trốn ở ngoại quốc




ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Có đến 25 cán bộ, giảng viên các trường thuộc Đại Học Đà Nẵng sau khi học tập, công tác xong tại ngoại quốc đã không trở về nước theo cam kết.

Đó là thông tin được Công An Thành Phố Đà Nẵng loan báo tại “Hội nghị sơ kết năm năm thực hiện chỉ thị 01/2018 của thủ tướng chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài trong tình hình hiện nay,” hôm 13 Tháng Ba.



Hàng chục cán bộ thuộc Đại Học Đà Nẵng đã bỏ trốn không trở về nước sau khi được cử đi học ở ngoại quốc. (Hình: VietNamNet)

Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn số liệu thống kê từ Công An Thành Phố Đà Nẵng cho hay ngoài số người ra nước ngoài học tập, chấp hành tốt pháp luật ở nước sở tại, thì tình trạng nhiều cán bộ “không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi được cử đi du học theo các đề án, chương trình của thành phố, của các đơn vị sự nghiệp” gây dư luận không tốt.

Cụ thể như trường hợp 25 cán bộ, giảng viên thuộc Đại Học Đà Nẵng sau khi hoàn thành xong quá trình đào tạo, công tác ở ngoại quốc đã tiếp tục cư trú, làm việc ở nước ngoài, không về nước theo hợp đồng ký kết; 17 học viên thuộc đề án “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” không trở về nước làm việc…

Nói về tình trạng trên, ông Trần Chí Cường, phó chủ tịch thành phố Đà Nẵng, cho rằng do “vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế,” song không giải thích rõ tồn tại và hạn chế những gì.

“Với trường hợp cán bộ, giảng viên của Đại Học Đà Nẵng không về nước thì phải xem xét họ ở lại như thế nào, lý do vì sao… cần phải làm rõ,” ông Cường xoa dịu công luận.

Nhân dịp này, ông Cường đẩy luôn trách nhiệm cho rằng để phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài, đề nghị Công An Thành Phố “là đơn vị chủ công, phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan.”

Theo báo VNExpress, Việt Nam thường đưa ra các đề án đưa cán bộ, giảng viên ra ngoại quốc học tập để trở về phụng sự đất nước nhưng phần lớn không thành công.

Chẳng hạn, năm 2000, chính phủ Việt Nam phê duyệt “Đề án 322” nhằm “đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước,” dự định diễn ra trong năm năm (2000-2005) nhưng sau đó kéo dài 10 năm, với tổng kinh phí hơn 2,500 tỷ đồng ($101.2 triệu).

Theo báo cáo của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, sau 10 năm, hơn 7,100 người tham gia, trong đó có gần 4,600 người đi đào tạo ở ngoại quốc nhưng chỉ có hơn 3,000 người (gần 1,100 tiến sĩ) trở về nước.



Ông Trần Chí Cường, phó chủ tịch thành phố Đà Nẵng, phát biểu tại hội nghị. (Hình: Nguyễn Duy Cường/Người Đưa Tin)

Sau khi “Đề án 322” kết thúc, Tháng Sáu, 2010, chính phủ ra “Đề án 911” để “đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020,” với kinh phí 14,000 tỷ đồng ($567.2 triệu).

Dù dự kiến 10 năm, nhưng chỉ sau bảy năm khai triển, đề án đã phải dừng lại, do không tuyển được người. Trong chỉ tiêu 10,000 người đào tạo ở ngoại quốc, đề án chỉ tuyển được hơn 2,900, tức chưa đạt 30%.

Rút kinh nghiệm trước đó, cuối năm 2021, chính phủ lại phê duyệt “Đề án 89” nhằm đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ cho giai đoạn 2019-2030. Tuy nhiên đến nay, chưa nghe giới hữu trách công bố kết quả thực hiện. (Tr.N)