Mỹ biến máy bay 'ngựa thồ' thành oanh tạc cơ





Không quân Mỹ trang bị bệ phóng tên lửa cho máy bay vận tải như dòng C-17, để biến chúng thành oanh tạc cơ có khả năng tấn công mạnh.

Không quân Mỹ mới đây công bố một số hình ảnh binh sĩ chất bệ phóng tên lửa lên vận tải cơ C-17 và MC-130J trong cuộc tập trận tại địa điểm không tiết lộ ở tây nam châu Á.

Cuộc tập trận nằm trong khuôn khổ sáng kiến mang tên "Rapid Dragon" của không quân Mỹ, nhằm xem xét "tính khả thi và lợi ích tác chiến" của việc dùng các máy bay vận tải sẵn có để triển khai vũ khí tầm xa.

Theo sáng kiến này, tên lửa hành trình sẽ được đưa vào bên trong các thùng hàng theo quy chuẩn để đưa lên vận tải cơ. Khi đạt tới độ cao nhất định, máy bay sẽ thả thùng hàng để thực hiện đòn tập kích.

Thùng chứa được hãm bằng dù để tăng giãn cách và bảo đảm an toàn cho phi cơ, rồi treo lơ lửng với phần mũi tên lửa hướng xuống dưới. Quả đạn sau đó tách khỏi thùng và lao về phía mục tiêu.


Binh sĩ Mỹ chuẩn bị đưa bệ phóng tên lửa lên vận tải cơ hôm 5/3. Ảnh: Không quân Mỹ

Kể từ đầu năm 2020, Bộ tư lệnh Cơ động Trên không (AMC), cơ quan phụ trách hoạt động vận tải và tiếp liệu của không quân Mỹ, đã tiến hành loạt cuộc thử nghiệm về việc thả các bệ phóng tên lửa hành trình thật và mô phỏng từ các dòng máy bay chở hàng như C-17 và MC-130J.

Cơ quan này hồi tháng 9/2023 đã dùng phi cơ C-17 để phóng một quả tên lửa hành trình AGM-158 JASSM-ER trong cuộc tập trận ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tướng Mike Minihan, chỉ huy AMC, cho biết đòn đánh "đã phá hủy mục tiêu và được thực hiện rất thành công".

Ngoài vũ khí như tên lửa hành trình, không quân Mỹ còn có kế hoạch triển khai các thiết bị cảm biến và hệ thống tác chiến điện tử lên vận tải cơ.

"Bên cạnh tấn công mục tiêu, chúng tôi còn có thể triển khai mồi nhử, thiết bị gây nhiễu và hệ thống cảm biến với chức năng tìm kiếm sóng vô tuyến và hỗ trợ hoạt động cứu hộ, cứu nạn", ông Minihan năm ngoái cho biết.


Vận tải cơ MC-130J tại buổi tập trận hôm 5/3. Ảnh: Không quân Mỹ
Giới chức Mỹ cho biết máy bay vận tải MC-130J và C-17 được chọn để tham gia sáng kiến Rapid Dragon vì việc hoán cải chúng thành oanh tạc cơ không yêu cầu phải chỉnh sửa hay huấn luyện nhiều như với các dòng khác.

"Cái hay ở đây là chúng không phải đòi hỏi phải tiến hành bất kỳ sửa đổi nào với máy bay", trung tướng Jim Slife, người khi đó là phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt Mỹ (SOCOM), nói hồi năm 2022. "Phi hành đoàn cũng không cần phải tham gia bất kỳ khóa huấn luyện đặc biệt nào cả".

Vận tải cơ MC-130J có thể đạt độ cao 8.500 mét, sở hữu tầm bay hơn 4.800 km và tải trọng 19 tấn, có khả năng mang theo số lượng vũ khí tầm xa tương đương máy bay ném bom B-52. Khả năng cất hạ cánh ở nhiều địa hình, kể cả trên trên bãi biển, sa mạc và đường cao tốc, là các tính năng nổi bật khác của MC-130J.

"MC-130J là mẫu phi cơ hoàn hảo cho nhiệm vụ này vì nó có thể hạ cánh xuống các đường cao tốc và bãi đáp thô sơ, điều mà oanh tạc cơ không làm được", trung tá Valerie Knight, chỉ huy Không đoàn 352 của Mỹ, nói hồi tháng 11/2022.


Vận tải cơ C-17 Mỹ tại Iraq hồi năm 2007. Ảnh: Không quân Mỹ
Vận tải cơ C-17, biệt danh "ngựa thồ", có tải trọng lên tới hơn 77 tấn, được thiết kế để vận chuyển thiết giáp, xe tải, xe kéo hoặc hơn 100 lính dù. Mẫu phi cơ này có thể mang số đạn chính xác tầm xa nhiều gấp ba lần so với máy bay B-52.

Trang bị bệ phóng tên lửa cho máy bay vận tải sẵn có được đánh giá là giải pháp rẻ tiền hơn nhiều so với biên chế thêm oanh tạc cơ, giúp không quân Mỹ có thể nhanh chóng tăng cường năng lực tập kích tầm xa trong trường hợp xảy ra xung đột lớn.

Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến Mỹ bị thiếu vận tải cơ để làm nhiệm vụ vận chuyển nhân lực, khí tài. Phương pháp trên cũng đặt ra nhiều thách thức về hậu cần cho không quân Mỹ, do lực lượng này sẽ phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho nhiều máy bay chiến đấu hơn.

Phạm Giang
(Theo Business Insider, War Zone, Reuters