Philippines hiên ngang chống Trung Quốc, bắt tay với đồng minh mới




BERLIN, Đức (NV) – Với việc Trung Quốc đang hung hăng khẳng định yêu sách ở Biển Đông, Tổng Thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. dành năm nắm quyền đầu tiên làm nhiệm vụ tăng cường liên minh của Manila với đồng minh lâu đời nhất là Hoa Kỳ. Và giờ đây ông đang nhận được tương trợ từ một liên minh mới và rộng hơn, theo The New York Times.

Tổng Thống Marcos đang hun đúc chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn ngay tại thời điểm quan trọng trong cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Manila với Bắc Kinh. Các cuộc đụng độ trên biển giữa tàu Trung Quốc và Philippines ngày càng xảy ra thường xuyên hơn trong những tháng gần đây.

Tháng Giêng vừa qua, Tổng Thống Marcos và các nhà lãnh đạo Việt Nam, một quốc gia khác chống lại các yêu sách của Trung Quốc với tuyến đường thủy quan trọng, cam kết lực lượng tuần duyên đôi bên sẽ hợp tác chặt chẽ hơn. Trong tháng này, ông Marcos đạt được thỏa thuận hợp tác hàng hải với Úc. Và trong tuần vừa qua, ông lên đường viếng thăm Âu Châu.



Thủ Tướng Đức Olaf Scholz (trái) chào đón Tổng Thống Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos, Jr. ở Berlin, ngày 12 Tháng Ba, 2024 (Hình: TOBIAS SCHWARZ/AFP/Getty Images)

“Phải công nhận rằng Biển Đông luân chuyển 60% thương mại toàn cầu. Vì vậy, đó không chỉ là lợi ích của Philippines, ASEAN hay khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà còn là của cả thế giới,” ông Marcos nói hôm Thứ Ba tại Berlin, về Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN.

Đứng cạnh Thủ Tướng Đức Olaf Scholz, Marcos, Tổng Thống Philippines đầu tiên viếng thăm Đức trong một thập niên, nói thêm, “Đó là lý do vì sao chúng tôi muốn tìm cách giữ cho đây là con đường vận chuyển an toàn cho tất cả hoạt động thương mại quốc tế diễn ra ở Biển Đông.”

Sứ mệnh ngoại giao này, các phân tích gia cho biết, cuối cùng có thể giúp ngăn chặn Trung Quốc. Nhưng họ cũng thừa nhận rằng Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục tăng cường tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, làm tăng nguy cơ nổ ra xung đột mà vào giờ chót có thể lôi kéo cả Hoa Kỳ, đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của Philippines. Washington nhiều lần lên án hành động của Bắc Kinh và tuyên bố sẽ hỗ trợ Manila trong trường hợp bùng nổ xung đột võ trang.

Chiến lược chính sách đối ngoại được ông Marcos, nhà lãnh đạo vừa nhậm chức vào Tháng Sáu 2022, áp dụng gần như trái ngược với cách lèo lái của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Nếu ông Duterte từ chối Tây Phương và ve vãn Trung Quốc, thì ông Marcos lại hồi sinh và cố kết mối bang giao với các đồng minh an ninh truyền thống như Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ông cũng gầy dựng bang giao mới với Thụy Điển và Pháp, đồng thời chính phủ của ông cũng thúc đẩy các thỏa thuận võ khí và diễn tập quân sự.

Căng thẳng lại bùng lên trong tháng này khi các hạm đội Trung Quốc chặn tàu thuyền Philippines ngoài khơi Bãi Cạn Second Thomas, một rạn san hô đang tranh chấp cách bờ biển tỉnh miền Tây Palawan 120 dặm (193.1 kilometer). Xung đột trở nên căng thẳng tột độ khi tàu tuần duyên Trung Quốc và Philippines húc nhau.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền 90% Biển Đông, một số vùng nằm cách đất liền hàng trăm dặm và ở các vùng biển xung quanh Việt Nam, Mã Lai, Brunei, Indonesia và Philippines. Trong khoảng một thập niên qua, Trung Quốc khẳng định quyền kiểm soát ngày càng bành trướng với các vùng biển này, lợi dụng hai quần đảo gọi là Hoàng Sa và Trường Sa để mở rộng xâm lấn quân sự bằng cách xây cất và làm dồi dào các tiền đồn cũng như đường băng.

Hành động quân sự hóa quần đảo Trường Sa cho phép Trung Quốc duy trì sự hiện diện suốt ngày đêm ở vùng biển cách bờ biển Trung Quốc khoảng 500 dặm (804.6 kilometer). Tàu thuyền Trung Quốc đóng quân ở đó rồi liên tục sách nhiễu ngư thuyền Philippines trong khu vực mà tòa án quốc tế ở The Hague, Hòa Lan đưa ra phán quyết là ngư trường truyền thống của Philippines, Việt Nam và các quốc gia khác. Sự hiện diện của Trung Quốc cũng ngăn cản Manila khai thác toàn bộ trữ lượng dầu khí ở vùng biển xung quanh.

Vương Nghị, Ngoại Trưởng Trung Quốc, Tháng Mười Hai trách cứ Philippines vì “thay đổi lập trường về chính sách, từ bỏ các cam kết và tiếp tục khiêu khích, gây rắc rối trên biển.”

Họ Vương cũng cảnh cáo: “Nếu Philippines đánh giá sai tình hình, ngoan cố đi theo con đường riêng của họ, thậm chí thông đồng với các thế lực thù địch bên ngoài để tiếp tục gây rắc rối, hỗn loạn, Trung Quốc nhất định sẽ bảo vệ quyền lợi theo pháp luật và đáp trả quyết liệt.”

Hai tuần sau, Philippines loan báo ký kết thỏa thuận với Anh Quốc và Canada nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng. Các thỏa thuận là một phần của 10 thỏa thuận an ninh mà ông Marcos ký với bảy quốc gia từ năm ngoái, theo một bản kiểm đếm các tuyên bố công khai,.

Hôm Thứ Năm, Petr Pavel, Tổng Thống Tiệp Khắc, cho biết ông sẵn sàng hợp tác với Philippines về quốc phòng và an ninh mạng, đồng thời nói thêm rằng Tiệp Khắc “hoàn toàn” ủng hộ Manila ở Biển Đông.

Ngay cả Ấn Độ, quốc gia im lặng trong nhiều năm về tranh chấp Biển Đông, cũng tuyên bố vào Tháng Sáu năm ngoái rằng họ sẽ đưa ra các khoản vay với lãi suất ưu đãi cho Philippines để hiện đại hóa quân đội. Vào Tháng Tám, hai quốc gia ký thỏa thuận hợp tác trong lãnh vực tuần duyên. (TTHN)