TP. HCM: Một gia đình 'tá hỏa' nhận hóa đơn tiền nước hơn 57 triệu đồng






Đồng hồ nước và hoá đơn tiền nước 57 triệu đồng của một hộ dân tại TP. HCM (Ảnh: Cắt từ clip)

Chủ hộ nhận hóa đơn tiền nước hơn 57 triệu đồng muốn mời chuyên gia đến kiểm định và đặt 5 câu hỏi đến đơn vị cung cấp nước trả lời.

Ngày 20/3, anh Nguyễn Quốc Huy (41 tuổi, ngụ quận 3, TP. HCM) cho biết, anh đã làm việc với Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định về hóa đơn nước gia đình trong tháng 2 tăng đột biến (hơn 57 triệu đồng, tương đương 3.000m3). Theo số liệu cung cấp, bình quân gia đình anh Huy dùng mỗi tháng trên dưới 20m3 nước.

Theo anh Huy, tại buổi làm việc, phía công ty đề nghị hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng sẽ được gộp vào kỳ tháng 3. Việc giám định đồng hồ nước độc lập, gia đình anh có thể thực hiện theo các bước.

Tuy nhiên, anh Huy cho biết hiện chưa rõ 3.000m3 nước thoát đi đâu và không đồng ý trả. Anh không chấp nhận trả số tiền đó vì thực tế gia đình không xài đến 3.000m3 nước.

Theo chủ căn nhà, những ngày tới, gia đình anh sẽ kiến nghị vụ việc đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, anh yêu cầu phía công ty kiểm tra tổng lượng nước đầu vào và tổng lượng nước đầu ra tại khu dân cư để xem có khớp, xác định mất 3.000m3 hay không.



Buổi làm việc giữa nhân viên Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định và gia đình anh Nguyễn Quốc Huy (Ảnh: Cắt từ clip)

Trả lời vấn đề này, đại diện công ty cấp nước cho biết, một khu dân cư có hàng nghìn đồng hồ, có tỷ lệ thất thoát nước và nhiều chi tiết trong đó. Riêng đồng hồ nhà anh Huy tiêu thụ bình quân khoảng 20m3 nên cũng không thể hiện hao hụt ở cụm khu dân cư đó được. Vậy nên, lấy lưu lượng nước nhà anh Huy để tính lại việc thất thoát nước cũng khó có cơ sở.

Người đại diện công ty cho biết sẽ xin ý kiến của giám đốc việc chi phí 3.000m3 nước nhà anh Huy sẽ gộp vào tháng nào. Nếu anh Huy có nhu cầu công ty kiểm định cần phải đóng tiền trước, sau đó công ty mới tháo gỡ đồng hồ kiểm tra.

Trong trường hợp kiểm định sai số vượt mức, công ty sẽ chia sẻ đơn giá, hỗ trợ khách hàng. Nếu khách hàng yêu cầu qua một đơn vị giám định độc lập, toàn bộ lượng nước đó sẽ không được hỗ trợ đơn giá.

Trước đó, ngày 4/3, anh Nguyễn Quốc Huy hoang mang khi gia đình nhận hóa đơn tiền nước tháng 2 hơn 57 triệu đồng.

Anh Huy cho biết ngày 20/2, nhân viên Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định đến đo đồng hồ và cho biết khối lượng nước gia đình sử dụng tăng đột biến. Lúc này, chỉ có mẹ anh ở nhà, chưa rõ số tiền bao nhiêu.

Khoảng 2 ngày sau, nhân viên công ty đến nhà làm việc, anh mới tá hỏa khi biết hóa đơn tiền sử dụng nước tháng này của gia đình hơn 57 triệu đồng (tương đương hơn 3.000m3).

Anh Huy nghi đồng hồ nước có vấn đề mới xảy ra chuyện như vậy.

5 câu hỏi của gia đình anh Huy đến công ty cấp nước

Cũng trong buổi làm việc với đơn vị cung cấp nước, phía gia đình đã đưa ra 5 câu hỏi nhưng đơn vị chưa thể giải thích được vì sao hóa đơn tiền nước lên đến hơn 57 triệu đồng (tương đương 3.000m3).

Câu hỏi thứ nhất anh Huy đặt ra, tại sao gia đình thất thoát 3.000m3 nước mà người nhà không biết, không có dấu hiệu tường thấm nước, nền sụt lún. Nhà anh thấp hơn các hộ kế bên, hàng xóm sinh hoạt xung quanh nhưng không thấy nước tràn ra từ bồn chứa.

Nếu lập luận mỗi ngày thất thoát 50m3 nước (2m3/giờ), tức nước chảy liên tục 2 tháng mới đủ 3.000m3. Lượng nước kia đổ tràn ra nhà hoặc sân thì người nhà không thể nào không biết. Vậy, lượng nước kia đã đi đâu?

Câu hỏi thứ 2, nếu đem đồng hồ nước đi kiểm định có kiểm tra được nguyên nhân không. Nếu trong đường ống không phải nước, mà là áp suất khí thổi qua, liệu kim đồng hồ có quay không?

Câu hỏi thứ 3, đồng hồ có thể bị kẹt cát làm thay đổi vòng tua hay không? Đồng hồ nhảy số hàng đơn vị, hàng chục nhưng nếu kẹt cát có thể nhảy lên số hàng nghìn. Một hộ ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đã từng xảy ra trường hợp này. Hộ này đã đưa đồng hồ nước đi giám định thông qua Hội Bảo vệ người tiêu dùng để xác định.

Câu hỏi thứ 4, từng khu vực, phía công ty sẽ có tổng lưu lượng nước đầu vào từng khu dân cư. Khi cấp nước cho khu vực đó, tổng các hóa đơn các hộ còn lại có khớp với số nước tiêu thụ hay không? Công ty biết tổng lượng nước đầu vào và ra trong khu dân cư, tính toán sẽ ra ngay 3.000m3 nước thất thoát kia nằm đâu.

Cuối cùng, gia đình anh đã đo được tốc độ nước đổ vào trong bồn chứa nhiều lần và tính được mỗi giờ nước chảy chỉ đạt 648 lít nước/giờ. Nếu nói nước chảy 2m3/giờ, một ngày 50m3 và 2 tháng là 3.000m3 nước là phi lý.

Một hộ dân ở Hà Nội bị truy thu hơn 80 triệu đồng tiền nước

Trước đó, vào giữa tháng 3/2023, gia đình anh Nguyễn Minh Thắng (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) nhận được cuộc gọi của nhân viên Công ty nước sạch Tây Hà Nội thông báo về việc đồng hồ nước khu nhà cho thuê trọ của anh có xuất hiện 1 lỗ thủng và 1 que tăm cắm vào công tơ.



Đồng hồ nước nhà ông Thắng có xuất hiện lỗ thủng và que tăm (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đại diện Công ty nước sạch Tây Hà Nội sau đó đã lập biên bản kiểm tra hệ thống nước về việc đồng hồ của khách hàng bị can thiệp vào mặt hiển thị.

Theo nội dung biên bản, đồng hồ bị cháy giữa mặt hiển thị (phần kim đen và kim đỏ). Tiết diện cháy dài khoảng 2cm, rộng 0,5cm. Tại vị trí gần mép cháy phía ngoài có thủng 1 lỗ tròn có cắm que tăm.

Anh Thắng cho biết, anh không kí vào biên bản nhưng đại diện Công ty nước sạch Tây Hà Nội thông báo tạm thời tháo đồng hồ, bịt tạm thời nguồn nước. Đồng thời, mời gia đình đến công ty để phối hợp giải quyết.

Sau đó, đại diện công ty lí giải rằng, do không biết sự việc xảy ra từ bao giờ, do đó công ty sẽ tính mức truy thu từ lúc lắp đặt đồng hồ, bắt đầu từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2023 là 51 tháng. Vậy nên, tính trung bình 60 m3/tháng, nhân với giá nước kinh doanh là 25.000 đồng/m3, cộng thêm 1.500.000 đồng tiền thay đồng hồ mới, tổng cộng là 81.500.000 đồng.

Anh Thắng cho biết, cảm thấy khó hiểu với mức truy thu trên. Bởi mỗi tháng phía công ty đều có nhân viên đến kiểm tra công tơ và đều không phát hiện bất cứ vấn đề nào về công tơ. Thêm vào đó, gia đình anh đều đóng tiền nước đầy đủ, chưa bao giờ đóng thiếu, đóng chậm.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, nếu Công ty nước sạch Tây Hà Nội muốn thực hiện việc truy thu thì cần phải chứng minh được rằng ngân sách nguồn thu của Công ty nước sạch Tây Hà Nội thật sự bị đã bị thất thoát từ thời điểm tháng 10/2018 đến tháng 3/2023 và nguyên nhân xuất phát do lỗi của khách hàng - là anh Thắng.

Đồng thời, Công ty nước sạch Tây Hà Nội phải cung cấp được cơ sở pháp lý mà Công ty nước sạch Tây Hà Nội căn cứ vào để thực hiện việc truy thu tiền nước sử dụng của khách hàng.

Theo khoản 3 Điều 49 Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11.7.2007 (có hiệu lực 17.8.2007) của Chính phủ quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch quy định rằng: “Đơn vị cấp nước có trách nhiệm tổ chức ghi đúng chỉ số đồng hồ nước theo định kì và thông báo cho khách hàng sử dụng nước, khách hàng sử dụng nước có quyền kiểm tra, giám sát việc ghi chỉ số đồng hồ của đơn vị cấp nước”.

Đối chiếu quy định này, theo Luật sư Hậu, nhân viên của Công ty nước sạch Tây Hà Nội có trách nhiệm tổ chức ghi đúng chỉ số đồng hồ nước theo định kì và phải thông báo cho khách hàng sử dụng nước nếu phát hiện bất kỳ sự cố hay bất thường của công tơ nước.

Việc phía Công ty nước sạch Tây Hà Nội không phát hiện để có phương hướng xử lí từ sớm cũng như thông báo kịp thời cho phía khách hàng không thuộc phạm trù chịu trách nhiệm của khách hàng.



Hoàng Anh